Nhà đầu tư mạnh mẽ chốt lời, chứng khoán Mỹ mất mốc lịch sử

Phố Wall kết thúc ngày giao dịch ở mức thấp vào thứ Ba khi các nhà đầu tư chủ động chốt lời sau đợt tăng mạnh mẽ hậu bầu cử Mỹ, đồng thời chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng dự kiến công bố trong tuần này…

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 382,15 điểm (-0,86%) xuống 43.910,98 điểm, S&P 500 mất 17,36 điểm (-0,29%) thành 5.983,99 điểm và Nasdaq Composite trượt 17,36 điểm (-0,09%) còn 19.281,40 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, ngành vật liệu có mức giảm lớn nhất (-1,6%), theo sau là ngành y tế bị kéo tụt bởi cổ phiếu của Amgen (-7%). Dịch vụ viễn thông là ngành duy nhất ghi nhận sắc xanh, tăng nhẹ 0,5%.

Trước đó, các chỉ số chính của Phố Wall đã liên tục chạm mốc cao kỷ lục kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11, khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào các chính sách cắt giảm thuế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, tâm lý hào hứng đó đã giảm sút vào thứ Ba do lo ngại về việc liệu các chính sách mới có làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.

Một số cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump cũng chứng kiến biến động, điển hình là cổ phiếu của hãng xe điện Tesla, giảm 6% vào thứ Ba sau khi đã tăng gần 40% kể từ Ngày Bầu cử.

Chỉ số Russell 2000 của các công ty vốn hóa nhỏ trượt 1,8% sau khi chạm mức cao nhất trong 3 năm vào thứ Hai. Bên cạnh đó, đà gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

“Thị trường đã bắt đầu phiên giao dịch với một sự điều chỉnh sau đợt tăng mạnh gần đây và các nhà đầu tư thường có xu hướng chốt lời đề phòng trường hợp cổ phiếu tiếp tục đi xuống”, ông Russell Price, kinh tế trưởng của Ameriprise Financial nhận xét.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,29 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 13,17 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.

Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Tư, tiếp theo là chỉ số giá sản xuất và doanh thu bán lẻ trong những ngày sau đó, sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, vì chúng có thể cung cấp manh mối về lộ trình chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari mới đây có đưa ra bình luận rằng chính sách tiền tệ của Mỹ hiện đang hơi hạn chế, với chi phí vay ngắn hạn tiếp tục làm chậm lạm phát và nền kinh tế nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin trước đó trong ngày đã cho biết, ngân hàng trung ương sẵn sàng phản ứng nếu áp lực lạm phát gia tăng hoặc thị trường lao động yếu đi.

GIÁ DẦU GHI NHẬN MỨC THẤP NHẤT TRONG 2 TUẦN

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục trượt giảm khi nhà đầu tư cân nhắc tin tức OPEC điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent hiện giao dịch ở mức 71,89 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 8 xu là 68,12 USD/thùng.

OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024, đồng thời điều chỉnh giảm cho dự báo cho năm sau, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của tổ chức này.

Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn so với dự báo 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước.

Nhu cầu yếu hơn sẽ là thách thức lớn đối với OPEC+, tổ chức gồm các quốc gia sản xuất dầu thuộc OPEC và các đồng minh như Nga. Tháng này, nhóm đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong bối cảnh giá dầu lao dốc.

"Với nhu cầu của Trung Quốc vẫn không mấy khả quan, các điều chỉnh nguồn cung của OPEC không mang lại tác động như mong đợi, ngoài việc duy trì dầu Brent ở mức 70 USD”, ông Gaurav Sharma, nhà phân tích dầu độc lập tại London, nhận định.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nha-dau-tu-manh-me-chot-loi-chung-khoan-my-mat-moc-lich-su-post555962.html
Zalo