Nguyên nhân U22 Việt Nam đá chưa 'đã' mắt
Đội bóng của HLV Philippe Troussier giành 2 chiến thắng liên tiếp trước U22 Lào và U22 Singapore, qua đó chiếm ngôi đầu bảng B. Kết quả tích cực, nhưng lối chơi của U22 Việt Nam vẫn thiếu những nét chấm phá cần thiết, tạo hưng phấn cho người xem.
Vẫn có những đánh giá khá tích cực về màn trình diễn của U22 Việt Nam ở hai lượt trận đầu tiên. HLV trưởng Đà Nẵng, ông Phan Thanh Hùng, cho rằng về cơ bản, đội bóng của ông Philippe Troussier đồng đều 3 tuyến, phối hợp tốt, tuân thủ chiến thuật và cầm bóng chắc chắn.
Tuy nhiên về tổng thể, U22 Việt Nam chưa thể hiện được sự khác biệt dưới thời HLV Troussier. Dù đề cao khả năng kiểm soát bóng, U22 Việt Nam không thực sự vượt trội trước U22 Lào và U22 Singapore, 2 đối thủ vốn không mạnh. Nếu gặp những đối thủ ngang tầm như U22 Malaysia hay U22 Thái Lan, U22 Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn.
Một vấn đề khác là các tình huống phối hợp của U22 Việt Nam, đặc biệt ở tuyến giữa, không thực sự nhuần nhuyễn và hiệu quả. Điều này dẫn tới việc hàng tấn công phát huy hiệu quả chưa cao.
Theo dõi U22 Việt Nam thi đấu dễ thấy trên sân rất ít tiếng “ồ, à”, hoan hô của CĐV. Nó bắt nguồn từ việc đội bóng của HLV Troussier thiếu hẳn những tình huống tấn công ăn ý, đẹp mắt có chất lượng cao. Dễ thấy do vắng người cầm trịch ở tuyến giữa, hệ thống thi đấu của U22 Việt Nam trở nên thiếu mượt mà.
Tuy nhiên cũng khó trách HLV Troussier bởi so với 2 kỳ SEA Games trước, khác biệt đáng kể của lứa U22 Việt Nam hiện nay là không có ngôi sao thực thụ trong đội hình. Nếu như trước đây, Hoàng Đức, Quang Hải hay Tiến Linh có thể làm dậy sóng khán đài bởi những pha tỏa sáng đậm chất cá nhân thì hiện nay, đó là đòi hỏi quá sức với Quốc Việt cùng các đồng đội.
Đội hình hiện tại của U22 Việt Nam hầu hết là những gương mặt trẻ chưa có tên tuổi, không được người hâm mộ nhớ tên. Một thành viên BHL đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 32 cho rằng không dễ để một nền bóng đá có thể liên tiếp sản sinh ra nhiều ngôi sao, đồng thời duy trì được vị thế đỉnh cao liên tục.
“Chúng ta có thể thấy rõ là Tây Ban Nha hay Đức, Pháp đều có lúc lên tới đỉnh cao ở cả World Cup và đấu trường UERO, nhưng sau đó cần một thời gian dài để trở lại.
Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến Thái Lan từng thống trị nhiều năm dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisuk rồi sa sút, để Việt Nam bứt lên mới chuyển qua một giai đoạn mới. Theo tôi, sẽ còn khá lâu bóng đá Việt Nam mới cho ra một lứa như Quang Hải, Công Phượng trước đây”, vị này đánh giá.
Trong bối cảnh trên, những nỗ lực của thầy trò HLV Troussier đến lúc này xứng đáng được ghi nhận. Đồng thời, nếu nhìn vào cách nhà cầm quân người Pháp bố trí đội hình, sử dụng nhân sự qua từng trận đấu thì có thể hy vọng ông Troussier chưa “giở” hết bài vở. Đây thực tế là yêu cầu cần thiết bởi cuộc đua đường dài tại SEA Games 32 khốc liệt, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng tới thể lực cầu thủ.
Với lực lượng hiện tại, ông Troussier có lẽ cũng khó lòng đáp ứng được yêu cầu thắng đẹp như mong muốn của đa số người hâm mộ. Nói như nhà cầm quân người Pháp sau trận thắng U22 Lào, đôi khi phải chấp nhận đá không hay nhưng vẫn thắng. Cuộc đua phía trước còn dài và đó là cơ hội để U22 Việt Nam tiếp tục hoàn thiện lối chơi, trở thành một tập thể giàu gắn kết và đáng xem hơn. Phía trước, thầy trò ông Troussier sẽ có cuộc đối đầu quan trọng với U22 Malaysia. Đây là cơ hội để U22 Việt Nam kiểm chứng sức mạnh tại SEA Games 32.