Nhà báo bị 'bắt đền'
Hồi mới chuyển công tác vào Báo Bình Phước (năm 1997), tôi chưa có điều kiện mua xe máy nên đi làm bằng xe đạp. Nhiều lần đi cơ sở về, tôi thắc mắc với chị Nguyễn Thị Thúy Ái, kế toán cơ quan:
- Sao chị đến các xã, thị trấn của huyện Đồng Phú làm việc (hồi đó huyện Đồng Phú bao gồm cả thành phố Đồng Xoài ngày nay), cứ thấy người ta nhìn mình lạ lắm!
Chị Thúy Ái cười:
- Trong này người ta đi làm bằng xe nổ, chị kẽo kẹt xe đạp, lại đeo cái túi vải ở ghi đông xe mà vào xưng là nhà báo nên người ta thấy lạ chứ sao!
Ra thế! Nhưng tôi không thấy ngại ngùng mà vẫn khá tự tin. Ngày còn làm ở Báo Thanh Hóa, lực lượng phóng viên đông, lại toàn “cây đa, cây đề” nên dù có cố gắng, mỗi tháng tôi cũng chỉ được đăng 3 bài là nhiều. Còn ở Báo Bình Phước ngày mới thành lập, chỉ có vài phóng viên mà phần lớn mới vào nghề nên với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, tôi viết bài nào tòa soạn đăng bài ấy.
Ở Báo Thanh Hóa, tôi được phân công viết mảng kinh tế hợp tác xã, 10 năm chỉ loanh quanh ở vài hợp tác xã sản xuất phân bón, gốm - sành - sứ, mây - tre đan hay chiếu cói xuất khẩu. Khi vào Bình Phước, tôi thỏa sức tung hoành ở tất cả lĩnh vực. Tổng Biên tập Báo Bình Phước Hoàng Lâm khi ấy khuyến khích viết những dạng bài đi sâu vào đời sống người dân, trong khi "gu" của các báo Đảng phía Bắc chỉ chuộng những dạng bài khoa giáo. Thế là tôi đạp xe luồn lách trong các ngõ ngách, nhiều lần đi theo mấy người đào rắn, bẫy chim, tìm trứng kiến, tìm nấm mối… ở khu xóm trọ. Biết tôi là nhà báo, đi tìm tư liệu để viết bài, nên họ rất vui vẻ giúp đỡ.
Có lần, những người nuôi gia công gà cho Công ty chăn nuôi Việt Thái ở khu phố Tân Đồng 2, trị trấn Đồng Xoài, huyện Đồng Phú đến Tòa soạn Báo Bình Phước phản ánh Công ty chăn nuôi Việt Thái không thực hiện đúng cam kết thu mua khi gà nuôi đủ thời gian, khiến người nuôi vừa tốn tiền thức ăn mà gà mập lên, nặng nề, giẫm nhau chết rất nhiều. Tổng Biên tập Báo Bình Phước Hoàng Lâm cử tôi đi viết bài điều tra. Tôi viết luôn 4 kỳ, vừa trưng ra việc Công ty chăn nuôi Việt Thái phá bỏ cam kết khiến người chăn nuôi thất thiệt vừa phản ánh tình trạng gà chết được các hộ chăn nuôi bán rẻ cho tiểu thương rồi tuồn ra chợ Đồng Xoài hoặc các quán ăn bình dân; vừa phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng trong khu dân cư. Thế là công ty vệ sinh môi trường và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vào cuộc, có văn bản gửi UBND huyện Đồng Phú. Thời điểm ấy, Công ty chăn nuôi Việt Thái gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu gà nên họ tuyên bố chấm dứt hợp đồng chăn nuôi với các hộ dân ở khu phố Tân Đồng 2. Thế là chính những người hôm trước đã mang đơn đến Tòa soạn Báo Bình Phước kiến nghị Công ty chăn nuôi Việt Thái lại kéo vào nhà tôi đang ở trọ để bắt đền. Bữa đó chồng tôi đi công tác, chỉ có 3 mẹ con ở nhà. Họ làm ầm ĩ, bảo tại mấy bài báo của cô mà chúng tôi thất nghiệp. Nhà nào cũng vay ngân hàng đầu tư chuồng trại, giờ họ không thuê nuôi gà nữa thì chúng tôi lấy gì trả nợ ngân hàng!?
Ngày ấy chưa có điện thoại di động nên tôi không thể cầu cứu ai, đành bảo họ cử một người đại diện, sáng thứ Hai tuần sau đến Tòa soạn Báo Bình Phước làm việc, vì tôi thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao trên cơ sở đơn khiếu nại của các vị. Thật may là cuối cùng Công ty chăn nuôi Việt Thái vẫn tiếp tục hợp đồng nuôi gia công gà với các hộ dân khu phố Tân Đồng 2 nên tôi không bị bắt đền nữa.
Một lần khác, tôi viết bài “Bù Đăng: Phụ huynh còng lưng vì các khoản thu ngoài quy định”, nêu lên tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu tràn lan trong các trường học trên địa bàn huyện Bù Đăng. Do cần một tấm ảnh minh họa, nhưng bài viết thực hiện đúng dịp các em vừa nghỉ hè nên tôi lấy ảnh cô và trò Trường THCS Nguyễn Trường Tộ trong giờ học để minh họa. Ngay sau khi bài báo đăng tải, tôi nhận điện thoại của một cô giáo xưng tên B, chính là cô giáo trong ảnh minh họa. Cô B nói:
- Em không có ý kiến gì về nội dung bài viết của chị, vì chị viết đúng. Nhưng em đâu có liên quan gì đến những sai phạm chị đề cập trong bài mà chị lại lấy ảnh em để minh họa? Mấy hôm nay, bạn bè, người thân liên tục gọi điện, nhắn tin cho em. Họ bảo em thành người "nổi tiếng" vì được lên báo chị ạ.
Cô B bật khóc.
Tôi đứng hình vài giây rồi vội vàng xin lỗi cô giáo B. Tôi nhận mình đã quá tắc trách trong nghiệp vụ. Nếu tôi viết rõ chú thích “ảnh chỉ mang tính minh họa” thì cô giáo B đã không phải chịu sự oan ức và tôi cũng không rơi vào tình huống khó xử như vậy. Tôi đành an ủi cô giáo B, hướng dẫn cô cách trả lời bạn bè và hứa sẽ đề nghị tòa soạn đính chính.
Đó chỉ là 2 trong một số tình huống “tai nạn nghề nghiệp” mà tôi mắc phải. Tôi tự dặn lòng, dù viết một mẩu tin ngắn, một chú thích ảnh cũng phải thật cẩn trọng, bởi chỉ đặt sai một dấu phẩy đã khiến câu văn hoàn toàn mang nghĩa khác. Và mỗi câu, mỗi chữ trong bài viết của mình có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của một con người, một gia đình, một cơ quan, đơn vị nên khi viết phải tự trả lời được những câu hỏi, cái “sự thật” mà mình đang nhắc tới liệu có làm tổn hại một nhóm người hay một cộng đồng? Chưa cần nói tới những điều to tát như “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, người cầm bút trước hết phải cẩn trọng và chân thành trong ý nghĩ, từ đó mà có sự chân thành trong thể hiện bài viết, bởi có những thất thiệt do câu chữ gây ra mà không gì có thể đền bù được.