Nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng: Dấn thân để kể những câu chuyện chân thực

Nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng (sinh năm 1964) là người có cơ duyên thực hiện những bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh, hậu chiến, tiêu biểu như 'Ân nhân của người lính Mỹ', 'Hà Nội những hình ảnh khó quên', 'Ở Việt Nam có một làng như thế', 'Nhớ về Tây Tiến'...

Anh là một nhà báo, nhà quay phim và sau này trưởng thành hơn trong điện ảnh với vai trò một đạo diễn phim tài liệu. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng đã chia sẻ với Hànôịmới Cuối tuần đôi điều về nghề.

Nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng.

Nhà báo, đạo diễn Phạm Hồng Thăng.

- Thưa đạo diễn Phạm Hồng Thăng, những bộ phim tài liệu mà anh đã thực hiện là hành trình tìm lại quá khứ, với những nhân chứng, câu chuyện rất đời. Anh có thể chia sẻ bộ phim gần đây nhất của mình?

- Đó là bộ phim "Kẻ thù của tôi, bạn của tôi". Nhờ có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, chúng tôi đã biết được câu chuyện về phi công Nguyễn Hùng Mỹ (Việt Nam) và Dan Cherry (Mỹ) đã gặp nhau trên bầu trời giữa trận không chiến tại Việt Nam năm 1972. May mắn, chúng tôi cũng có thêm một số tư liệu để tiếp tục thực hiện một bộ phim tài liệu. Tôi đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Hùng Mỹ, đồng thời viết thư cho ông Dan Cherry. Cả hai người đều rất ủng hộ. Tiếc là bộ phim sản xuất trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi không thể thực hiện được dự định sang Mỹ để quay và mời ông Dan Cherry sang Việt Nam. Tuy rằng chưa được như mong muốn nhưng bộ phim một phần nào đó đã đáp ứng được tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

- So với hình dung của anh thì sự gặp gỡ của hai người lính ở hai bên chiến tuyến sau hơn 40 năm có khác nhiều không?

- Tình huống này tương đối đặc biệt! Tôi rất cảm ơn nhà báo Thu Uyên đã kết nối hai người với nhau và tinh thần thiện chí của hai phi công Nguyễn Hùng Mỹ và Dan Cherry đã xóa đi mọi nghi ngại, cản trở về tâm lý của những người bước ra từ cuộc chiến. Trong chiến tranh, họ buộc phải ở tình thế đối đầu nhưng khi chiến tranh đi qua, may mắn họ còn sống và có công việc riêng của mình. Khoảnh khắc xúc động nhất có lẽ là khi ông Dan Cherry hồi hộp không biết Nguyễn Hùng Mỹ là người như thế nào, còn sống hay đã chết, có bị thương hay không? Và khi gặp, ông thật sự ngỡ ngàng khi thấy ông Nguyễn Hùng Mỹ là một người rất to cao, khỏe mạnh, khác hẳn trong hình dung. Đó cũng là khoảnh khắc hai người lính bước ra từ cuộc chiến nhận ra nhau và trở thành bạn của nhau.

- Đi sâu vào số phận những người lính, những nữ dân công, du kích, đạo diễn Phạm Hồng Thăng hẳn đã được nghe nhiều câu chuyện xúc động về sự can trường, mạnh mẽ và sự hy sinh cao cả của họ?

- Gần đây nhất tôi làm bộ phim “Ân nhân của người lính Mỹ” nói về nữ du kích Võ Thị Mô (Bảy Mô), Trung đội trưởng trung đội nữ du kích Củ Chi, bà tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Trong một lần phục kích, nữ du kích Bảy Mô và các đồng đội đã tha chết cho 4 người lính Mỹ khi thấy họ đang ngồi nghỉ trưa sau trận đánh ở Củ Chi. Chỉ trong những phút giây ngắn ngủi, bà đã quyết định không bắn bởi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ thù. Bà tin rằng có thể những người lính đó đã bị lừa dối để tin vào cuộc chiến này và họ đến đây một cách miễn cưỡng. Đây là một câu chuyện truyền cảm hứng. Sau khi kết thúc chiến tranh, một trong những người lính Mỹ được tha chết ấy là trung úy John Penycate đã viết hồi ký, trong đó có câu chuyện về bà Bảy Mô. Họ đã sang Việt Nam để gặp lại ân nhân của mình. Thông qua câu chuyện này có thể khẳng định tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam.

- Tại sao anh lại dành nhiều sự quan tâm với dòng phim tài liệu về lịch sử, chiến tranh - hậu chiến đến vậy dù rằng đây là đề tài đòi hỏi sự dấn thân, vất vả?

- Khi học ở trong trường, tôi có nhiều thế mạnh khi làm phim truyện. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, ở Việt Nam, mảnh đất cho phim tài liệu nhiều hơn. Khi nhận thấy điều kiện để sản xuất phim tài liệu thực sự phù hợp với mình, tôi đã chuyển hướng.

Tôi dành nhiều sự quan tâm đến đề tài chiến tranh, với những câu chuyện, đề tài mà vì nhiều lý do chúng ta chưa thể khai thác. Đặc biệt với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, còn biết bao số phận con người, những câu chuyện thời hậu chiến quanh ta mà nếu như không thâm nhập thực tế, không lắng nghe thì không bao giờ có được những thước phim chân thực, xúc động. Sắp tới tôi sẽ giới thiệu 1 - 2 bộ phim chiến tranh về Quảng Trị, nói về những người phụ nữ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát, cũng có những câu chuyện về tình yêu sau chiến tranh.

- Có đề tài nào anh còn đau đáu mà chưa thực hiện được?

- Đó là đề tài về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Vừa rồi tôi có làm phim “Những đứa con người lính” ở hai chiến tuyến, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng bởi chưa đầy đủ tư liệu. Thông qua câu chuyện xin hàng của Trung tá Phạm Văn Đính (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 bộ binh, quân đội Việt Nam cộng hòa). Việc quay đầu trở về với cách mạng của anh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 đã cứu được 1.500 binh sĩ của chính quyền Sài Gòn, làm cho hai bên không đổ máu. Thông qua câu chuyện này, chúng tôi mong muốn thể hiện thông điệp về hàn gắn vết thương, hòa hợp, hòa giải dân tộc sau này.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Phạm Hồng Thăng!

Những tác phẩm điện ảnh của Phạm Hồng Thăng chân thực, gần gũi, đưa người xem đến với những khoảnh khắc đời thường, cùng gặp gỡ những nhân vật bước ra từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Hiện đạo diễn Phạm Hồng Thăng đang phụ trách Phòng Biên kịch, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-bao-dao-dien-pham-hong-thang-dan-than-de-ke-nhung-cau-chuyen-chan-thuc-669881.html
Zalo