Nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại

Nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại là như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu để nắm rõ hơn về Thừa phát lại.

Giải đáp pháp luật

Thừa phát lại tiếp khách hàng

Thừa phát lại tiếp khách hàng

Hỏi: Xin quý báo cho biết các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại (TPL), nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động TPL?

(Nguyễn Minh Ánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL, Điều 33 nêu về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, UBBD, TP trực thuộc Trung ương trong việc kiểm tra tổ chức và hoạt động TPL:

1. Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) thực hiện việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động TPL theo thẩm quyền.

2. Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động TPL trong phạm vi toàn quốc. Căn cứ tình hình thực tế, Cục Bổ trợ tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động TPL, trong đó xác định rõ danh sách đối tượng kiểm tra, thời gian, nội dung kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.

Cục Bổ trợ tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động TPL tại địa phương, trong đó xác định rõ danh sách đối tượng kiểm tra, thời gian, nội dung kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.

Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra đột xuất theo yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều này, Sở Tư pháp gửi báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp.

Nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động TPL được nêu tại Điều 34:

1. Công khai, khách quan, minh bạch; đúng kế hoạch, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.

2. Bảo đảm tính bảo mật trong hành nghề TPL theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

3. Tuân thủ quy định khác của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP , Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Điều 35 quy định về nội dung kiểm tra:

1. Đối với Văn phòng TPL, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký hoạt động; đăng ký hành nghề và cấp Thẻ TPL;

b) Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật;

c) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập, quản lý, sử dụng sổ và lưu trữ các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP , Thông tư này và pháp luật có liên quan;

d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, kế toán, thống kê và pháp luật có liên quan;

đ) Thực hiện các quy định khác của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Đối với Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực hiện quy định của pháp luật về cấp, cấp lại, thu hồi giấy đăng ký hoạt động Văn phòng TPL; đăng ký hành nghề và cấp Thẻ TPL;

b) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập, quản lý, sử dụng sổ sách và lưu trữ giấy tờ, hồ sơ, tài liệu;

c) Thực hiện các quy định khác của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư này.

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguyen-tac-kiem-tra-to-chuc-va-hoat-dong-thua-phat-lai-311812.html
Zalo