Nguyên nhân nắng nóng ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam

Theo các chuyên gia khí tượng, nắng nóng không chỉ hoạt động mạnh ở miền Bắc và miền Trung mà còn phát triển cục bộ trở lại miền Nam, do đang tồn tại một áp cao cận nhiệt gây ra.

Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cập nhật đến chiều 29-6, khu vực Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ đã có nắng nóng đến nắng nóng gay gắt.

 Nhiệt độ Hà Nội ngày 29-6 lên tới 35 độ C, người dân ra Hồ Tây hóng gió. Ảnh: L.T.H.N

Nhiệt độ Hà Nội ngày 29-6 lên tới 35 độ C, người dân ra Hồ Tây hóng gió. Ảnh: L.T.H.N

Trong đó, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ là 35-36 độ C; còn tại Trung bộ là 36-37 độ C. Tâm điểm nắng nóng là khu vực Bắc Trung bộ, như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 36,9 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 37,1 độ C, Hà Tĩnh 37,3 độ C…

Cơ quan khí tượng nhận định, ngày 30-6 và 1-7, Bắc bộ tiếp tục nắng nóng (nhiệt độ cao nhất 37 độ C), còn Trung bộ nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt (nhiệt độ cao nhất 39 độ C). Như vậy, cường độ nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung trong 2 ngày tới sẽ tăng cao hơn hôm nay.

Còn ở Nam bộ và Tây Nguyên hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, sáng mưa, trưa nắng, tại TPHCM có nắng nóng 35 độ C về chiều 29-6. Xu thế chung ở Nam bộ hiện nay là tần suất mưa ít, nắng nhiều hơn.

 Thời tiết ở TPHCM sáng mưa, trưa nóng. Ảnh: QUỐC ANH

Thời tiết ở TPHCM sáng mưa, trưa nóng. Ảnh: QUỐC ANH

Thời tiết ở TPHCM và Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam nhưng có đặc điểm khô nóng nên lượng hơi ẩm đưa vào đất liền không nhiều, không hình thành được các cơn dông nhiệt.

 Ảnh chụp vệ tinh Nam bộ hồi 17 giờ ngày 29-6 hầu như rất ít mây

Ảnh chụp vệ tinh Nam bộ hồi 17 giờ ngày 29-6 hầu như rất ít mây

Nguyên nhân là do đang tồn tại một áp cao cận nhiệt nên khống chế toàn bộ các ổ mây ở cả 3 miền, nên bầu trời chủ yếu ít mây, nắng mạnh. Nắng nóng gia tăng ở Nam bộ còn do đang chịu tác động trực tiếp của áp thấp nóng phía Tây gây hiệu ứng phơn (gió Tây khô nóng).

Hình thái này có thể còn duy trì đến đầu tháng 7. Các chuyên gia khí tượng nhận định, sang cuối tuần sau, miền Bắc có thể mưa dông trở lại khi có một rãnh áp thấp gây mưa ở phía Bắc xuống.

Còn ở miền Nam, gió Đông Nam yếu sẽ kết thúc vào khoảng ngày 3 hoặc 4-7 thì mới có đợt mưa mới.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguyen-nhan-nang-nong-o-ca-3-mien-bac-trung-nam-post746973.html
Zalo