Nhà báo New Zealand ấn tượng sâu sắc về con người và đất nước Việt Nam

Cuối tuần qua, trang tin The New Zealand Herald đã đăng tải bài viết của tác giả Cath Johnsen, khẳng định Việt Nam có một trong những nền văn hóa thân thiện nhất thế giới.

Hình ảnh con người Việt Nam thân thiện được ca ngợi trên tờ "The New Zealand Herald" (New Zealand). Ảnh: TTXVN phát

Hình ảnh con người Việt Nam thân thiện được ca ngợi trên tờ "The New Zealand Herald" (New Zealand). Ảnh: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, tác giả Johnsen bày tỏ vô cùng ấn tượng với phố đi bộ Bùi Viện sau hoàng hôn tại Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. “Khu du lịch Tây balo” này đã có từ lâu, thường vô cùng sôi động khi về đêm với những người bán đồ ăn đường phố, các cửa hàng lưu niệm, các câu lạc bộ đêm, người dân địa phương cắt ngang qua dòng xe cộ trên đường, những chú chó cưng được làm đỏm với những phụ kiện vui mắt...

Khi trò chuyện với một nam thanh niên địa phương, tác giả Johnsen bày tỏ xúc động và vui mừng khi nhận được những lời khen chân thành dành cho mình. Chỉ câu nói "Nụ cười của cô đẹp lắm!" cũng đủ khiến bà cảm nhận được sự thân thiện, ấm áp của ngươi dân nơi đây bởi theo bà, việc một thanh niên chú ý đến những chi tiết nhỏ giữa khung cảnh náo nhiệt xung quanh như vậy là một trong những điều tử tế nhất mà bất kỳ ai từng nói với bà.

Tác giả Johnsen nhận xét ngay cả những người bán hàng rong cũng luôn tươi cười. Văn hóa và cách ứng xử thân thiện ăn sâu vào cội nguồn của Việt Nam, tỏa sáng trong những hành động thường ngày trên khắp đất nước này.

Khi ghé thăm nhiều thị trấn ở Việt Nam, tác giả Johnsen thường chú ý đến con người và lòng tốt của họ, thay vì các điểm tham quan cổ xưa hay danh thắng thiên nhiên. Bà đánh giá người dân Việt Nam coi trọng giá trị văn hóa trong việc hỗ trợ lẫn nhau, được gọi là tinh thần "tương thân tương ái". Nguyên tắc này đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam, nơi mọi người thường hết lòng giúp đỡ người lạ, dù là chỉ đường hay hỗ trợ sau thiên tai.

Tác giả dẫn chứng khu vực Châu Đốc đông đúc như một trong những điểm nổi bật của đức tính này. Tại đó, nhiều quán bán đồ ăn, nước uống cung cấp “cơm treo”, “cà phê treo”. Mô hình này khá phổ biến, nghĩa là một vị khách bất kỳ đến ăn cơm có thể trả thêm tiền cho một hoặc nhiều suất cơm khác gửi lại quán. Quán sẽ dành số lượng cơm đó để tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khác.

Tác giả Cath Johnsen cho biết thêm rằng ngay cả khi thưởng thức một ly cà phê đá tại Việt Nam, bà không chỉ cảm nhận được hương vị của cà phê Espresso hòa quyện cùng sữa đặc ngọt ngào mà còn cảm nhận được cả sự ấm áp, tinh thần đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau vô cùng tinh tế của người dân và của nền văn hóa Việt Nam.

Không chỉ ấn tượng về con người Việt Nam, tác giả Johnsen còn mê mẩn trước vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của “dải đất hình chữ S”. Khi đến trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, vào sâu trong Rừng tràm Trà Sư, bà đã leo lên tháp quan sát để ngắm toàn cảnh khu rừng rộng 850 ha, là nơi trú ngụ của 70 loài chim. Các dự án tái trồng rừng tỉ mỉ của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng địa phương trong suốt 40 năm qua đã thành công khi thổi luồng sinh khí mới vào hệ sinh thái đất ngập nước cổ xưa này, nơi đã chịu thiệt hại đáng kể trong Chiến tranh Việt Nam. Khách du lịch có thể lướt quanh những dòng suối rải rác lục bình bằng thuyền nhỏ hoặc đi bộ đường dài qua những nơi sâu thẳm của nó.

Khi đến đỉnh đài quan sát, ướt đẫm mồ hôi mùa mưa, tác giả Cath Johnsen nhìn thấy một cặp đôi trẻ người Việt đang đi hưởng tuần trăng mật. Họ chụp ảnh với phông nền là những cây tràm xanh tươi. Dù cố gắng nhìn ngắm quang cảnh một cách kín đáo, không muốn xâm phạm khoảnh khắc đặc biệt của họ, nhưng bà vẫn nhận được sự quan tâm của cặp đôi này khi họ nhiệt tình chụp ảnh bà và bạn bè của bà. Họ tặng bà một bức ảnh cùng lời nhắn gửi, "để bạn có thể nhớ về thời gian ở đất nước chúng tôi".

Bài viết của tác giả Cath Johnsen đăng trên tờ "The New Zealand Herald". Ảnh: TTXVN phát

Bài viết của tác giả Cath Johnsen đăng trên tờ "The New Zealand Herald". Ảnh: TTXVN phát

Tác giả Johnsen kết luận rằng, Việt Nam dù chưa phải là đất nước hoàn toàn lý tưởng khi vẫn còn những mảnh đời khó khăn, nhưng bà tin tưởng tinh thần yêu thương và sự hỗ trợ lẫn nhau của người Việt Nam đủ rộng lớn để có thêm nhiều hoàn cảnh vất vả bao bọc và giúp đỡ.

Thanh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nha-bao-new-zealand-an-tuong-sau-sac-ve-con-nguoi-va-dat-nuoc-viet-nam-20250505112910695.htm
Zalo