Nguyễn Thị Minh Khai: Nữ trung anh kiệt
Nguyễn Thị Minh Khai - người đã hiến trọn đời mình cho non sông, đất nước. Thanh xuân của đồng chí là những năm tháng học tập không ngừng nghỉ, cống hiến không mệt mỏi vì lý tưởng giải phóng quê hương đất nước. Người phụ nữ kiên trung ấy không khuất phục dẫu ngàn roi quất trên lưng gầy, dẫu thân xác chịu nhiều đớn đau, dẫu khát vọng sống vẫn mãi đang cháy bỏng.
Dù đánh, dù treo, càng cương quyết
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 30/9/1910 tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, Nghệ An.
Đồng chí theo học chữ quốc ngữ từ nhỏ.
9 tuổi học Trường Nữ sinh Nguyễn Trường Tộ.
14 tuổi chuyển sang lớp Nhất, Trường Cao Xuân Dục.
Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, 16 tuổi Nguyễn Thị Minh Khai đã vượt qua mọi sự cản trở của lễ giáo phong kiến, vượt qua sự hiểu biết, cuộc sống của các cô gái cùng thời, quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai.
Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đảng Tân Việt. Trong thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động phụ nữ tham gia bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh.
Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng.
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.
Theo Lý lịch Phan Lan bản chép tay khai, tháng 3/1930, Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng Đông Phuơng Bộ của Quốc tế Cộng sản. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Lý Thụy) trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng, nhờ vậy, đồng chí tiến bộ rất nhanh. Đồng chí vừa công tác vừa tranh thủ học thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.
Năm 1931, đồng chí bị thực dân Anh cấu kết với thực dân Pháp và chính quyền phản động ở Quảng Châu bắt giam. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập đồng chí không hề bị khuất phục. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Đỏ, năm 1933 đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban Lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước.
Cuối năm 1934, Minh Khai cùng Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn là đại biểu chính thức được cử đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 tại Mát-xcơ-va. Nguyễn Thị Minh Khai lấy bí danh là Phan Lan.
Ngày 16/8/1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, người phụ nữ Việt Nam 24 tuổi dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng.
Trích tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai: “... Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở nước chúng tôi. Lần đầu tiên từ ngày có Đảng cộng sản của nước chúng tôi, một phụ nữ như tôi, nữ đảng viên cộng sản Đông Dương được hân hạnh chẳng những tham gia Đại hộc quốc tế cộng sản, mà còn từ diễn đàn Đại hội được báo cáo đến các đồng chí Tây Âu, đến công nhân nam nữ toàn thế giới rằng, chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân của các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa cuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu đã bước vào con đường đấu tranh các mạng.
Đặc biệt là trong thời kỳ cao trào cách mạng ở Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui, phải đồng tình...”. (Tỉnh ủy Nghệ An, “Nghệ An - Những tấm gương cộng sản”; trang 85, 86, NXB Nghệ An, 10/1998).
Sau Đại hội, Nguyễn Thị Minh khai tiếp tục học tại Trường Đại học Phương Đông.
Những tháng năm này Nguyễn Thị Minh Khai đã yêu và kết hôn với đồng chí Lê Hồng Phong. Cuộc đời của 2 người cộng sản từ đó đã gắn liền với nhau và gắn liền với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam.
Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt ngày 30/7/1940 sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ để bàn về chủ trương khởi nghĩa.
Thực dân Pháp bắt giam chị đưa về Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Những trận đòn tra tấn không khuất phục nổi ý chí của nữ cách mạng.
Đến khi giặc Pháp biết chị là vợ đồng chí Lê Hồng Phong, chúng đã đưa anh đến gặp chị. Chúng muốn vợ chồng anh chị nhận nhau để làm căn cứ kết án cả hai. Gặp nhau trong lao tù, cảm xúc dồn nén với bao nỗi nhớ nhung sâu thẳm, bao nhiêu điều muốn nói, bao nhiêu điều muốn kể về bé Hồng Minh của hai người nhưng cả anh và chị đều nén vào trong, nén vào tận đáy lòng.
Anh nhìn chị với cái vẻ vô tình của người chưa quen biết: “Tôi không quen chị này…”. Chị nhìn anh bình tĩnh làm kẻ thù thất vọng: “Tôi không biết người này…”. Kẻ địch rình mò để chớp lấy một nét xúc động trên ánh mắt của hai người nhưng đành bất lực.
Bọn mật thám đã phải gào lên: “Sao vợ chồng chúng mày không nhận nhau đi, tao sẽ cho chúng mày được gặp con”.
Không thể lung lạc ý chí người cộng sản, thực dân Pháp mở 4 phiên tòa xét xử hòng kết án tử chị Minh Khai.
Sau bốn phiên tòa xét xử chị Minh Khai, thực dân Pháp quy án chị: 1 án 5 năm tù khổ sai; 1 án 20 năm đày đi biệt xứ; 2 án chung thân; 2 án tử hình.
Thời gian bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” đồng chí Lê Hồng Phong không hay rằng vợ mình - đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã bị đưa ra xử tử vào ngày 26/8/1941 cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng…
Trước hôm bị thực dân Pháp xử bắn, chị viết bức thư vĩnh biệt chồng. Mảnh giấy cuốn thuốc lá vo nhỏ bằng đầu tăm với mấy dòng chữ viết vội: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy”.
“… Trời đất, lẽ huyền thông?
thác thể xác, tinh anh còn mãi
nhưng Mẹ mong, gom lại chút hình hài
Mẹ xót Chị “thân gầy mảnh mai
gót thon trắng trượt trầy kênh rạch”
xót xa, lệ Mẹ trào…!”
(Ở trong tim, Giáo sư, bác sỹ, nhà thơ Nguyễn Huy Dung - em trai đồng chí Minh Khai)
Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ, nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Tấm lòng kiên trung của đồng chí thể hiện qua bài thơ mà đồng chí đã khắc lên tường ở bót Catinat trong những ngày bị giam giữ tại đây:
Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng lắm chông gai.