Nhà đầu tư 173 dự án điện tái tạo kiến nghị giữ nguyên giá ưu đãi
Các nhà đầu tư kiến nghị cơ quan chức năng xác nhận và thi hành ngày COD như đã chấp thuận ban đầu, giữ nguyên giá điện ưu đãi đối với 173 dự án đã vận hành.

Các doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo lo phá sản nếu bị hồi tố quyết định hưởng giá FIT. Ảnh: Quỳnh Danh.
Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và Hiệp hội Điện gió - Mặt trời Bình Thuận cùng loạt nhà đầu tư trong nước vừa có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan chức năng liên quan đến phương thức xử lý đối với 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã có ngày vận hành thương mại (COD) trước hoặc trong năm 2021 nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm COD.
Nhà đầu tư muốn giữ nguyên giá ưu đãi
Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng sau lần kiến nghị thứ nhất, phía Công ty Mua bán điện - EVNEPTC (đơn vị trực thuộc EVN) đã tổ chức một số cuộc họp để thu thập ý kiến từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các đề xuất của EVNEPTC không giải quyết được các vấn đề cốt lõi mà nhà đầu tư quan tâm mà còn làm lo lắng hơn.
Các nhà đầu tư cho rằng giải pháp phía EVNEPTC đưa ra là trong thời gian chờ hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị này tạm thanh toán tiền điện theo nguyên tắc áp dụng giá điện tương đương giá mua bán điện ưu đãi cố định (FIT) hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp có hiệu lực tại thời điểm nhà máy điện liên quan có chấp thuận nghiệm thu; sau khi có hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, các bên sẽ “sửa đổi hợp đồng” và thực hiện thanh quyết toán tiền điện theo quy định.
Theo các nhà đầu tư, đề xuất nói trên trái với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đang có hiệu lực cũng như pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho rằng không có cơ sở pháp lý để tạm giữ lại một phần tiền mua bán điện, áp dụng biểu giá tạm thời trái với biểu giá đã thỏa thuận trước đó hay yêu cầu nhà đầu tư ký sửa đổi hợp đồng mua bán.
Thực tế, kể từ kỳ hóa đơn thanh toán tiền điện vào tháng 1/2025, EVNEPTC đã đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời dù không có bất kỳ công văn chính thức nào.
Phía nhà đầu tư nhấn mạnh doanh thu từ việc bán điện là nguồn sống duy nhất giúp duy trì hoạt động của các nhà máy điện, hoàn thành nghĩa vụ thuế, thanh toán đúng hạn nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, thu nhập cho người lao động.
“Tình trạng này khiến chúng tôi vi phạm nghĩa vụ với các ngân hàng và các tổ chức cho vay trong và ngoài nước, đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán do áp lực trả nợ hàng tháng và rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động bảo trì, sửa chữa và vận hành nhà máy, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và tính khả thi của các dự án cũng như hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, các nhà đầu tư trần tình.
Thông qua văn bản này, các nhà đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng xác nhận và thi hành ngày COD như đã chấp thuận ban đầu, thanh toán tiền điện như hợp đồng và không hồi tố trong việc xác định điều kiện vận hành thương mại, giá FIT đối với các dự án đã vận hành…
Nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiến kiện
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15/4 do Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết các nhà đầu tư tham gia đối thoại đều không đồng thuận với phương án xử lý giá FIT mà EVN đề xuất.
Mặt khác, qua làm việc với các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài như EuroCham và ThaiCham, Bộ Công Thương cũng nhận thấy các hiệp hội đều cảnh báo nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Công Thương nhấn mạnh dù EVN đã gửi nhiều báo cáo để Bộ Công Thương tổng hợp, nhưng Bộ đánh giá các nội dung này chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 233. Theo nghị quyết, phương án xử lý cần phải đảm bảo tính tối ưu trên cơ sở phân tích, so sánh tác động kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế tranh chấp pháp lý, đảm bảo an ninh năng lượng và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý cho biết đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, yêu cầu EVN khẩn trương hoàn tất báo cáo xử lý vấn đề áp dụng giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Bộ kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo EVN khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, sớm hoàn thành, báo cáo kết quả theo quy định về nội dung hưởng giá FIT các dự án điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp.
Trong đó, với các trường hợp nghiệm thu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, EVN cần kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu và báo cáo Bộ Công Thương phương án đề xuất, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời, EVN phải báo cáo rõ ràng, chịu trách nhiệm toàn diện về phương án lựa chọn, đảm bảo phù hợp với pháp luật, đồng thời giảm thiểu rủi ro tranh chấp, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và bền vững cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.