Nhà băng lãi to vẫn lo nợ xấu

Lợi nhuận quý III vừa được các ngân hàng công bố khá ấn tượng nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng cao. Thế nhưng, dù lãi to nhưng chất lượng tín dụng cũng là điều đáng quan tâm khi nợ xấu vẫn không ngừng tăng mạnh.

BIDV và VietinBank có tổng nợ xấu tăng nhiều nhất sau 9 tháng.

BIDV và VietinBank có tổng nợ xấu tăng nhiều nhất sau 9 tháng.

Lợi nhuận ấn tượng

Kết thúc quý III, có khá nhiều NH đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tiên phải kể đến LPBank, 9 tháng năm 2024 lợi nhuận trước thuế đạt 8.818 tỷ đồng (tăng 139% và hoàn thành 84% kế hoạch năm). Kế đến là HDBank với lợi nhuận đạt 12.655 tỷ đồng (tăng 47% và hoàn thành 79,8% kế hoạch).

Tương tự, Eximbank cũng gây bất ngờ công bố lãi trước thuế khoảng 2.378 tỷ đồng (tăng 39%). Riêng quý III, nhà băng này đã ghi nhận sự gia tăng đột biến trong lãi trước thuế gần 904 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, nhiều nhà băng tuy tăng trưởng thấp, nhưng lại đạt mức cao ngất ngưởng. Đơn cử Vietcombank với lợi nhuận đạt 31.533 tỷ đồng (tăng 7%) và tiếp tục giữ ngôi vương về lợi nhuận. Trong khi đó, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 22.842 tỷ đồng (tăng 33,5%), xếp vị trí thứ 2. BIDV xếp vị trí thứ 3 với mức 22.047 tỷ đồng (tăng 12%).

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của MB đạt 20.736 tỷ đồng (tăng 4%); VietinBank đạt 19.513 tỷ đồng (tăng 12%); ACB đạt 15.300 tỷ đồng (tăng 2%); SeABank đạt 4.508 tỷ đồng (tăng 43%); Kienlongbank đạt hơn 760 tỷ đồng (tăng 19%).

Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều gam màu sáng, vẫn có nhiều NH ghi nhận kết quả “đi lùi”. Đơn cử VIB đạt 6.600 tỷ đồng (giảm 21%), MSB đạt 4.901 tỷ đồng (giảm 6,15%), PGBank đạt 344 tỷ đồng (giảm 4,4%).

Nỗi lo chất lượng tài sản

Tuy nhiên, bên cạnh sự khởi sắc về lợi nhuận, nỗi lo nợ xấu vẫn là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đối với ngành NH. Thống kê cho thấy, tại thời điểm cuối quý III, số dư nợ xấu của 29 NH đã công bố báo cáo tài chính đã tăng thêm 56.485 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cuối năm 2023.

Đáng lưu ý, tính đến ngày 30-9, có tới 11/29 NH đang có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3%. Theo thống kê, trong số đó có BIDV và VietinBank có tổng nợ xấu tăng nhiều nhất sau 9 tháng. Cụ thể, nợ xấu của BIDV đã tăng 49,3% so với đầu năm lên mức 33.386 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên mức 1,71%; nợ xấu của VietinBank cũng tăng 39,8% lên 23.225 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu của MSB cuối quý III ở mức 2,88%, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 66% so với cuối năm 2023, lên hơn 3.008 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại TPBank cũng tăng từ 2,05% hồi đầu năm lên 2,29%. Tổng nợ xấu của Eximbank cũng tăng mạnh 15,86%, vượt mốc 4.300 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 2,65% lên 2,71%.

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 43% lên 641 tỷ đồng và nợ xấu nhóm 5 tăng 51,2% lên mức 2.825 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, Eximbank đã gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên 700 tỷ đồng, tương ứng tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, VietABank lãi trước thuế 9 tháng hơn 793 tỷ đồng, tăng 34%, nhưng chất lượng tín dụng lại đi xuống đáng kể khi nợ xấu tăng gần 20% so với đầu năm (đạt 1.316 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu từ 1,59% tăng lên 1,7%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 tăng tới 72% (đạt 868 tỷ đồng) và nợ nhóm 4 tăng đột biến gấp 6 lần cùng kỳ (đạt 132 tỷ đồng).

Số dư nợ xấu tại MB cũng đã tăng 60% so với đầu năm (đạt 15.685 tỷ đồng), đưa tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ 1,6% lên 2,23%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng tới 89% lên hơn 6.054 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 51% lên hơn 5.582 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 40% lên hơn 4.047 tỷ đồng.

Tăng trích lập cho nợ xấu

Với việc nợ xấu tăng lên, nhiều NH cũng đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro so với năm ngoái, và nhiều NH cũng đã bị giảm lợi nhuận vì lý do này. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý III của VIB ở mức 2,67%. Do vậy, nhà băng này vẫn duy trì chính sách thận trọng khi trích lập dự phòng trong 9 tháng khoảng 3.230 tỷ đồng.

Phía PGBank cũng sụt giảm lợi nhuận dù thu nhập lãi thuần tăng do khoản trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng lên mức 292 tỷ đồng (tăng gần 103%), cùng lúc chi phí hoạt động cũng tăng 26% so với cùng kỳ lên mức 643 tỷ đồng. Trong 9 tháng, dư nợ cho vay khách hàng của PGBank đạt 36.894 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%, nhưng nợ xấu tăng 17% so với đầu năm (đạt 1.175 tỷ đồng). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,85% hồi đầu năm lên 3,19%.

Tương tự, ABBank cho biết mức lợi nhuận đạt thấp hơn so với kỳ vọng do NH tăng cường trích lập dự phòng theo diễn biến thực tế cũng như bối cảnh chung khi tổng cầu thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thiên tai.

Theo số liệu của NHNN công bố gần nhất, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đến cuối tháng 9 tăng 4,55% so với cuối năm 2023. Trong báo cáo vừa cập nhật về triển vọng ngành NH, SSI Research cho biết, tỷ lệ nợ xấu tại NH có vốn nhà nước và NH cổ phần tư nhân lần lượt tăng lên mức 1,49% và 2,59% trong quý III.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc NHNN đã gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn, khiến con số nợ xấu được công bố vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế đang ở mức cao.

Trong khi đó, với nợ xấu hiện hữu, NHNN cho biết các NH tích cực xử lý nợ xấu thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, cũng như thu nợ hoặc phát mại tài sản nhưng vẫn rất khó khăn, dù NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các công ty mua bán nợ tham gia xử lý nợ xấu.

Nợ xấu khó xử lý, tương lai NH cũng có thể giảm lợi nhuận vì có nguy cơ mất vốn, hạn chế khả năng tăng trưởng và mở rộng tín dụng. Vì vậy, dù các NH vẫn lãi lớn ở thời điểm hiện tại, nhưng nỗi lo về những rủi ro tiềm ẩn từ nợ xấu vẫn đang còn đó.

Với nợ xấu tăng như hiện nay sẽ khó giảm lãi suất cho vay. Bởi NH huy động từ người dân để cho vay, khách vay không trả được nợ, NH vẫn phải trả lãi cho tiền huy động của người dân sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn.

Cát Tường

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nha-bang-lai-to-van-lo-no-xau-post118752.html
Zalo