Nhà có ba người

Gã xoa đầu thằng nhỏ rồi nhìn sang người đàn bà vẫn ngồi yên lặng trong góc phòng. Đôi mắt cô vẫn sâu hun hút những ngày tháng tăm tối. Tăm tối như cái đêm cô nhìn người đàn ông cùng quẫn, trèo qua lan can cầu, rồi mất hút. Như những đêm thiếp đi trong cơn mệt mỏi cùng cực trước những hình ảnh đầy ám ảnh trong căn nhà mà hai mẹ con cô trú ngụ.

Đám trẻ, đứa nọ đẩy đứa kia, sấn dần đến gốc da sà om om. Mười giờ tối. Con hẻm thông luồng hai con đường chánh đạo lớn nhứt nhì xóm chợ đã tuyệt nhiên không một bóng người lai vãng. Khả dĩ không chỉ vì mấy cái đèn đường cháy tóc đã lâu, mà tổ dân phố chưa tìm được người thay ông tổ trưởng một mực kiếu lão để lo liệu. Mà cho dù còn tại vị thì cũng khó lòng vác cái lưng thoát vị đĩa đệm lâu niên trèo lên trèo xuống mấy cái cột điện. Xung quanh khu vực gốc da sà, chưa cái bóng đèn nào sáng qua nổi một đêm. Nhưng, cái sự tối tăm đâu nên nỗi mà ngay cả cánh tài xế đường dài khét tiếng lục lâm cứ sầm sập, cốt né mấy tuyến đường lớn cấm tải nội thành, cũng phải nuốt nước bọt ngán ngẩm, chấp nhận bị bắt chẹt giá bãi trên trời mà không dám than tiếng nhỏ.

“Mày lên trước, có gì tụi tao còn liệu” - đám nít rì rầm, đứa sau đẩy đứa trước, nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám tiến dứt khoát. Thi thoảng, từng trận gió lộng va phải dãy nhà cao tầng, trở ngược về phía con hẻm, đánh thốc vào đám lá rì rào, khiến cả đám nổi gai ốc.

“Thấy chưa, có gì đâu mà tụi bây xếp re” - một đứa ngoác miệng cười, ra vẻ khoái chí. Giọng đàn anh kẻ cả, the thé còn chưa vỡ.

“Thôi về, tụi bây, má tao dặn...” - đứa khác thều thào, thở dốc, cố rúc vào giữa, phòng hờ bất trắc. Nhưng, rốt cuộc, cả đám vẫn co cụm, không đứa nào chịu lọt vòng ngoài.

Cuộc giằng co đương hồi quyết liệt, chưa ngã ngũ, bỗng dưng cả đám im bặt. Không đứa nào bảo đứa nào, mấy cặp mắt cùng ngước lên đám lá xao xao, dõi về phía nhành cây đang phát ra từng hồi kẽo kẹt. Trên nền trời như phủ lớp phản quang mỏng, nổi bật vật thể đen kịt. Nó lắc lư theo từng nhịp đong đưa của những nhánh cây bị vạt gió bẻ cong, rồi đánh bật rào rạt.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Minh họa: Bùi Quang Đức

Ông trẳng ông trăng, ông xuống nhà tôi

Có bầu có bạn, có bát cơm xôi

Có nồi cơm nếp, có tệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu, có khướu đánh đu

Thằng cu vỗ chài, bắt trai bỏ giỏ...

Tiếng nói văng vẳng, như buông vào cõi xa xăm, một thế giới hoàn toàn tách biệt với đủ thứ ồn ã, tấp nập chỉ cách đó chưa đầy trăm thước. Đám trẻ chết điếng, nhưng không đứa nào dám tách nhóm mà tháo chạy. Chúng vẫn dõi theo từng nhịp kẽo kẹt. Rằng, chỉ cần rời mắt là cái khối kì dị kia thộp lấy như trong mấy bộ phim ở rạp. Đột ngột, vật thể đương đong đưa kia cất tiếng cười khanh khách đầy quỷ dị. Tán da sà rung lắc dữ dội, thả từng đám lá mịt mùng xuống bầy trẻ đang gào khóc, bò lê trên nền đất.

*

- Nhà mày có mấy người?

Thằng nhỏ nhìn đám trong xóm, lấm lét, nhưng vẫn cầm chặt cái chong chóng ngũ sắc.

- Ba người.

- Mày nói láo - thằng cao lớn nhất đám gằn giọng. Tiếng gầm chưa dứt, thằng nhỏ ngã lăn ra đất. Cú đấm thứ hai chực giáng xuống nhưng đã giật ngược. Tiếng hét lớn vọng lại từ quán nước ngã tư hẻm khiến lũ con nít nhốn nháo, hè nhàu lẩn vào căn nhà ba tầng trắng toát màu sơn mới. Gã thanh niên hất ngược cái nón lưỡi trai cáu bẩn, túm lấy vai thẳng nhỏ vẫn còn nằm sấp trên mặt đất, kéo dậy. Đột ngột, gã bật ngửa, miệng ú ớ như người phải gió. Dường như có thứ gì đó khiến chân gã cứng đờ, không thể cử động. Hai tay gã chới với về phía sau, bò giật lùi. Cử chỉ kì quái của gã khiến những người xung quanh lấy làm kinh ngạc, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra sự kinh hãi cực độ trong đôi mắt đã dại đi. Trong khi thằng nhỏ lặng lẽ đứng dậy, thản nhiên đi về phía căn nhà nhỏ xập xệ, cạnh gốc cây da sà cách đó chỉ độ dăm chục bước chân. Không một tiếng thì thào, tất cả dõi theo cái lưng áo lấm lem, cho đến khi nó khuất hẳn. Tiếng bản lề cánh cửa sắt rít lên khô khốc khiến ai nấy lạnh sống lưng.

- Bình tĩnh chưa đã, chú em? - ông Năm nhìn gã thanh niên tu sạch ca nước đá, ngồi đực ra như người mất của - chú có chắc không?

- Bộ đèn pha con độ thông từ đầu hẻm đến cuối hẻm, rực như ban ngày. Không lầm được - gã đưa điếu thuốc lên miệng, rít lấy rít để. Nhìn thấy bàn tay gã vẫn còn run bần bật như ma men đứt bữa, ông Năm biết rằng gã không dựng chuyện. Cả cuộc đời ông gần như gắn liền với nơi này, từ khi hút tầm mắt mới có một căn nhà, còn lại đây đó những nấm mồ vô chủ sau những trận pháo chà đi xát lại không biết bao nhiêu bận mà kể. Rồi không chỉ có đường, mà còn có hẻm. Riết rồi người chết cũng phải nhường nơi nằm cho người sống. Cái trước mắt, cái hữu hình đáng sợ hơn cái huyền hoặc vô hình xa xôi. Ngay cả căn nhà cấp bốn cũ kỹ, ẩm thấp nhất khu phố rao bán, rao thuê bao nhiêu bận nhưng chẳng mấy ai dám léo hánh cũng đã có hai mẹ con người xứ ngoài đến trú. Và, cái sự tạm bợ mà cả khu phố đều quả quyết rằng chẳng đặng đừng ấy kéo dài đến giờ đã đầy năm. Nhưng, từ đó, số người thề sống thề chết đã mục sở thị những thứ kỳ quái ở căn nhà này cùng tăng vọt.

- Vậy mới biết, quỷ ma còn thua xa nạ dòng - người đàn bà luống tuổi, mặt bự phấn, trề môi đánh thượt. Những người ngồi quanh cái quán bánh kẹp mới mở, gật gù, miệng vẫn rau ráu, tươm mỡ. Chẳng phải vì câu chuyện được khơi mào từ kẻ đứng đầu dòng họ chiếm quá phần tư dân số tuyến hẻm, sở hữu ba, bốn căn cao tầng bao quát tầm nhìn đến tận quá nửa cái phố chợ. Mà rằng, trong đám trẻ đã trót nhìn thấy cái thứ không nên nhìn thấy vào cái đêm trăng lu hôm trước, quá nửa là đàn cháu của bà. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa đứa nào dám quay trở lại cây da sà. Mặc dù, chúng chưa bao giờ từ bỏ cơ hội thượng cẳng tay hạ cẳng chân thằng nhỏ vẫn lủi thủi ở cái nơi đáng sợ đó. Và, bà cho rằng cũng chẳng có gì đáng tội, nhất là với những kẻ sống ở cái nơi không được sạch sẽ.

Riêng ông Năm, ngoài vấn đề trị an, ông chẳng mấy để tâm những chuyện vô công tầm phào. Mặc dù, ông đã không rời cái vị trí trưởng khu phố nhiều năm. Duy những lời bàn tán về người đàn ông vẫn hay xuất hiện trước căn nhà làm ông nghĩ ngợi. Bởi, đôi lần, đôi mắt kèm nhèm mất ngủ của ông nhác thấy cái bóng đen cao lớn rời gốc da sà, rồi mất hút vào bóng tối. Còn thằng nhỏ, ngoài cái sự xa lánh của đám trẻ theo lời căn dặn của người lớn, ông không thấy nó có gì khác lạ. Nhưng, cái xe tải mười tấn của thằng Bảy Lạp đã không còn ầm ầm qua con hẻm mỗi đêm, sau cái lần người ta thấy nó bị quẳng chình ình cách cây da sà vài bước chân, còn gã thiêm thiếp trên cái sạp thịt heo cuối chợ với đôi chân trần tươm máu.

- Bây giờ, cứ nhắm mắt là con lại thấy nó kéo thứ đó xềnh xệch dưới gốc cây da sà. Cái vệt đỏ lòm lòm rõ mồn một lê từ trong nhà ra - giọng run run không giấu nổi sự hãi hùng của Bảy Lạp càng khiến ông Năm đăm chiêu.

*

Người đàn ông gỡ nón, hẩy tay phủi lớp bụi bám trắng xóa bộ cảnh phục. Nhưng, cốt là làm ra vẻ tảng lờ đám đông huyên náo từ tận ngã tư hẻm. Các bà một mực thuyết phục anh khảo thằng cu Gạo thay vì chờ chực mãi dưới gốc da sà lắm điều tiếng mà không thể nào chạm mặt được chủ hộ.

“Con nít thật thà, chứ cái thứ nạ dòng tin được không” - tiếng vọng vẳng lại khiến anh phát bực. Nhưng, cũng khiến cho anh nghĩ ngợi mông lung. Theo lời của người chủ căn nhà và thông tin đăng ký lưu trú, chỉ có hai mẹ con một người phụ nữ ngoài ba mươi đến thuê trọ. Ngoài ra, không còn ai khác, trừ tấm di ảnh của một người đàn ông. Nhưng, hầu như bà con khu phố đều một mực khẳng định, nơi đây không chỉ có hai người. Thâm chí, khẳng định đã có lúc nhiều người đàn ông ra vào căn nhà này. Tuy nhiên, anh đã đến đây nhiều lần, nhưng chưa từng chạm mặt người phụ nữ ấy. Trừ đứa nhỏ mà lúc nào anh cũng chỉ thấy quanh quẩn một mình ở gốc da sà.

“Nhà con có mấy người?” - anh cố gắng loại bỏ sự đề phòng. Hơn ai hết, anh hiểu phản ứng mà gần như là một thứ phản xạ phòng vệ từ những đứa trẻ đã sớm nhận thức được sự khác biệt giữa mình với những đứa trẻ xung quanh. Nhất là khi cái điều quái đản này lại xuất phát từ người lớn. Thằng nhỏ rút cái chong chóng ra khỏi ụ đất, ngẩng nhìn người đàn ông trước mặt hồi lâu.

- Ba người - ánh mắt vô hồn, lẽ ra không thể có ở một đứa trẻ cùng cái thanh âm lạnh như sóng dao khiến anh không khỏi băn khoăn

- Mẹ con khi nào về? - anh cố gắng gặng hỏi.

- Không biết - thằng nhỏ vẫn tiếp tục loay hoay với chiếc chong chóng. Ngọn gió từ trên cao lại đánh thốc xuống khiến nó xoay tít. Người thanh niên nhận ra thứ thanh âm gì đó khùng khục mắc kẹt nơi cổ họng phát ra từ gốc da sà. Thình lình, thằng nhỏ quay ngoắt về phía đám đông, nở nụ cười lạnh lẽo, khúc khích đầy kỳ quái. Tiếng cười văng vẳng trong không gian vắng lặng khiến anh rùng mình. Bất giác, ánh mắt anh va phải gương mặt xương xẩu, nám đen nép sau đám người tự khi nào đã thôi xôn xao, bắt đầu nhường chỗ cho sự im lặng đến đáng sợ. Nhận ra sự chú ý, gã kéo sụp vành mũ, biến mất vào con đường lớn. Anh ngờ ngợ như mình đã từng nhìn thấy gương mặt này trước đây, nhưng tuyệt nhiên không thể nhớ ra.

*

Điển giật mình. Nhưng, bờ mi nặng trĩu do thiếu ngủ khiến mọi thứ quanh cô trở nên mơ hồ. Cô khẽ mò mẫm trong bóng tối. Trống rỗng. Hoảng hốt bật dậy, Điển nhận ra luồng khí lạnh lẽo đang len lỏi trong bóng tối. Cô cố trấn tĩnh, từ từ quay đầu nhìn về phía sau. Một dải sáng nhờ nhợ, thẳng tắp kéo dài từ mặt đất lên đến ô thông gió đã được bịt kín bằng bìa carton khiến hơi thở trở nên gấp gáp. Cơn lạnh dường như thấm sâu vào từng thớ thịt, cô rón rén từng bước trên đôi bàn chân đã bắt đầu tê cứng, cố gắng không tạo ra bất kỳ tiếng động nào.

Nỗi sợ dấy lên âm ỉ, Điển khẽ áp lưng vào tường, từ từ ghé mắt vào nơi những tia sáng lọt qua. Một bóng đen cao lớn gần như tựa vào gốc da sà, cách vị trí của cô chỉ vài sải bước người lớn. Cả thân hình gần như bất động, nhưng cánh tay vẫn đong đưa như quả lắc đồng hồ, kéo lê thứ gì đó trên mặt đất, tạo ra thanh âm lọc cọc như lũ trẻ kéo theo mấy trái dừa khô đã bóc vỏ đằng sau yên xe đạp. Văng vẳng trong tiếng gió lùa vào đám lá lao xao, Điển nhận ra giọng của một đứa trẻ, lúc xa, lúc gần như vọng về từ nơi xa thẳm.

Có rá vo gạo, có gáo múc nước
Có lược chải đầu, có trâu cày ruộng
Có muống thả ao, ông sao trên trời
Ông sao trên trời...

Không khí bỗng dưng trở nên đặc quánh. Điển gắng từng hơi nặng nhọc qua cổ họng khô khốc. Bóng đen rời gốc da sà, đầu lắc lư như người no rượu bữa. Dưới ánh bàng bạc thượng huyền, tấm lưng rộng bản từ từ xoay về hướng cánh cửa. Điển kinh hãi, giật lùi, bịt miệng thật chặt để tiếng thét không thể thoát ra bên ngoài. Tiếng gót giày nện vào nền đường bê tông mỗi lúc một rõ hơn rồi dừng hẳn trước cánh cửa vẫn đang khép hờ. Nhưng, cái thứ đó vẫn lọc cọc đều đặn trên nền đất. Cô cố nép thật sâu vào góc gian phòng tối, mắt vẫn trừng trừng nhìn về phía dải sáng mờ ảo, hy vọng nó không mở rộng ra thêm chút nào nữa.

Đến lúc này, Điển không còn có thể tìm ra được lý do để không tin vào những thứ mà mình nhìn thấy. Cô đã bỏ ngoài tai tất cả những lời đồn đại, chỉ cốt có được một nơi tạm bợ cho hai mẹ con với cái giá rẻ nhất có thể. Dòng nước cuồn cuộn đã nhấn chìm người chồng phẫn chí vì làm ăn thua lỗ, nhấn chìm cả cuộc đời cô cùng viễn cảnh mà cô hằng mơ tưởng, nhấn chìm cả tiếng nói cười của một đứa trẻ.

Cô cố tin rằng những hành động kỳ lạ của cu Gạo kể từ khi hai mẹ con cô chuyển đến đây chỉ là một sự trùng hợp những giai đoạn khủng hoảng tâm lý theo diễn biến thông thường như những đứa trẻ khác. Rằng, cái dáng vẻ lầm lì chỉ là phản ứng trước sự xa lánh, dò xét của những người xung quanh. Như cái cách mà kẻ sang lo sợ kẻ bạt xứ, bần cùng mang theo cái nghèo hèn xứ sở mà lây lan cho con cái họ. Những kẻ nương nhờ nơi được cho là chốn ra vào của những thứ không sạch sẽ lại càng đáng sợ. Ngay cả những gã đòi nợ thuê vẫn bám theo hai mẹ con cô như âm hồn bất tán cũng không dám đến thường xuyên như trước. Nhưng, vừa đủ để những câu chuyện về người đàn bà chết chồng đi về như một bóng ma, lại lắm nhân tình trở thành đề tài bàn tán của những kẻ no cơm ấm cật trong khu phố.

Nhưng, đống nợ lơ lửng trên đầu khiến cô không còn thời gian để nghĩ ngợi. Cho đến khi những ngày tháng quần quật mệt mỏi cùng cực không còn có thể chiến thắng nổi những âm thanh kỳ lạ vọng lại từ trên gác lửng. Sờ soạng xung quanh, không tìm thấy cu Gạo. Cô bật điện, cất tiếng gọi. Không lời đáp. Tiếng lộp cộp đều đặn vẫn vang lại. Cô bước nhanh lên cầu thang, thấy đứa trẻ đang mò mẫm thứ gì đó sau mớ đồ lỉnh kỉnh. Cô lại cất tiếng gọi. Không có bất kỳ phản ứng nào cho thấy đứa trẻ nghe thấy cô. Cô tiến gần hơn, nhẹ đặt tay lên vai đứa trẻ. Đột ngột, đứa trẻ ngoảnh đầu. Cô há hốc, cổ họng nghẹn cứng. Đập vào mắt cô là nửa gương mặt gần như bị hủy hoại, mảng sương trắng lồ lộ giữa từng lớp da thịt nhầy nhụa máu. Đứa trẻ đứng bật dậy, nhìn cô. Tay nó lắc lư như quả lắc đồng hồ, nắm mớ tóc kéo lê chiếc đầu lâu va lộp cộp vào nền gỗ. Tim cô như có ai đó bóp chặt. Mọi thứ chìm vào bóng tối.

*

Bốn bề chìm vào sâu vào giấc ngủ im lìm. Một cánh tay thò ra khỏi hàng kiệu vẫn xếp dọc bờ tường ngôi nhà bề thế góc ngã tư con hẻm, xoay tít, rồi phẩy nhẹ. Ngay tức thì, ba cái bóng lao vút ra ngoài, thoáng chốc biến mất sau các lối rẽ.

- Chắc kèo chớ, ông Năm? - thành nói hơi gió.

Ông Năm chau mày, chớp mắt lia lịa, cố gắng đưa tầm mắt kèm nhèm xa hơn về phía gốc da sà. Mấy tháng liền ngồi phục chong mắt thâu đêm ở tất cả các thông đạo nhưng ông Năm không phát hiện sự gì lạ. Ngoại trừ hướng đâm ra con lộ chánh đạo, thông suốt từ ngã rẽ vào con đường xuyên Á đến khu trung tâm thành phố.

- Không chắc mẩm, nhưng tao đoán nó chọn con đường ít ai nghĩ tới.

Vừa đáp, ông lão vừa ngẩng nhìn lên bầu trời nhờ nhợ sáng. Thứ ánh sáng lấy từ bóng trăng mỏng như sương, chỉ vừa đủ để người ta nhận thức được sự tồn tại, biết được thứ gì đó đang đến. Mọi thứ hiện lên một cách mờ mịt, kỳ ảo, thậm chí là đáng sợ. Giống như cái cách mà người dân khu phố này tin rằng thứ không sạch sẽ vẫn lởn vởn quanh gốc da sà trong những ngày đầu thượng huyền. Sau cái dáng lầm lũi, đôi mắt thâm quầng, sâu hun hút trên gương mặt hốc hác, không hiển hiện chút sinh khí của người phụ nữ lẫn đứa trẻ ở trong căn nhà ấy, những hiện tượng quỷ dị xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Và, không ít kẻ thề sống thề chết đã mục kích cái thứ đáng sợ ấy vào những đêm trăng đầu mùa, như đêm nay.

Thành lắc đầu lia lịa, cốt không để cơn buồn ngủ hạ gục anh. Mấy ngày liền nhận nhiệm vụ truy quét các toán cướp lẩn lút trong các khu trọ chằng chịt, phức tạp của dân chạy chợ, anh gần như chưa hề chợp mắt. Nhưng, lời đề nghị của ông Năm lại có đủ sức hút để kéo anh ra khỏi nhà vào ngày nghỉ hiếm hoi. Anh dự cảm điều gì đó bất thường đằng sau câu chuyện hai mẹ con người đàn bà trú ngụ trong căn nhà mà cư dân cả khu phố từ lâu coi như cái mả hủi. Đôi mắt vô hồn, cái âm thanh khúc khích lạnh lẽo của đứa trẻ ám ảnh anh từng đêm, hơn là về những kẻ khả nghi vẫn lui tới căn nhà này theo lời kể của những người sống trong khu vực.

“Nhưng...” - câu hỏi của Thành chưa kịp thoát ra khỏi miệng đã bị một bàn tay thô nhám chặn lại. Ông Năm ra dấu im lặng, đoạn chỉ về phía bóng đen đang men theo bóng tối sát bờ tường, lẩn sâu vào bên trong con hẻm, rồi mất hút ở gốc da sà. Một lúc sau, như có thứ gì đó bị kéo lê trên nền bê tông khô khốc. Trong đêm tĩnh mịch, tiếng lộc cộc vang xa, rõ mồn một, đầy ma mị. Giây lát, bóng đen thứ hai xuất hiện, nhỏ thó, cũng nhanh chóng biến mất dạng vào gốc da sà.

Thành nhìn ông Năm. Ông Năm nhíu mày, khẽ gật đầu. Cả hai lặng lẽ rời hàng kiệu, chia hai hướng, vòng về phía đầu hẻm thông ra đường lớn. Ba mươi phút sau. Bóng đen cao lớn rời gốc da sà, rút về hướng con lộ. Những bước chân thoăn thoắt, nhẹ như không, tiến vào xưởng gỗ ngổn ngang. Đột ngột, bóng đen dừng lại, chuyển hướng. Nhưng, không kịp nữa. Ông Năm bật đèn pin, giật chiếc mũ nỉ đen cáu bẩn của kẻ lạ mặt đã bị Thành khóa chặt hai tay.

“Mình nói chuyện chút đi, chú em” - ông Năm lia đèn pin về phía chiếc xe gắn máy giấu sau đống gỗ.

*

Đám đông nhích dần về phía gốc da sà. Tiếng huyên náo mỗi lúc một lớn. Bên trong cánh cổng, người ta nhận ra mấy gã đàn ông xăm trổ, với gương mặt bặm trợn, thi thoảng lui tới căn nhà của người đàn bà nạ dòng, với hai cánh tay bị siết chặt ra sau. Những người đóng khung trong bộ trang phục công vụ đi lại như mắc cửi.

Ông Năm nhìn mấy cái đầu lâu ma-nơ-canh cùng đống tóc giả lăn lóc trên nền nhà, đoạn nhìn thằng nhỏ đang cố nép sau người đàn ông gầy guộc. Tay nó vẫn khư khư bức ảnh vốn dĩ vẫn được đặt sau bát nhang nghi ngút khói.

“Rồi làm sao với mấy cái bóng điện đây, chú em? Chuyện nào ra chuyện đó chớ” - ông Năm vẫn nghiêng đầu nhìn thằng nhỏ.

Gã xoa đầu thằng nhỏ rồi nhìn sang người đàn bà vẫn ngồi yên lặng trong góc phòng. Đôi mắt cô vẫn sâu hun hút những ngày tháng tăm tối. Tăm tối như cái đêm cô nhìn người đàn ông cùng quẫn, trèo qua lan can cầu, rồi mất hút. Như những đêm thiếp đi trong cơn mệt mỏi cùng cực trước những hình ảnh đầy ám ảnh trong căn nhà mà hai mẹ con cô trú ngụ. Nhưng, điều không ai ngờ, những hiện tượng quỷ dị diễn ra xung quanh gốc da sà đã khiến cho những kẻ kiếm chác bất chính bằng cách vắt kiệt cuộc đời người khác phải chùn chân. Và, người đã chết còn có cơ hội gặp lại người còn sống. Mặc dù chỉ phút chốc những đêm thượng huyền, qua một cánh cửa tôn tróc sơn lỗ chỗ.

“Không có một trinh sát nào xuất sắc hơn một hồn ma” - Thành vỗ vai gã, cười ha hả. Những thông tin quý giá từ nạn nhân vốn dĩ không ai nghĩ rằng còn tồn tại lại giúp cho anh và đồng đội khám phá ra cả một mạng lưới lừa đảo núp bóng đầu tư tài chính đang phá nát cuộc đời những người nhẹ dạ. “Anh chị đưa thằng nhỏ lên trình diện, chỉ là thủ tục” - Thành rảo bước ra cửa, cố rẽ đám người tò mò kéo đến dày đặc.

Bóng lưng ông Năm và những người công vụ lẩn khuất sau đám đông, gã kéo thằng nhỏ đến trước mặt người đàn bà, cả ba cùng đi ra cửa. Tiếng xôn xao tắt hẳn trước ba gương mặt hốc hác, những đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Nhưng, không còn lẩn khuất sau vành mũ hay mớ tóc rũ rượi. Thằng nhỏ nhảy chân sáo, cười khúc khích, líu lo: “Ông trẳng ông trăng...”.

Truyện ngắn của Đặng Phước Thừa

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nha-co-ba-nguoi-i763265/
Zalo