'Nguyện' và 'Chuyển động trong tĩnh lặng': Cuộc gặp gỡ bất ngờ của 2 thế giới nghệ thuật

Hai nghệ sĩ tài năng, hai phong cách độc đáo sẽ cùng nhau hội tụ, giao hòa trong một triển lãm đầy cảm xúc mang tên 'Nguyện' và 'Chuyển động trong tĩnh lặng', diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 1/12/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm “Nguyện” giới thiệu phần lớn tác phẩm trong dự án Đền Nguyện Mẫu của nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Nguyễn Quân. Triển lãm gồm 24 tác phẩm hội họa sơn dầu, 6 tác phẩm điêu khắc gốm, đá và một phần mô phỏng tác phẩm điêu khắc kiến trúc Đền Nguyện Mẫu sẽ được phát triển trong tương lai.

Ý tưởng xuyên suốt dự án là đức tin, sự sùng kính tính nữ và lịch sử mỹ thuật; ký ức lưu giữ từ “bức tranh” trải nghiệm cuộc sống, suy tôn cơ thể và linh hồn người nữ thuộc các thời đại cổ xưa đến nay, các chủng tộc, các độ tuổi và các châu lục xa xôi đến địa lý gần cận đi ra từ quan sát của ông.

“Nguyện” (hay Đền Nguyện Mẫu) là một công trình nghệ thuật tổng hòa: Kiến trúc, cảnh quan, hội họa, điêu khắc, âm thanh, ánh sáng. Ý tưởng và phần lớn tác phẩm được sáng tác, thực hiện bởi nghệ sĩ Nguyễn Quân và dự án Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Sóng Mây, giám tuyển Vũ Hồng Nguyên trong bốn năm 2020 – 2024. Tạo dựng một nơi chốn nghệ thuật đương đại chưa có tiền mẫu trong không gian Bảo tàng Sóng Mây trong tương lai. “Nguyện” (Đền Nguyện Mẫu) là một nơi chốn công cộng đương đại cho trải nghiệm thẩm mỹ nghệ thuật và tâm tình, tâm linh.

Triển lãm cá nhân “Chuyển động trong tĩnh lặng” giới thiệu 6 tác phẩm/cụm tác phẩm điêu khắc gỗ và 25 tác phẩm hội họa được họa sĩ Katsumi Mukai (sinh năm 1946 tại Tohoku, Nhật Bản) sáng tác từ tháng 7/10/2024 tại Hà Nội.

Trong đó, đáng chú ý là loạt tranh chì với những tác phẩm kích thước lớn (153x246 cm) đầy xúc động được sinh ra từ người đã chạm vào tĩnh lặng – người luôn đắm say với bản tuyệt phẩm trong thế giới âm sắc của tự nhiên.

Katsumi Mukai nhìn thấy màu của gió, ngửi thấy mùi của mây và nghe thấy những tia nắng mặt trời: “Có những âm thanh không thể nghe thấy nhưng có thể cảm nhận được – như tiếng tuyết rơi, tiếng dung nham chảy dưới lòng đất, hay tiếng thở của cây cối. Tôi luôn cảm nhận được chuyển động trong tĩnh lặng ở tất cả các hiện tượng tự nhiên. Và rồi tôi phóng chiếu tâm hồn mình – tĩnh lặng nhưng cũng đầy mãnh liệt và sống động – lên gỗ và giấy”.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Chuyển động trong tĩnh lặng No.S24.5-39 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong tĩnh lặng No.S24.5-39 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong yên lặng No.P24.33 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong yên lặng No.P24.33 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong tĩnh lặng No.S24.2 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong tĩnh lặng No.S24.2 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong yên lặng No.P24.18 - Katsumi Mukai

Chuyển động trong yên lặng No.P24.18 - Katsumi Mukai

Tứ linh số 2 (gốm) - Nguyễn Quân

Tứ linh số 2 (gốm) - Nguyễn Quân

Quy phượng lâu - Nguyễn Quân

Quy phượng lâu - Nguyễn Quân

Đáy giếng (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Đáy giếng (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Cám dỗ ngày thường số 1 (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Cám dỗ ngày thường số 1 (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Đẻ đất đẻ nước (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Đẻ đất đẻ nước (sơn dầu) - Nguyễn Quân

Nguyễn Quân sinh năm 1948 tại Phú Thọ. Ông tốt nghiệp ngành điều khiển học, Đại học Merseburg, Đức năm 1971. Ông là Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 1977 – 1984, Ban thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật – Nhà xuất bản Mỹ thuật 1984 – 1989. Từ năm 1990 ông sống và làm việc tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông là tác giả của 16 cuốn sách lý thuyết và lịch sử mỹ thuật, viết và công bố khoảng 1000 bài viết nghệ thuật và văn hóa trên các sách báo ở Việt Nam và nước ngoài. Nguyễn Quân là một trong những nhà sử học nghệ thuật và nghiên cứu phê bình hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông vừa là nhà lý luận, vừa là nghệ sĩ thực hành, ông có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy phong trào Hội họa đổi mới của Việt Nam trong giai đoạn bản lề 1980 – 1990.

Katsumi Mukai sinh năm 1946 tại Tohoku, Nhật Bản. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu vẽ tranh và chuyển đến Tokyo theo học hội họa tại Học viện Nghệ thuật Trung ương. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, ông quyết định kết thúc khóa học do không tìm được sự thu hút từ những người hướng dẫn. Năm 1971 ông sang London tự học và nghiên cứu nghệ thuật thông qua các phòng trưng bày, bảo tàng trong một năm. Thập niên 60 đến 80 ông là họa sĩ tổ chức liên tiếp nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm tại Tokyo và Aomori sau cuộc trưng bày lần đầu năm 1966. Từ năm 1990 ông chuyển trọng tâm sáng tác sang điêu khắc gỗ. Các tác phẩm điêu khắc của ông liên tục được trưng bày trong các dự án nghệ thuật lớn, cả quy mô trong nước lẫn quốc tế. Đồng thời, ông cũng tham gia các chương trình sáng tác lưu trú tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đức, Canada, Mỹ,…

PV

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguyen-va-chuyen-dong-trong-tinh-lang-cuoc-gap-go-bat-ngo-cua-2-the-gioi-nghe-thuat-94851.html
Zalo