Quyền riêng tư: Nhà báo phải cân nhắc

Trong tác nghiệp báo chí luôn tồn tại mối quan hệ giữa nhà báo, nhân vật và công chúng. Pháp luật bảo vệ các quyền về riêng tư cá nhân và cũng bảo vệ các quyền chính đáng khác như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo. Do đó, các nhà báo cần giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ngày 18/11, Trang tin điện tử Sóng trẻ - Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí”.

Buổi tọa đàm không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn là cơ hội để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo vệ quyền riêng tư một cách hiệu quả, đảm bảo rằng hoạt động báo chí luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và góp phần xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, minh bạch, và có trách nhiệm.

 Tạo đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Tạo đàm có sự tham gia của ba khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.

Chia sẻ nguyên tắc khi bảo vệ quyền riêng tư cho nhân vật, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt) cho biết, khi tác nghiệp ông luôn đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật. Đằng sau những trang viết của bạn là danh dự, thậm chí là sinh mạng chính trị của người khác.

Tuy nhiên, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nếu việc gì cũng sợ quyền riêng tư thì sẽ không dám viết. Nếu được giao viết về đề tài nhạy cảm như mại dâm thì nên viết như thế nào, không thể trực tiếp đặt câu hỏi cho người hành nghề mại dâm, hoặc khi tiếp cận với người nghiện không thể trực tiếp đến xin họ cho mình tác nghiệp.

 Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt) chia sẻ những câu chuyện tác nghiệp thực tế.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt) chia sẻ những câu chuyện tác nghiệp thực tế.

"Chúng tôi gần đây đã bị một doanh nghiệp kiện vì trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đưa tin về những trường hợp lao động trẻ tuổi bị lợi dụng khi chưa đủ tuổi. Là nhà báo, nhiệm vụ của chúng tôi là phơi bày những mặt tối của xã hội để cộng đồng có thể nhận thức và hành động. Tuy nhiên, có những người trong những vấn đề nhạy cảm lại yêu cầu chúng tôi xóa thông tin, vì họ lo ngại về quyền riêng tư và sợ bị lộ danh tính. Một số người thậm chí còn nói rằng nếu thông tin bị công khai, họ sẽ tự tử", ông Hoàng nói.

Theo ông Đỗ Doãn Hoàng nhà báo phải cân nhắc rất kỹ giữa việc đăng thông tin để vạch trần sự thật, và việc bảo vệ tính mạng, quyền lợi của những người liên quan. Đây là một sự băn khoăn lớn giữa quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền riêng tư của những người trong câu chuyện.

 Nhà báo Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam tại buổi Tọa đàm.

Nhà báo Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam tại buổi Tọa đàm.

Trả lời câu hỏi, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo thường ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của đối tượng nào?, nhà báo Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, đó là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Khi thực hiện đề tài về những nhóm đối tượng yếu thế thông tin cần phải được thực hiện khéo léo, không ép buộc, và phải tạo ra một môi trường an toàn, thoải mái. Đồng thời, thông điệp về trách nhiệm xã hội và lợi ích cộng đồng là yếu tố quan trọng để giúp họ nhận ra giá trị của việc chia sẻ câu chuyện của mình.

Nhà báo Hồ Trí cho biết thêm, tùy vào quốc gia và hoàn cảnh tác nghiệp, có những quy định và yêu cầu khác nhau. Ở Việt Nam, tự do báo chí có phần thoáng hơn, đặc biệt là trong việc sử dụng hình ảnh và yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, khi quay ở các khu vực công cộng hay khu vực riêng tư, việc xin phép vẫn phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Tại tọa đàm, luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, trong tác nghiệp, quyền riêng tư được thể hiện ở các Bộ Luật Dân sự, Hình sự, Luật Báo chí. Đó là những chế tài được thể hiện tại Điều 149 hình sự 2015, quy định cụ thể nếu xâm phạm quyền tư, tùy theo hình thức sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

"Về mặt pháp luật, tôi luôn tôn trọng các quy định và rất kính trọng các nhà báo có trách nhiệm trong việc ghi hình, ghi âm. Tuy nhiên, hình ảnh chân thực đôi khi có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là về cảm xúc", luật sư Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Hoàng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quyen-rieng-tu-nha-bao-phai-can-nhac-post321834.html
Zalo