Nguyễn Vĩnh Tiến - 'Chàng thơ' của những cảm xúc thật thà

Nguyễn Vĩnh Tiến vừa trình làng tập 'Hỗn độn và khu vườn' trong sự chào đón của bạn bè cùng người yêu mến sự đa tài với thơ và nhạc của anh.

Tranh màu nước in trong tập thơ đều do Nguyễn Vĩnh Tiến vẽ. Ảnh: Bình Thanh.

Tranh màu nước in trong tập thơ đều do Nguyễn Vĩnh Tiến vẽ. Ảnh: Bình Thanh.

Thế nhưng, cũng có người không khỏi băn khoăn chân thành chia sẻ ý nghĩ: “Giờ kiến trúc sư in thơ để làm gì?”.

Băn khoăn và thích thú

Dù hâm mộ Nguyễn Vĩnh Tiến từ những bài thơ thuở ban đầu như “Cái roi tre”, quan sát khá kỹ về tâm huyết đổi mới thi ca khi anh là thủ lĩnh nhóm “Hoa lạ” (1992) và khẳng định chưa khi nào kiến trúc sư rời xa thi ca, kể cả lúc anh viết những dòng bâng quơ trên trang cá nhân nhưng TS, dịch giả Trần Ngọc Hiếu vẫn bày tỏ sự đắn đo như thế.

“Với tôi, tự do là muốn làm gì thì làm và nó chỉ có, chỉ xuất hiện khi thi sĩ tự do, nếu còn quan tâm đến niêm luật, thể loại 4 – 7 chữ hay lục bát là không tự do, khi đó sẽ nói dối, không nói thật. Trong thơ, tôi đưa vào cả vè, thơ 4 chữ và ngôn từ chưa hẳn là chuẩn mực… Tôi là người tự do” - “Chàng thơ” Nguyễn Vĩnh Tiến.

Cũng thật dễ lý giải khi nhìn lại đời sống thi ca hôm nay có thể ở đâu đó vẫn sôi động với những tán dương, tụng ca song gần như chỉ khi được đọc miễn phí trên không gian mạng hay được cho, tặng chứ còn để tính chuyện bán – mua thơ thì thường ế ẩm. Thêm nữa, giữa sự vội vã của cuộc sống liệu rằng còn mấy ai muốn dành thời gian để bay bổng cùng những vần thơ?.

Và quả thực, ở thời trung tâm giải trí là phim ảnh, âm nhạc thì việc dành thời gian đọc chùm thơ đã cảm thấy ngại ngần huống chi là đọc cả tập thơ – một việc chưa khi nào là dễ dàng. Theo ông Hiếu, đọc thơ khó hơn văn xuôi, cái khó của những vật vã, nhiều lúc phải dừng lại.

Đã thế, thơ và nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến như thể lỏng, khó định hình và rất khó mô tả phong cách thơ của vị kiến trúc sư này một cách nhất quán.

“Có một cậu bé trung du Nguyễn Vĩnh Tiến với những bài được viết thuở mục đồng. Có một Nguyễn Vĩnh Tiến chạm tới phần tối tăm nhất trong cái tâm của mình và cũng có phần loay hoay đánh vật với bản thân…”, ông Hiếu nhận định.

Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thì thích thú về việc tác giả của “Hỗn độn và khu vườn” luôn: “Chơi với lục bát một cách nhuần nhuyễn, thoải mái, vui vẻ đến không ngờ. Anh có thể thả nó vào bất kì vị trí nào - giữa đoạn thơ văn xuôi hay trong những câu thơ tự do, tung tẩy bay giữa một bài thơ dài rồi kết lại một câu làm độc giả “chết đứng””.

Đường thơ – đường đời

 'Chàng thơ' Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ 'Hỗn độn và khu vườn'. Ảnh: Bình Thanh.

'Chàng thơ' Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ 'Hỗn độn và khu vườn'. Ảnh: Bình Thanh.

“Hỗn độn và khu vườn” được NXB Hội Nhà văn ấn hành, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành có tranh bìa mang nhiều ẩn dụ cùng hơn 10 bức tranh màu nước do chính Nguyễn Vĩnh Tiến thực hiện.

Tập thơ có 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn – Trầm cảm đô thị - Chàng thơ và Hoa nở không tên được thể hiện trong 268 trang khổ 15,5 x 24cm, không chỉ mang đến một hình dung về những chặng đường thơ mà cả những chặng đường đời của Nguyễn Vĩnh Tiến.

Ngay ở lề bìa, chàng thơ khiêm tốn nói về mình:

“Mơ màng chính sự

Kẻ vẽ làm thơ

Nhiều lúc lơ mơ

Thì viết nhạc”

Nhưng thực ra, mỗi bài thơ anh viết, trong đó phần nhiều không dễ đọc vì nó trào dâng một cách tự nhiên trong thế giới tự do về ngôn từ, thể loại đồng thời đằm sâu từ những góc nhìn tinh tế cùng bao suy tư sâu sắc về thực tại và được thể hiện bằng ngôn từ không ít trúc trắc song vẫn không kém phần thi vị khi những nhạc điệu chắt ra từ cảm xúc thật thà ngân lên.

Chẳng thế mà, TS Trần Ngọc Hiếu mách rằng, thường có cách nghĩ, thi nhân ở đời thực và trong thơ không là một nhưng điều này ngoại lệ với Nguyễn Vĩnh Tiến. “Thơ anh Tiến thật thà quá, viết thật về mình. Anh viết với niềm tin những gì viết ra sẽ được đồng cảm.

Chẳng hạn khi đọc bài “Những ngọn gió trầm cảm ở Toulouse” là sự thú nhận “tuổi trung niên khốn khổ” và “hơi thở dài”: “Giờ ký ức không còn màu sắc nào/ Chỉ có những giấc mơ leo trên tường gạch đỏ//Tuổi trung niên khốn khổ/Vì ước mơ mình thành một tượng đài//Nhưng thực ra/Tôi chỉ là một hơi thở dài/Bay xoắn ốc và thắt cổ niềm tham vọng/Tôi không muốn trở về bất kỳ đâu nữa/Bởi tôi là một làn gió bay đi…”, ông Hiếu chia sẻ.

Quả vậy, bước vào “Hỗn độn và khu vườn”, có thể nhận thấy ở phần đầu một chàng thơ tuổi đôi mươi đến với thi ca cùng bao háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ mà không lệ thuộc vào niêm luật, chỉ nương theo cảm xúc cùng ý niệm.

Những bài thơ ở đầu tập như “Cái roi tre”, “Một cánh chuồn chuồn”, “Tuổi tôi”, “Thay hoa”… có thể gọi là lục bát và cũng có thể không khi vần điệu của chúng không đều đặn mượt mà khi không thiếu câu khấp khểnh được viết ra theo sự dậy sóng của cảm xúc, ý niệm.

Bình dị như ý niệm về tình thân trong bài “Cái roi tre” thực sự làm lay động lòng người: “Bố tôi vớ cái roi tre/Khi tôi bỏ học, chạy về thăm ông//… Tôi nhìn ông muốn khóc òa/Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre?//Chiều nay bỏ học tôi về/ Bố tôi quăng cái roi tre lên trời…”.

Đến các thi phẩm khác sử dụng 8, 7 hay 4 chữ nhưng không bao giờ là thuần nhất, gò ép mà luôn là những “đột biến” kỳ ảo của sự kết hợp ngẫu nhiên. Đang là khúc hát thơ 4 chữ: “Chồn hoang chồng hoang/Theo ta hát rằng…” đã lại thành thơ 7 chữ: “Bầy chồn về bắt vạ chuyện làng/Bầy chồn đi như tìm đói khát” rồi chuyển nhịp lục bát: “Chồn ơi chồn đứng ở đâu/Ban ngày đang ngủ trên đầu ban đêm/Chân đi đá cứng chân mềm/ Về làng mà hát, mà xuyên qua làng…” (Chồn hoang).

Đến tuổi trưởng thành lại là một Nguyễn Vĩnh Tiến của những suy tư, đối thoại về bản ngã và thế giới quan. Ở đó có sự bật thốt của cô đơn, lạc lõng đến bế tắc, ngột ngạt, trầm cảm giữa thế giới ồn ào. Hay là niềm tiếc nuối đến trào nước mắt khi vẽ ô cờ cuộc đời ở tuổi tứ tuần:

“Vừa ngồi kẻ ô mấy thập niên

Nhốt bao sương mù trong hộp kín

Nay thả chúng bay trời tứ tuần

Lại ngây người tiếc bao khoảng trống

Nhện vẫn giăng mùng chèo đường tơ

Sừng sững mốc son vẫn dại khờ

Chẳng ô nào lấp được hiện tại

Khuếch tán một mùa loãng thành ba

Tháng Bảy mất hồn cánh sen nhòa...”

(Ô cờ tháng Bảy)

Nhưng khép lại những hỗn độn ấy là “Hoa nở không tên” dù đôi khi còn xâm chiếm chút day dứt, bận tâm về thế giới tự nhiên bị con người xâm lấn, môi trường sống bị ô nhiễm… nhưng người thơ ấy đã có được những an yên, thảnh thơi của một tâm hồn nhạy cảm trong tĩnh lặng:

“Tôi thuộc về

Một mảnh đất không trôi

Nơi nở ra, những bông ngọc lan

thơm mát

Tôi trở thành

Dư âm của tiếng hát

Nhỏ xíu thôi

Như tiếng dế lưng đồi…”

Trung du hồn hậu

 Nguyễn Vĩnh Tiến làm thơ như là cách trị liệu với chính mình. Ảnh: Bình Thanh.

Nguyễn Vĩnh Tiến làm thơ như là cách trị liệu với chính mình. Ảnh: Bình Thanh.

Và, bên cạnh một người thơ chồng chất những suy tư hỗn độn nhưng luôn soi tỏ nội tâm với những ngóc ngách sâu thẳm, thậm chí còn là bao chiêm nghiệm về nhân thế cùng những trách nhiệm cá nhân với xã hội, Nguyễn Vĩnh Tiến luôn là một cậu bé trung du hồn hậu, bám chặt vào ký ức tuổi thơ, gia đình, quê hương mà đứng vững giữa cuộc đời không ít bão giông:

“Tôi bám vào cơn gió thổi qua làng

Sưởi ấm cho những điều rét mướt

Và cánh đồng lại bắt đầu cười cợt

Khi tôi biến thành một hạt thóc vàng rơi”

(Giấc mơ hỗn loạn)

Bởi được làng bao bọc và phương trưởng mà cậu bé trung du ấy luôn hiểu rằng: “Và nếu những con chim không mang theo khúc dân ca bay về cội nguồn, để nhịp phách như đá lăn như cỏ thơm bay lơ xơ không về. Thì ai dám giấu riêng cho mình một cánh đồng xanh hay một bông lúa chín? ” (Ngọn gió).

Để khi bôn ba xuôi ngược anh ngoảnh nhìn lại và đặt câu hỏi không chỉ cho riêng mình mà còn chạm đến nỗi niềm vốn giấu kín trong lòng của bao người phố thị với hình thức thể hiện đa dạng, thoắt từ thơ 7 chữ kết lại bằng lục bát:

“Sao chúng ta không về nông thôn?

Cùng quây quần bên nồi cơm nóng

Vườn ao chuồng đi dưới trăng thấy bóng

Tre, lúa, sông còn nghe thấy tiếng reo.

Sao chúng ta cứ chê nông thôn nghèo

Khi đầy ắp tiếng trống vào mùa hội

Trẻ con đi học chỉ cần đi bộ

Con đường làng vẫn rất cần quanh co

Đã bao thập niên ăn tạp và nói láo

Sao không ngồi đốt lửa bập bùng

ở quê

Rồi tĩnh tâm tìm một lối về

Với nông thôn đang xác xơ lạnh lẽo...?

(…) Bao nhiêu sâu lắng trên đời

Có bao giờ đọng ở nơi ồn ào…?

Chuồn chuồn chết rụng giữa ao

Gió đưa cái xác dạt vào bụi khoai...”

(Sao chúng ta không về nông thôn)

Từ không gian rộng lớn ấy của làng, cậu bé trung du nhớ về gia đình – là cha mẹ, ông bà cùng tuổi thơ êm đềm “khe khẽ buồn” khi gánh cỏ được cắt ở ven đê đầy, lo diều giấy chưa hạ lúc hoàng hôn buông nhưng giờ đã rẽ đâu khiến thi nhân tìm kiếm suốt đời:

“Tuổi tôi có lối rẽ vào

Suốt đời bước thấp, bước cao –

Tôi tìm...”

(Tuổi tôi)

Và từ ký ức ấm áp về bố với những lợp bếp, sửa hòm, dọn nhà cửa... mà cậu bé trung du chợt bừng thức:

“Anh em con khéo vô ơn

Nên giờ theo giấc chập chờn tìm quê...”

(Thay hoa)

Và cũng chính từ bố “chở cả tuổi thơ/Đi tuốt vùng trung du xối xả/Bởi ông chăm tôi/Thành con sóng từ những gàu nước lã” mà người con ấy nhớ ra nguồn cội:

“… Chỉ có điều tôi ngậm ngùi vì biết

Tổ tiên giờ là phù sa Cẩm Khê…

Vẫn đợi con cháu đừng quên

đường về...”

(Cẩm Khê)

 Tranh và thơ cùng hòa quyện. Ảnh: Bình Thanh.

Tranh và thơ cùng hòa quyện. Ảnh: Bình Thanh.

Có một điều thú vị nữa là từ những trang thơ này, độc giả được gặp bà nội, bà ngoại của Nguyễn Vĩnh Tiến để rồi hiểu thêm vì sao ca khúc “Bà tôi” của anh năm xưa rót vào lòng người nghe đến thế. Giản dị thôi khi là trò chuyện đong đầy nhớ thương, nương tựa và thú nhận của cháu ngay cả khi bà đã khuất xa:

“À ơi nước mắt đong đầy

Ra sông mà trở lại ngày xưa đi

(…) Bà thương cháu lắm cháu ơi

Một mình bà đội cả trời nắng to…

Lên xe cháu đạp đi xa

Quay đầu vẫn thấy bóng bà

giữa trưa....”

(Giỗ bà ngoại - Về thăm bà ngoại)

“Cháu giờ tuổi giống triền đê

Chỉ thoai thoải dốc đổ về bên sông”

(Giỗ bà nội)

Quả vậy: “Đó là người của những chuyến viễn du, nhưng không bao giờ quên mang theo va li nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà và mùi xứ sở.

Đọc Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe Nguyễn Vĩnh Tiến, ta dễ dàng trông thấy hồn thơ ngập tràn thành lũ, thành sông. Thấy chữ xếp thành đường làng. Thấy hồn thơ vững vàng đứng lẫn vào bóng núi, bóng trung du”, như nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa nhận định.

“Khi tôi hỏi Nguyễn Vĩnh Tiến, trong các nhà văn, nhà thơ có ai bị trầm cảm, anh nhắn: Tôi chính là một người như vậy đây. Tôi đã rất xúc động khi nghe điều đó, vì đây là điều tôi chưa từng biết về anh.

Như anh nói, anh viết không còn tham vọng tạo nên cách tân gì mà viết như sự trị liệu với chính mình. Cách trị liệu này nó rất nghiệt ngã, vì mỗi lần viết là mỗi lần mình tự răn mình, mình phải tự nói thật trong một xã hội ai cũng phải sắm vai, đeo mặt nạ.

Bởi vậy, thơ chính là phần Nguyễn Vĩnh Tiến bộc lộ con người anh loay hoay, đánh vật, vẫn ngập lụt với nội tâm của mình” - TS, dịch giả Trần Ngọc Hiếu.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguyen-vinh-tien-chang-tho-cua-nhung-cam-xuc-that-tha-post691486.html
Zalo