Nguyên nhân khiến dự án 511 tỷ đồng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 12A chậm tiến độ
Dự án mới chỉ giải ngân được 65% vốn, nếu không hoàn thành GPMB đúng hạn, sẽ có nguy cơ chậm tiến độ, không hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ GTVT.
Nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng
Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng chiều dài 10,83km, do sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư.
Dự án được bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định ngày 30/12/2022, với tổng mức đầu tư 511,154 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào 31/12/ 2024.
Dự án gồm 2 dự án thành phần độc lập. Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng QL12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 447,177 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo ATGT khu vực thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Được biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ GPMB để thực hiện Dự án được tách thành Tiểu dự án giải phóng mặt bằng riêng, giao UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Quảng Trạch và UBND thị xã Ba Đồn làm Chủ đầu tư các Tiểu dự án GPMB theo phạm vi địa lý các dự án đi qua địa bàn để triển khai thực hiện.
Theo sở GTVT tỉnh Quảng Bình, đến nay dự án đã hoàn thành giải ngân (gồm cả 2 dự án thành phần) đạt khoảng 65%. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư nên dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ, không hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ GTVT.
Cụ thể, tại nút giao đầu tuyến (giao QL1A) thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải giải tỏa, thu hồi đất ở và bồi thường tài sản trên đất.
Hiện đã công khai phương án bồi thường nhưng chưa phê duyệt do chưa hoàn thành khu tái định cư, các hộ dân chưa thống nhất phương án với lý do giá bồi thường đất ở thấp, không phù hợp với mặt bằng giá chung.
Tại nút giao đường Nguyễn Trãi (Km 1 + 643), phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn có 6 hộ bị ảnh hưởng, phạm vi chiều dài tuyến 0,45km. Vướng mắc chủ yếu do việc bổ sung phạm vi đất khai hoang trước đây cho các hộ dân nên phải điều chỉnh các thủ tục liên quan.
Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hóa (nằm trong dự án thành phần 2) hiện còn 0,42km vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài từ năm 2022 đến nay.
Phạm vi vướng mặt bằng gồm 13 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất (trong13 hộ bị ảnh hưởng có 4 trường hợp tái định cư, 2 trường hợp bồi thường bằng đất ở và 7 trường hợp giao thêm đất ở tái định cư).
Đến nay, sau 4 lần tổ chức, đã có 9/13 trường hợp thuộc đối tượng được bố trí tái định cư tiến hành bốc thăm và đã có 5 trường hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Gia đình ông Lê Văn Nuôi (SN 1941) ở thôn Tân Thị, xã Cảnh Hóa là một trong những hộ chưa đồng ý với phương án đền bù.
Theo ông Nuôi, ngoài căn nhà chính ông bà đang ở, ông cho các con trai làm nhà ngay trong mảnh đất ông đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ.
“Gia đình chúng tôi được đền bù 350 triệu đồng, còn gia đình con trai được “mua” một mảnh đất ở khu tái định cư với giá khoảng 300 triệu đồng. Khoản tiền này lớn so với khả năng của gia đình nên chúng tôi chưa đồng ý”, ông Nuôi nói. Ông Nuôi mong muốn được tăng tiền đền bù và gia đình con trai được cấp đất mà không cần phải nộp thêm tiền.
Ông Ngô Đức Thịnh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, sở GTVT Quảng Bình cho biết: "Nhà ông Nuôi nằm sát chân công trình, điểm đánh dấu đỏ trên sân nhà là chân của mái taluy nên được tính vào trường hợp được bồi thường hỗ trợ do ảnh hưởng nhà ở sát mốc GPMB".
“Ông Nuôi muốn được cấp đất không nộp tiền sử dụng đất cho con trai là không thể được vì gia đình ông không nằm trong diện thu hồi đất ở. Trường hợp này, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch đã vận dụng linh hoạt, có tình có lý nhất theo đúng quy định để đền bù hơn 600 triệu đồng cho hộ gia đình", ông Thịnh thông tin thêm.
Dự án có nguy cơ chậm tiến độ, lãng phí
Theo ghi nhận của PV, tại dự án có nhiều hạng mục đang "án binh bất động" do không có mặt bằng để thi công. Nhiều vị trí thi công, mặc dù đơn vị thi công đã bố trí sẵn sàng máy móc nhân công trên công địa nhưng do mặt bằng bàn giao bị ngắt quãng nên việc thi công vô cùng khó khăn.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cùng đoàn công tác đã đến hiện trường kiểm tra tiến độ dự án.
Theo Thứ trưởng, thời hạn bố trí vốn không được kéo dài, hết năm nay nếu dự án không xong thì không thể bố trí tiếp. Nếu trước 15/9 không hoàn thành giải phóng mặt bằng thì không xong được dự án.
Về phía tỉnh Quảng Bình, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu sở GTVT Quảng Bình báo cáo cụ thể các vấn đề còn tồn đọng, phối hợp đơn vị liên quan dự thảo văn bản tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, quy trách nhiệm các đơn vị, cá nhân nếu tiếp tục chậm giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Dự án kéo dài nhiều năm nay, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Hiện, huyện đang tập trung quyết liệt để tháo gỡ”.
Liên quan đến dự án này, trước đó, bộ GTVT vừa gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ giải quyết vướng mắc về mặt bằng của dự án.
Theo bộ GTVT, dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A được bộ GTVT phê duyệt trên cơ sở cam kết của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư.
Cụ thể, địa phương cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho sở GTVT Quảng Bình thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ và chịu trách nhiệm nếu dự án triển khai không đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng.