Nguyên mẫu Anh hùng LLVT nhân dân người Công giáo trong 'Bài thơ về tiểu đội xe không kính'

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có hàng nghìn người lính Công giáo đã chiến đấu vì độc lập dân tộc. Trong đó có Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến - nguyên mẫu chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong 'Bài thơ về tiểu đội xe không kính' của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ngày lên đường nhập ngũ ở tuổi 20 tuổi, anh gửi lại quê nhà người vợ trẻ đang mang thai con đầu lòng…

“Ung dung buồng lái ta ngồi”

Ông Đỗ Văn Chiến (sinh năm 1946, tại xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sinh ra trong một gia đình Công giáo có truyền thống cách mạng. Tháng 9-1966, hưởng ứng tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng trai Giu-se Đỗ Văn Chiến lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe thuộc Tiểu đội 101, Đoàn 559. Ngày ông hoàn thành khóa huấn luyện lái xe cũng là ngày người vợ trẻ sinh hạ con gái đầu lòng.

 Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến ở tuổi 79.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến ở tuổi 79.

Trên chiếc xe Zil-157 (Zil ba cầu), ông nhận nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, lương thực, vũ khí… vượt qua trọng điểm lửa đạn Seng Phan (Lào), tiếp tế cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Ngày ấy, chỉ tiêu đơn vị giao mỗi chiến sĩ vận tải ba đêm thực hiện một chuyến hàng. Nhưng với ông Đỗ Văn Chiến, ba đêm là ba chuyến, thậm chí nhiều lần còn cứu cả đoàn xe thoát khỏi mưa bom bão đạn của địch.

Nơi tuyến đường Trường Sơn bị bom đạn cày xới hằng ngày, không ít lần, ông phải đối mặt với lằn ranh sinh tử. Trong một lần dẫn đầu đoàn xe rời trọng điểm, xe ông bất ngờ trúng bom tọa độ. Cú đánh trúng thẳng đầu xe khiến ông và đồng chí lái phụ đều bị thương. Ông Chiến bị đứt ngón tay áp út, chỉ còn dính lại ít da. Máu chảy ướt vô-lăng, trơn tuột, không thể điều khiển xe.

 Ông Đỗ Văn Chiến trong những năm tháng lái xe tại Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Ông Đỗ Văn Chiến trong những năm tháng lái xe tại Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Trong tình thế hiểm nguy, ông bảo đồng đội giật đứt ngón tay để tiếp tục lái xe. Nhưng đồng chí phụ lái vì quá hoảng sợ không dám làm. Ông phanh xe, tự giật đứt đốt ngón tay còn dính, rồi siết chặt vô-lăng, lao qua làn bom đạn. "Khi ấy chẳng có gì để băng bó, tôi chỉ nghĩ phải vượt trọng điểm, giải phóng đường cho đoàn xe phía sau", ông Chiến hồi tưởng. Đưa được đoàn xe vào nơi an toàn, ông mới gục xuống vì mất quá nhiều máu. Các đồng đội công binh phát hiện kịp thời, đưa ông và phụ lái về bệnh xá điều trị.

Ông Chiến cho biết thêm, trên tuyến đường Trường Sơn, việc vừa lái xe vừa làm thợ sửa xe là chuyện thường ngày. Sau mỗi trận bom, xe hỏng đủ kiểu: lốp xẹp, cầu gãy, ắc quy chết... Trên xe lúc nào cũng sẵn cờ lê, mỏ lết, tuốc nơ vít để kịp vá lốp, thay cầu, buộc tạm chi tiết vỡ,... miễn đưa hàng tới đích. Nhiều đêm tối mịt, chỉ với ánh đèn pin, ông cùng đồng đội ngâm mình dưới gầm xe sửa chữa. Có khi đang sửa, bom đạn lại dội xuống, buộc cả đoàn phải tìm cách giấu xe giữa rừng.

 Ông Chiến và vợ trong thời gian ông đang công tác tại Tổng cục Hậu cần. Ảnh: NVCC

Ông Chiến và vợ trong thời gian ông đang công tác tại Tổng cục Hậu cần. Ảnh: NVCC

Trong một lần như vậy, ông bất ngờ gặp người em họ cũng là lái xe. Nghe tiếng ông, người em òa khóc, nghẹn ngào: “Sao anh không viết thư về, ở nhà cứ đồn anh đã hy sinh”. Thực ra, những lúc rảnh rỗi, ông vẫn tranh thủ gửi thư, nhưng chiến tranh ác liệt, thư từ thất lạc là chuyện thường.

“Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Hơn 1.000 ngày đêm trên tuyến lửa Trường Sơn, người chiến sĩ trẻ kiên cường, hoàn thành vượt chỉ tiêu tới 300%. Những tháng cao điểm, khi đồng đội bị thương nhiều, ông tự nguyện gánh vác thêm nhiệm vụ, có tháng vận chuyển tới 32 chuyến hàng. Ông bảo, động lực để làm nên những điều phi thường ấy chỉ đơn giản “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Nhờ thành tích xuất sắc như vậy, ngày 22-12-1969, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tiểu đoàn của ông được mệnh danh là "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", còn ông được coi là "con chim đầu đàn quả cảm”.

 Tấm bằng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân được ông chiến treo phòng khách đầy trang trọng.

Tấm bằng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân được ông chiến treo phòng khách đầy trang trọng.

Ông Chiến nhớ lại: “Ngày tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cảm xúc thật sự khó tả. Sáng hôm đó, tôi vừa hoàn thành một chuyến vận chuyển. Trên đường về gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, mặt mũi lấm lem vì xe không kính. Về tới nơi, anh em và các lãnh đạo tiểu đoàn hô lớn: “Hoan hô đồng chí Đỗ Văn Chiến anh hùng!”. Tôi ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc xuống xe anh em ôm chầm lấy, tôi còn đẩy họ ra vì người đang rất bẩn. Đến hôm sau, cầm tấm bằng Anh hùng trên tay, tôi cũng vẫn không thể tin được".

Trong buồng lái của ông Chiến, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng hàng tháng trời ngồi cạnh và cùng ông vượt qua những trọng điểm ác liệt. Đó cũng là nguồn cảm hứng để “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời. Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến chính là nguyên mẫu người lính ngồi trong chiếc “xe không kính” do “bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” nhưng vẫn: “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…”.

Ông kể lại: "Bỗng một hôm, anh Duật bảo tôi: “Chiến ơi, tôi đọc anh nghe bài thơ này nhé”. Anh ấy đọc, tôi lặng đi vì xúc động. Bài thơ hay quá mà tôi như thấy chính hình ảnh của mình trong đó”.

 Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 từ trái sang) và ông Đỗ Văn Chiến (thứ 3 từ phải sang, quay lưng) cùng một số chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 từ trái sang) và ông Đỗ Văn Chiến (thứ 3 từ phải sang, quay lưng) cùng một số chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Sau ngày đất nước thống nhất, trong thời gian làm Trưởng ban Thanh niên của Tổng cục Hậu cần, ông Chiến từng gặp một số nhà báo Mỹ sang thăm Việt Nam. Họ ngạc nhiên hỏi vì sao bom đạn Mỹ rải dày đặc như vậy mà ông còn nguyên vẹn trở về, chỉ mất 2 đốt ngón tay. Ông mỉm cười, đáp: "Trường Sơn rộng lớn như thế, bom đạn của các anh chẳng bao giờ rải cho xuể được".

Ông chia sẻ thêm, những năm tháng lái xe trên tuyến lửa, ông và đồng đội cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm tránh bom: "Ngày hôm nay Mỹ đã đánh chỗ nào rồi thì hôm sau chúng tôi cứ vào đó mà đi, họ hiếm khi ném bom một nơi hai lần. Bởi vậy, ngày nào chúng tôi cũng cố gắng chạy xe, dù sốt rét cũng không nghỉ. Có chạy mới biết bom đạn ném ở đâu để còn tránh".

Nhiều lần cầu nguyện cho đồng đội hy sinh

Nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống, khóe mắt ông Chiến đỏ hoe, những giọt nước mắt đã lặng lẽ lăn dài lúc nào. Ông kể, có lần một chiến sĩ hy sinh, ông đã lấy chính chiếc chăn của mình cuốn thi thể đồng đội. Khi bàn giao cho binh trạm, ông cẩn thận giặt sạch chiếc chăn rồi tiếp tục sử dụng. Ông bảo, đắp chiếc chăn ấy không thấy sợ, chỉ thấy ấm áp như có đồng đội vẫn đang ở bên chở che, bao bọc.

 Ông Chiến xúc động nhắc về những người đồng đội đã hy sinh.

Ông Chiến xúc động nhắc về những người đồng đội đã hy sinh.

Giữa chiến trường bom đạn, không ít lần ông rơi nước mắt thực hiện nghi thức cầu nguyện, tiễn đưa đồng đội hy sinh. Ông nghẹn ngào: “Tôi biết ơn những đồng đội đã ngã xuống. Họ hy sinh để tôi, để dân tộc này được sống, được tự do, được hòa bình".

Là người Công giáo, ông Chiến luôn giữ vững truyền thống quê hương, hết lòng cống hiến trong chiến tranh cũng như khi trở về đời thường. Ðất nước hòa bình, hằng tuần ông vẫn đi lễ nhà thờ, lắng nghe tiếng chuông, tiếng kinh cầu bên tượng Chúa. Ông tâm niệm: Ðạo tại tâm, sống tốt đời đẹp đạo.

Năm 1993, ông về hưu với quân hàm Đại tá. Sau đó, ông từng có thời gian ông làm xe ôm, đưa đón trẻ em đi học với mức giá "tùy tâm" và kiêm luôn nhiệm vụ giữ gìn an ninh khu phố…

Trước khi trở về quê tại Nam Định an dưỡng năm 2017, ông từng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (1997–2003), Ủy viên Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa II và III.

PHẠM THỨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguyen-mau-anh-hung-llvt-nhan-dan-nguoi-cong-giao-trong-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-826058
Zalo