Nguyên nhân làn sóng đại dịch mới ảnh hưởng mạnh đến Đông và Bắc Âu
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, các chuyên gia cho rằng có 4 lý do khiến tình hình dịch COVID-19 trong thời gian gần đây tiếp tục xấu đi trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có 10 quốc gia thành viên bị coi là 'rất đáng lo ngại'.
Mới đây, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nêu rõ:"Tình hình dịch tễ học tại EU hiện ghi nhận sự gia tăng nhanh đáng kể các ca lây nhiễm, trong khi tỷ lệ tử vong thấp và tăng chậm". ECDC cảnh báo số ca lây nhiễm, số ca tử vong và số người nhập viện do COVID-19 tại EU sẽ tăng trong 2 tuần tới.
Theo đánh giá của ECDC, trong số 27 nước thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Đức, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là yếu tố thời tiết. Mùa đông đang bắt đầu ở châu Âu và nhiệt độ rất thấp đã ảnh hưởng đến các quốc gia Trung, Đông và Bắc Âu, khiến dịch bệnh trầm trọng thêm.
Bà Mylène Ogliastro, nhà virus học và Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường Pháp (INRAE) ở Montpellier, nhận xét: “Vaccine ngừa COVID-19 cho thấy đã tỏ ra kém hiệu quả hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta mặc dù vaccine vẫn bảo vệ chúng ta trước bệnh biến chuyển nặng”.
Tỷ lệ bao phủ vaccine cũng là một nguyên nhân cần được nhắc đến. Ông Pierre Parneix, chuyên gia về vệ sinh và y tế cộng đồng tại Bệnh viện Đại học Bordeaux đánh giá: “Các nước Nam và Tây Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Anh có phạm vi tiêm vaccine rộng khắp nhất, trong khi tỷ lệ này tại các nước Đông Âu đôi khi thấp hơn cả chục điểm”.
Trong khi đó, chuyên gia Mylène Ogliastro nhận định: “Ngay tại Đức cũng có sự chênh lệch lớn giữa miền Tây và miền Đông, và thực tế là tình hình ở miền Đông đang có những diễn biến gần các nước ở Đông Âu hơn”.
Tuy nhiên, giải thích trên cũng chỉ mang tính tương đối, bởi trên thực tế một số nước có tỷ lệ bao phủ vaccine rất tốt, chẳng hạn như Bỉ và Hà Lan, vẫn nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại", trong khi những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine tốt như Đức, Áo, Đan Mạch, Ireland, Luxembourg và Phần Lan, nằm trong danh sách "đáng lo ngại". Vì thế cần phải xem xét cả những nguyên nhân khác, chẳng hạn các biện pháp phòng chống COVID-19 đang được áp dụng ở từng quốc gia thành viên như đóng cửa trường học, nơi làm việc, hạn chế đi lại, các hành vi ứng xử an toàn (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách).
Yếu tố cuối cùng cần tính đến là số lượng các xét nghiệm được thực hiện và các ca được phát hiện mắc bệnh vốn có sự khác biệt rất rõ rệt giữa các quốc gia. Bà Catherine Hill, nhà dịch tễ học tại Viện Gustave-Roussy (Pháp) cho biết: “Đan Mạch thực hiện trung bình 15 xét nghiệm cho mỗi người dân, trong khi con số trung bình tại Pháp chỉ là 2,3”. Các dữ liệu công bố tại EU đầu tháng này cho thấy tỷ lệ xét nghiệm hàng ngày đặc biệt cao ở Đan Mạch và Áo, Bỉ, CH Séc và Slovakia, là những quốc gia mà ECDC liệt vào danh sách “gia tăng nhanh và nhiều ca lây nhiễm”.
Theo các chuyên gia, sự bùng phát dịch trở lại tại các nước Trung, Đông và Bắc Âu là do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng khi mùa Đông bắt đầu đến, “làn sóng COVID-19 thứ 5” sẽ không chừa phần còn lại của châu Âu, bao gồm cả Pháp - nơi mà sự tuân thủ các biện pháp hạn chế đang giảm dần và hiện vẫn còn khoảng 13% số người từ 80 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng.