Nhà báo Mộc Miên với 'Duyên nghề báo'

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) Nhà báo Mộc Miên đã cho ra mắt cuốn sách ký sự 'Duyên nghề báo'.

"Duyên nghề báo" là cuốn sách mới, gồm có 110 trang, tổng hợp 23 tác phẩm

"Duyên nghề báo" là cuốn sách mới, gồm có 110 trang, tổng hợp 23 tác phẩm

"Duyên nghề báo" là cuốn sách mới, gồm có 110 trang, tổng hợp 23 tác phẩm, ký sự, phóng sự điều tra của nữ nhà báo Nguyễn Thị Minh Long (bút danh: Mộc Miên), một nữ nhà báo được mệnh danh là bông hoa hồng thép trong làng báo.

Nữ nhà báo Nguyễn Thị Minh Long (bút danh: Mộc Miên)

Nữ nhà báo Nguyễn Thị Minh Long (bút danh: Mộc Miên)

Những tác phẩm của Mộc Miên được đúc kết từ một văn phong rất riêng và sự thâm nhập thực tế mà ít nữ nhà báo nào làm được. Đó là sự nhập vai, đột nhập vào động “than tặc” ở Hoành Bồ, Quảng Ninh để làm nên một tác phẩm đã đánh dấu tên tuổi của chị với Giải C - Giải Báo chí Quốc gia năm 2016 mang tên "Than tặc hoành hành tại Quảng Ninh".

Cuốn sách “Duyên nghề báo”

Cuốn sách “Duyên nghề báo”

Cuốn sách “Duyên nghề báo” còn là những chia sẻ kinh nghiệm của chính chị tới độc giả trong quá trình tác nghiệp đã tạo nên những tác phẩm là tiếng nói về những vấn đề nóng hổi của đời sống để chống tiêu cực và vạch trần những mặt trái của xã hội đang diễn ra ảnh hưởng tới đời sống của con người.

Cuốn sách “Duyên nghề báo” của NXB Hội Nhà Văn

Cuốn sách “Duyên nghề báo” của NXB Hội Nhà Văn

Chia sẻ với PV, Mộc Miên cho biết: “Quyển sách này là một quãng hành trình, từ khi tôi đang ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi rời khỏi trường học, dấn thân tác nghiệp và thâm nhập thực tế. Mỗi bài báo trong cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn để có những bài viết đặc biệt, li kì và lôi cuốn, tôi đã phải “liều mạng”, đồng thời không được bỏ qua cả những điều tưởng chừng rất đơn giản. Quá trình tác nghiệp, tôi muốn cất lên tiếng nói nhà báo với các vấn đề nóng hổi của đời sống. Tôi đã giữ tâm trí mình thật cân bằng trước các trạng thái cảm xúc buồn rầu, day dứt, khắc khoải lẫn căm giận khi gặp mỗi chuyện đời bất lương, ngang trái, hay mỗi lời sám hối muộn mằn, mỗi số phận đẫm nước mắt… Viết không chỉ để làm tròn phận sự người đưa tin mà còn hướng bạn đọc đến tư duy phân tích độc lập, khám phá bản thân, có nhận thức đúng đắn trên tinh thần hướng thiện là điều tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhà báo Mộc Miên tên thật là Nguyễn Thị Minh Long

Nhà báo Mộc Miên tên thật là Nguyễn Thị Minh Long

“Trong quá trình 20 năm dấn bước với nghề, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá cho mình. Tôi hiểu các bạn trẻ thế hệ sau cũng sẽ có nhiều người có ước mơ bước vào nghề báo nhưng chưa hình dung sẽ đi từ những bước đầu tiên như thế nào. Đấy chính là lí do thôi thúc tôi bắt tay vào viết quyển sách này, để các bạn có thêm tài liệu tham khảo và cũng là món quà kỷ niệm tôi muốn lưu lại về sự nghiệp làm báo của mình. Chẳng có nghề nào đẹp như một giấc mơ trải đầy hoa hồng và vinh quang lấp lánh. Nghề báo cũng vậy, sau mỗi bài viết, mỗi con chữ còn ẩn chứa biết bao trăn trở và cả những hy sinh thầm lặng của người làm báo, đặc biệt với nữ nhà báo. Chỉ có niềm đam mê, tình yêu nghề và hậu phương vững chắc từ gia đình, từ độc giả mới giúp họ vượt qua thử thách, vững bước trên con đường đã chọn. Tôi luôn nghĩ, để đạt được thành công phải có chông gai, có vấp váp mới trưởng thành và đi đích đến. Để phát huy sở thích và được sống trọn vẹn niềm đam mê thì bạn cần sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí phải sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy cho việc hoàn thành tác phẩm với đúng sứ mệnh của người làm báo”, nữ nhà báo Mộc Miên tâm sự.

Nhà báo Mộc Miên với “Duyên nghề báo”

Nhà báo Mộc Miên với “Duyên nghề báo”

Chia sẻ về cuốn sách “Duyên nghề báo”, Nhà thơ Bảo Ngọc cho biết: “Nhiều người ví Mộc Miên là “Bông hồng thép trong làng Báo”. Điều này có vẻ rất đúng với cá tính quyết liệt khi cô dám dấn thân vào “hang hùm” nơi “than tặc” hoành hành hay sẵn sàng cho những chuyến công tác vượt thác, xuống ghềnh nơi rừng sâu, núi thắm mà đôi chân không chùn bước. Với cá nhân tôi, quen biết Mộc Miên từ ngày cô mới chập chững vào nghề rồi trở nên gắn bó, tôi gọi cô là một bông hoa vươn lên từ mảnh đất khô cằn sỏi đá. Mảnh đất quê nghèo tưởng chỉ có gió lào khô khốc và nóng rẫy đã không dập tắt được sức sống và ý chí vươn lên mạnh mẽ của loài hoa dại ấy. Ở Mộc Miên, bản năng và nghị lực sống, tinh thần quyết liệt khi đứng trước những mảng tối trong xã hội cũng như lòng trắc ẩn trước cuộc đời, trái tim ấm cho gia đình, cho bạn hữu, cho niềm yêu sống đã tạo nên một loài hoa có sắc hương riêng biệt.

NSƯT Phạm Cường đọc cuốn sách “Duyên nghề báo”

NSƯT Phạm Cường đọc cuốn sách “Duyên nghề báo”

Nhà thơ Bảo Ngọc chia sẻ thêm: “Mỗi người đứng trước sự lựa chọn nghề của mình có một tâm thế khác nhau, có những người đi gần suốt cuộc đời mình mới nhận ra con đường mình chọn, nghề mình chọn chưa thật sự viên mãn cái khát vọng mà tuổi trẻ mình từng mơ ước. Mộc Miên có may mắn hơn khi sớm nhận ra tình yêu thật sự của mình với nghề báo, dù biết trước đó là “nghề nguy hiểm”. Vậy nên, tôi trộm nghĩ, có lẽ không hẳn Mộc Miên chọn nghề mà nghề đã chọn Mộc Miên. Và điều quan trọng nhất, Mộc Miên xứng đáng với những lứa trái ngọt đầu mùa mà cô đã hái được”.

Là phụ nữ theo nghề báo là người cá tính và đầy bản lĩnh. Thế nên dẫu khó khăn trước mắt, hiểm nguy tiềm tàng họ vẫn sống với nghề, theo đuổi nghề bằng sự say mê lẫn những lo toan hết sức phụ nữ. Thế nên làng báo vẫn còn những bóng hồng làm đẹp thêm cho đời, đẹp thêm cho nghề. Thôi thì nghề là nghiệp, vẫn mong nữ nhà báo Mộc Miên một tay giữ vững ngòi bút, tay kia giữ vững hạnh phúc cho bản thân và cả gia đình.

Nhà báo Mộc Miên tên thật là Nguyễn Thị Minh Long. Sinh năm 1985, hiện đang công tác tại Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Nữ nhà báo đã đạt Giải C - Giải Báo chí quốc gia năm 2016.

Năm 2017 đã xuất bản cuốn sách “Những giọt nước mắt muộn mằn” của NXB Hội Nhà Văn.

Năm 2024 đã xuất bản cuốn sách “Duyên nghề báo” của NXB Hội Nhà Văn.

Thụy Du

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-bao-moc-mien-voi-duyen-nghe-bao-a28405.html
Zalo