Nguyên nhân sâu xa khiến Anh liên tục thay thủ tướng

Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho vị trí thủ tướng thứ 3 chỉ trong 8 tuần. Nguyên nhân sâu xa được cho là dư âm từ cuộc bầu cử Brexit gây tranh cãi.

 Thủ tướng Liz Truss đã tuyên bố từ chức vào ngày 20/10. Ảnh: AP.

Thủ tướng Liz Truss đã tuyên bố từ chức vào ngày 20/10. Ảnh: AP.

Bà Truss là thủ tướng thứ 4 từ chức kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016. NPR đánh giá đây là tốc độ thay thế người lãnh đạo nhanh nhất trong một thế kỷ. Số 10 phố Downing dường như đang trở thành “cửa trượt quay" của các chính trị gia Anh.

Các nhà phân tích cho rằng đó là câu chuyện bắt nguồn từ sự phân cực, chủ nghĩa dân túy và những vấn đề trong một hệ thống chính trị ngày càng bộc lộ thiếu sót.

Lý do các thủ tướng Anh từ chức

Guardian nhận định lên nắm quyền từ năm 2010, nhưng chính phủ của đảng Bảo thủ đã dần thể hiện những bất ổn kể từ cuộc bầu cử năm 2015.

Mọi chuyện được cho là bắt đầu với lời kêu gọi trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu của cựu Thủ tướng David Cameron. Ông Cameron hy vọng cuộc bỏ phiếu vào năm 2016 sẽ bịt miệng phe theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, chấm dứt cuộc tranh cãi bên trong đảng Bảo thủ về mối quan hệ giữa Anh và EU.

Tuy nhiên, đó là một tính toán sai lầm. Người dân Anh đã bỏ phiếu rời EU. Kết quả không chỉ làm nổi bật sự chia rẽ gay gắt của Anh mà còn làm thay đổi đường lối của các chính sách đối ngoại, kinh tế và thương mại của nước này.

Các chính trị gia Anh, bao gồm cả những người tích cực vận động Brexit nhất, không có kế hoạch rõ ràng nào để ngay lập tức tháo gỡ các mối quan hệ kinh tế và pháp lý với EU trong nhiều thập kỷ. Sự hỗn loạn chính trị kéo theo từ đó.

Ông Cameron từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý và bà Theresa May trở thành thủ tướng. Thế nhưng, trong một tính toán sai lầm khác, bà đã kêu gọi một cuộc bầu cử chớp nhoáng vào năm 2017, chỉ để mất quyền kiểm soát Hạ viện của đảng mình.

Bà nhiều lần cố gắng thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua một thỏa thuận Brexit, nhưng bị cản trở một phần bởi phe chống châu Âu trong đảng.

Chính phủ của bà bị tê liệt bởi cuộc đấu đá trong nội bộ đảng về hình thức Brexit nào Anh sẽ theo đuổi và bà không có đủ số phiếu trong Nghị viện Anh để thông qua quyết sách của mình. Brexit cuối cùng đã hạ gục bà Theresa May giống như người tiền nhiệm.

Sau đó, đảng Bảo thủ quay sang cựu thủ tướng Boris Johnson. Ông đã vận động để "hoàn thành Brexit" và dẫn dắt đảng tới chiến thắng áp đảo năm 2019. Năm tiếp theo, ông hoàn thành việc Vương quốc Anh rời EU và dường như đã sẵn sàng cầm quyền trong nhiều năm.

Thế nhưng, uy tín của ông Johnson và đảng Bảo thủ dần sụt giảm nghiêm trọng. Ông liên tục đối mặt hàng loạt cáo buộc về cả cách hành xử lẫn quyết định nhân sự. Đơn cử tháng 4, ông Johnson bị phạt vì vi phạm quy định chống dịch khi tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật hồi tháng 6/2020.

Gần 60 nghị sĩ với khoảng một nửa trong nội các của cựu Thủ tướng Johnson đã từ chức để gây áp lực buộc ông phải rời nhiệm sở. Kịch tính nhất là việc chưa đầy hai ngày sau khi được bổ nhiệm, cựu Bộ trưởng tài chính Nadhim Zahawi cũng đã kêu gọi thủ tướng từ chức.

Bà Truss thay thế ông Johnson vào tháng 9, hứa hẹn sẽ khởi động nền kinh tế bằng việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn và người giàu mà không giảm chi tiêu công. Trong bối cảnh lạm phát 10% và giá năng lượng tăng, kế hoạch của bà khiến thị trường tài chính kinh hoàng, đồng bảng Anh sụp đổ và lãi suất thế chấp tăng vọt.

Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết một lý do khiến các thủ tướng của đảng Bảo thủ như ông Johnson hay bà Truss vấp phải phản đối là họ đã hứa trước công chúng những điều mà họ không thể làm.

Trong trường hợp của ông Johnson, đó là một Brexit không tốn kém và không có rắc rối. Đối với bà Truss, đó là việc cắt giảm thuế mà không biết sẽ lấy nguồn tiền từ đâu để bù đắp.

Patrick Dunleavy, giáo sư danh dự về khoa học chính trị và chính sách công tại Trường Kinh tế London, cho biết những sai sót trong hệ thống chính quyền của Vương quốc Anh và cách Đảng Bảo thủ lựa chọn lãnh đạo cũng góp phần vào tình trạng hỗn loạn đang diễn ra.

Ví dụ, các thủ tướng có thể tự do bổ nhiệm người vào những công việc rất quan trọng mà không cần sự giám sát của Quốc hội. Bà Truss đã bổ nhiệm ông Kwasi Kwarteng, một đồng minh chính trị, làm bộ trưởng Tài chính Anh. Thế nhưng, bà đã sa thải ông sau khi kế hoạch kinh tế chung của họ tàn phá thị trường.

Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng gì?

Việc từ chức của bà Truss hôm 20/10 là một cú sốc nữa trong chuỗi biến động liên tiếp tại Vương quốc Anh. Chỉ trong năm nay, nước này đã chứng kiến chính phủ bị đảo lộn, lạm phát hai con số, đồng bảng Anh suy yếu, trong khi người dân xuống phố biểu tình vì chi phí năng lượng tăng vọt.

CNN cho biết sau những ngày giữ chức, bà Truss để lại “di sản" là một nước Anh đang tiến gần hơn tới khủng hoảng kinh tế, sau “kế hoạch tăng trưởng" khiến thị trường phản ứng dữ dội. Bên cạnh đó, đảng Bảo thủ có thể đang nắm quyền, nhưng chắc chắn quyền lực của họ đã suy yếu sau chuỗi liên tiếp thất bại.

Trong bối cảnh đó, tân thủ tướng mới của Anh sẽ phải đối mặt với những áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, trước khi người kế nhiệm được chính thức lựa chọn, bà Truss sẽ tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng.

Thủ tướng mới có thể làm gì?

Thông thường, tân thủ tướng sẽ là lãnh đạo của đảng giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Trong trường hợp này, tân thủ tướng sẽ đến từ đảng Bảo thủ, mặc dù các đảng chính trị lớn nhất của Anh mới đây đã đồng loạt kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.

Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm về tất cả chính sách và quyết định của chính phủ. Công việc của họ là lựa chọn các thành viên trong chính phủ, theo BBC.

Thủ tướng có thể bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng bất cứ lúc nào. Họ cũng có thể bãi bỏ các cơ quan chính phủ hoặc tạo ra những cơ quan mới.

Cùng với bộ trưởng, thủ tướng phụ trách chính sách thuế và chi tiêu. Thủ tướng và các bộ trưởng có thể đưa ra các luật mới, miễn là họ nhận được sự ủng hộ của Nghị viện.

Người thay thế bà Truss sẽ được chọn sao?

Theo quy định mới của Ủy ban 1922, các ứng viên cần ít nhất 100 đề cử từ nghị sĩ đảng Bảo thủ nếu muốn vào vòng bỏ phiếu. Nghị sĩ của đảng sẽ đề cử ứng viên từ tối 20/10 đến 14h ngày 24/10 (giờ London).

Nếu có 2 hoặc 3 ứng viên đủ số đề cử tối thiểu, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu vào 15h30 ngày 24/10, với kết quả được công bố vào 18h cùng ngày. Một vòng bỏ phiếu mới vào buổi tối cũng được diễn ra nếu cần.

Hiện một trong những ứng viên sáng giá nhất để kế nhiệm bà Truss được cho là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak.

Theo Guardian, tính đến hết ngày 23/10, có khoảng 165 trong số 357 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai ứng viên mà họ ủng hộ, trong đó, ông Sunak có 155 phiếu.

Cựu thủ tướng Johnson ngày 23/10 cũng cho biết ông đã có sự ủng hộ của trên 102 nhà lập pháp, đủ để bước tiếp vào cuộc đua tìm người thay thế bà Liz Truss, nhưng ông nhận thấy cần rút lui vì đất nước và đảng Bảo thủ cần có sự thống nhất, theo Reuters.

Tuyên bố của ông Johnson đang làm tăng thêm khả năng ông Sunak, 42 tuổi, trở thành thủ tướng tiếp theo thay thế bà Liz Truss, có thể sớm nhất là trong ngày 24/10, mà không cần đến một vòng bỏ phiếu khác.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-sau-xa-khien-anh-lien-tuc-thay-thu-tuong-post1367396.html
Zalo