Nguyễn Vĩnh Tiến: Kiến trúc sư chữ, gã du ca lãng tử với hành trình thơ bất tận
Nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ 'Hỗn độn và khu vườn' ghi dấu 5 thập kỷ sống và thở trong thơ ca của nghệ sĩ tài hoa.
Thơ, nhạc và kiến trúc - Nguyễn Vĩnh Tiến bắt đầu từ đâu trước? Những ngày Nguyễn Vĩnh Tiến đang quá bận bịu chuẩn bị cho sự kiện ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn, anh không thể trả lời câu hỏi này của tôi. Lần tìm thông tin về anh trên Wikipedia, tôi chợt nhận ra một Nguyễn Vĩnh Tiến với nhiều giải thưởng đáng nể trong lĩnh vực kiến trúc, âm nhạc, văn học nghệ thuật.
Anh từng đoạt 10 giải thưởng văn học ở Việt Nam như giải "Tác Phẩm Tuổi Xanh"- Báo Tiền Phong, Giải Thơ Hay 93 - Báo Văn nghệ TP.HCM, giải Bài hát Việt năm 2005 với bài "Bà tôi", Giải nhất "Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 1994" về đề tài "Kiến trúc cổ Việt Nam", Giải nhất nghiên cứu khoa học Bộ Giáo dục và Đào tạo 1994, Huy chương tuổi trẻ Sáng tạo 1994.
Nguyễn Vĩnh Tiến còn được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc của Việt Nam năm 2005; sáng lập viên Nhóm thơ "Hoa Lạ" năm 1992 và là tác giả của nhiều công trình kiến trúc, tác phẩm âm nhạc, văn học nghệ thuật nổi tiếng.
Tài năng là thế, nhưng khi giao tiếp, tôi có cảm giác mình đang nói nói chuyện với một Nguyễn Vĩnh Tiến chân thành, dễ chịu, ngôn ngữ giản dị, không màu mè hoa lá và đặc biệt là tình yêu bất tận và sự hết mình với thơ ca, lĩnh vực mà tôi cũng yêu thích.
Công chúng đã biết tới Nguyễn Vĩnh Tiến qua thơ, nhạc và kiến trúc. Trước khi gặp anh, tôi tự hỏi trong những lĩnh vực trên anh bắt đầu từ đâu trước? Nhưng khi gặp anh rồi, tôi nghĩ không nên đi tìm xem đâu là bắt đầu. Hình như tất cả đã và đang đồng hành một cách say sưa và hứng khởi trong con người Nguyễn Vĩnh Tiến từ thủa ấu thơ cho đến tận bây giờ.
Nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư, vai nào anh cũng đắm say và hết mình trong hành trình phiêu du bằng thơ ca nhạc họa từ cuộc đời chính mình “ngay sát những bờ lau sông Thao” cho tới “cuộc đời, cuộc tình của loài người” và “cuộc đời, cuộc tình của trái đất.”
Bạn đã nghịch cuộc đời mình như thế nào? Đây là câu hỏi mà tôi rất thích đặt ra khi ngắm nhìn một ai đó trong hành trình sống hoặc khoảnh khắc họ đang sống mà tôi tình cờ được thấy. Đến Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi bật cười thú vị. Thế này mới là nghịch chứ.
Tập thơ mới nhất của anh, nghịch ngay từ cái tên: Hỗn độn và khu vườn.
“Chàng
Mơ màng chính sự
Kẻ vẽ làm thơ
Nhiều lúc lơ mơ
Thì viết nhạc.”
Đề từ trên trang bìa đã cho thấy mức độ nghịch đa chiều, đa dạng, đa sắc, đa mang của Nguyễn Vĩnh Tiến. Một tập thơ nặng ký, thơm mùi giấy mới, thơm mùi làng quê trung du Bắc Bộ, đầy màu sắc hoài niệm, tinh tế với những bức tranh thiên nhiên lãng mạn và rất đời xen giữa những bài thơ được sắp xếp theo 5 chủ đề: Hoa lạ; Hỗn độn và khu vườn; Trầm cảm đô thị; Chàng thơ; Hoa nở không tên.
Ngay từ những trang đầu, người đọc đã bắt gặp hình ảnh của một cậu bé nghịch ngợm đủ thứ trên trời dưới đất trong thế giới đầy ắp những kỷ niệm đáng yêu của tuổi thơ ngọt ngào và dữ dội ở vùng quê trung du Phú Thọ. Một bức tranh tuổi thơ chân thật đến từng chi tiết, khiến chính người viết không đừng được mà lên cất tiếng gọi tha thiết, muốn lay tuổi thơ dậy, cùng mình trở lại dù chỉ một chút thôi của ngày xưa yêu dấu.
“Tuổi thơ ơi, tuổi thơ ơi
Sao tôi gọi mãi mà người không thưa?”
Không có câu trả lời bằng âm thanh vâng dạ, nhưng đáp lại là những câu từ với cảm xúc như lên đồng mà thật thà, giản dị về tuổi thơ nghịch ngợm có một không hai.
“Nợ duyên với tuổi chơi bi
Tuổi đôi khi lấy bút chì làm khăng
Tuổi đốt đuốc để soi trăng
Tuổi nằm mơ thấy chị Hằng rồi yêu
Tuổi hay giả tiếng mèo kêu
Tuổi thường cắt chỉ cho diều theo mây
Tuổi trèo cây để tập bay
Tuổi – bắt chước – uống rượu say rồi cười”
Nếu nói Nguyễn Vĩnh Tiến nghịch cũng đúng. Bởi nếu không nghịch, làm sao anh có bức tranh tuổi thơ thú vị đến như thế. Nghịch từ dưới mặt đất lên ngọn cây, lên tận mặt trăng rồi bắt chước, uống rượu say mà cười.
Nguyễn Vĩnh Tiến nghịch trong không gian đa dạng với “bao nhiêu những cái méo tròn”, “những cái mênh mông”, “những rỗng không”, “đường dích dắc”, “nắng tầng tầng”, “cây đa uốn một khúc sông”, nghịch từ thôn Liêm sang tới Paris.
Nguyễn Vĩnh Tiến nghịch trong thời gian đa chiều với: Chiều về quá khứ của tuổi thơ “suốt đời bước thấp bước cao tôi tìm”; “theo giấc chập chờn tìm quê”; Chiều của ký ức với những quan sát và lối ví von nghịch ngợm, tưng tửng chẳng giống ai với “những sai lầm” mà nhà thơ “định thiêu sống” “hoặc nhự nhàng hơn là tống cổ chúng ra khỏi cửa/Nhưng chúng tự ra đi/từ lúc nào không rõ nữa”; Chiều của hiện tại “sống chung với trạng thái cầu may”, “đong đếm từng ngày kỹ lưỡng”, sống động đến mức “Bỗng thấy một sai lầm cựa quậy trong tim.”; Chiều thời gian trải dài trong suốt “5 thập niên”, nghịch đến mức “Tôi muốn vác về nhà những quả đồi/Để bóp và để chơi”; “yêu thầm Hằng Nga”; Rồi “Trôi dạt trong đổi mới và hồi hộp” mà “yêu quá khứ, yêu trầm tích”…
Nguyễn Vĩnh Tiến nghịch trong cái đa mang đầy ám ảnh. Nguyễn Vĩnh Tiến làm thơ từ năm 8 tuổi. 5 thập kỷ có mặt trên cuộc đời này, anh mang vào thơ quá nhiều trải nghiệm, kiến thức, cảm xúc, những tưởng tượng, quan sát hồn nhiên về thế giới xung quanh. Ngay cả những thứ nhỏ đến mức không ai để ý nhưng trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến bỗng trở nên sống động, thở phập phồng và đi đứng, nói cười, yêu ghét, nhớ nhung, hờn ghen hay biểu cảm, hò hẹn như con người.
“Trưa nắng ngồi nấu nồi cơm
Sợi khói lại vẽ bếp rơm của bà
Rế nhỏ nằm nhớ rễ to
Cơm trắng cũng nhớ cá kho đáy nồi
Ôi hoa rau muốn về trời
Còn canh đánh sấu nói lời nước chanh”
Đằng sau những bài thơ đầy ắp hình ảnh, màu sắc, đa dạng tư duy, ngôn ngữ khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác rồi vỡ òa cảm xúc trước những cái kết mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc là một nhà kiến trúc chữ tài năng luôn hết mình, nghiêm túc và thật lòng với thơ ca bởi thơ ca luôn làm anh ngạc nhiên.
Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi - người kiến trúc chữ - cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hòa lẫn vào màu kia tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc. Ngay cả những vụng về, khiếm khuyết trong nét vẩy của cây cọ vẽ, lại thành một hiệu ứng lạ kỳ khiến ta nhận ra những "vết khuyết" của bức tranh chữ. Vết khuyết có sao đâu. Vết khuyết của cuộc đời có khi lại cần Thơ lấp đầy...
Chữ lúc rơi lộp độp như mưa rào, như nước mắt tức tưởi trước những thứ ta không ngờ và tưởng chừng không chịu nổi trong cuộc sống của kẻ viễn du...
Chữ có lúc trắng muốt như cánh cò trắng đậu đầy bến sông xưa, lại có những lúc bay phất phơ như cánh diều hoàng hôn hoặc đuổi theo trăng mê mải như cánh hạc gầy mê man sương gió...
Chữ có lúc khốn khó lẩy bẩy như mình chỉ muốn gục ngã, chỉ muốn ẩn nấp tăm tối trong bùn lầy vô thức, bùn lầy xứ sở, bùn lầy của cái ao nhỏ bé nơi Thôn Liêm quê nhà. Phù sa sông Hồng thở khói vân vi. Hồn hồi hộp nấp bên rìa miếu hoang.”
Nếu trong kiến trúc nội thất, tối giản được coi là đỉnh cao của sự tinh tế và sang trọng, thì trong văn thơ, cách sử dụng ngôn ngữ tối giản dường như cũng mang lại cảm giác tự do, thoải mái, thanh lịch và chạm vào tận cùng cảm xúc.
Đa số các nhà thơ thường lựa chọn ngôn từ một cách cầu kỳ và mượt mà, hoa mỹ trong quá trình viết. Nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến thì ngược lại. Nhà kiến trúc chữ Nguyễn Vĩnh Tiến dường như kiên định với phong cách tối giản trong suốt hành trình thơ đã đi qua. Không cầu kỳ mà đơn giản, giản dị, tối giản một cách tự nhiên nhưng vô cùng tinh tế, thuần khiết. Tưởng như gồ ghề nhưng lại rất nuột, gần gũi, dễ thương và thật thà một cách lịch lãm. Nguyễn Vĩnh Tiến thực sự tạo nên sự khác biệt của cá nhân anh trong rừng thơ đương đại bằng lối viết tối giản.
“Đên nay trời mưa
Những sai lầm kéo nhau về gõ cửa
Tôi nhìn qua khe
Thấy chúng đông và rực lên như lửa
Tôi vào nhà
Trùm chăn toan ngủ
Bỗng thấy một sai lầm cựa quậy trong tim”
(Những sai lầm)
Thế đấy. Cứ như nước chảy, như trời mưa. Cứ hồn nhiên và tự do như chính anh. Bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Vĩnh Tiến dường như chẳng có bút pháp nào ngoài dòng cảm xúc tự nhiên, chân thật được anh bày đặt ngẫu hứng mà đầy chất thơ và hấp dẫn từ câu mở đầu, tự do phóng khoáng tràn mặt giấy, cho đến khi hai câu thơ sáu tám có kết cấu chặt chẽ nhất bài kết lại một cách đầy cảm xúc và mở ra những suy ngẫm trong đầu người đọc.
“Hỗn độn là thiên nhiên xanh đỏ tím vàng lủng củng và con người cố gắng sắp xếp phân loại theo đầu óc cũng lủng củng của mình. Kết quả là con người thắng thế và đặt tên cho hỗn độn những cái tên không đúng bản chất của tự nhiên để tạo nên sự hỗn độn to lớn hơn.”
Với Nguyễn Vĩnh Tiến, hỗn độn giúp nhà thơ thấy biển của đêm, sông của ngày, sản vật của giác quan, tấm ván quan tài ngày, tình yêu và những thúng ghen tuông, rồi những trật tự mới, logic mới mà chỉ khi bơi chìm trong Thơ mới có thể đồng cảm nhận.
Anh quan niệm, hỗn độn, cuối cùng, chính là khu vườn thiên nhiên nhất, nguyên sơ nhất cùa tự nhiên. Còn con người hóa ra lại rất bé bỏng và vẫn đang nỗ lực trở lại khu vườn. Càng định nghĩa càng thấy sai. Thơ là sợi chỉ miệt mài khâu vá tấm áo nhân sinh đang tơi tả.”
Nguyễn Vĩnh Tiến ngêu ngao ca hát trong vườn thơ mỗi ngày. Anh như chàng lãng tử du ca qua năm tháng. Lúc tưng tửng, lúc tràn trề khao khát yêu thương. Những tuyên ngôn về tình yêu của anh chẳng giống ai.
“Em hãy yêu đi
Lời nói anh thầm thì
Từng giây đang giãy chết
Từng ngày đang giãy chết
Từng thập niên vô tri.”
“Rồi có ngày
Tôi chui ra khỏi không khí và hơi thở
Chợt thấy tình yêu
Trùm khăn kín mặt
Đi suốt con đường
Tìm nhặt lại đời tôi.”
5 thập kỷ thơ ca với đầy đủ những khuôn mặt thân quen trong cuộc sống. Từ bố mẹ, ông bà, con cái, tới bạn bè, tới nàng thơ, chàng thơ, từng kỷ vật, kỷ niệm thân quen. Một chiếc roi tre, một cánh chuồn chuồn, một con tàu chạy lên miền trung du, một cái kim mẹ giữ, chậu hoa bố trồng… Từ thị xã Phú Thọ tới thủ đô Paris, Nguyễn Vĩnh Tiến cứ thênh thênh thang thang rong chơi, ngắm nghía, quan sát rồi ghi dấu vào cuộc đời mình bằng thơ ca.
Trên con đường rong chơi bất tận ấy, Nguyễn Vĩnh Tiến trong bầu nhạc túi thơ của anh luôn ẩn hiện hình bóng quê nhà. Có lẽ vì thế, những ca khúc của anh đầy chất thơ và thấm đẫm hơi thở của âm nhạc dân gian đương đại. Tuyển tập 8 ca khúc anh giới thiệu trong lần ra mắt Hỗn độn và khu vườn đều là những tình khúc tự nhiên như sóng nước mây trời, rất trẻ, rất hồn nhiên mà rất từng trải. Rung động của trái tim, tĩnh tại trong tâm hồn. Những nốt trầm như tiếng thở dài trong hỗn độn. Những nốt thăng lạ lùng, đặc biệt, bay bổng, thăng hoa của cảm xúc.
“Thèm yêu quá thèm được yêu quá ...
Thèm như con cá nhảy khỏi bờ ao
Chết dưới ruộng sâu
Chết trên ruộng cạn
Thèm như cơn hạn hán
Khát cháy
Bốc cháy...
Thèm yêu quá thèm được yêu quá
Thèm được cô gái căng như sợi dây
Cong như đồi chè Tân Sơn
Đỏ thắm như nước dòng sông Hồng
Mặn mà như nước Biển Đông”
Hỗn độn, dữ dội, trong trẻo, day dứt, khắc khoải, nam tính, lạc loài, bất cần, phóng khoáng, tự do, bùng nổ, hạnh phúc, khổ đau, giải thoát, phẫu thuật, xoa dịu… Còn bao nhiêu động từ, tính từ nữa để tả về thơ anh? Không thể đong đếm được hết.
Một tuyển tập thơ khiến người đọc dường như choáng ngợp trước hành trang sống dày hơn cả một kiếp người. Không có một lối mòn nào trong thơ ca của Nguyễn Vĩnh Tiến. Chàng lãng tử du ca tài hoa cứ tưng tửng bay lên từng nấc thang mới, vượt qua chính mình mà tiếp tục làm thơ, viết nhạc, mà hát và thở trong thơ trong nhạc.