Nguyễn Hà Đông lên tiếng sau 7 năm

Cha đẻ trò chơi 'huyền thoại' phủ nhận sự liên quan giữa mình và dự án sắp ra mắt. Ông Đông cũng chỉ trích mô hình game NFT.

 Nguyễn Hà Đông xuất hiện trên tờ Rolling Stone vào năm 2014. Ảnh: Maika Elan.

Nguyễn Hà Đông xuất hiện trên tờ Rolling Stone vào năm 2014. Ảnh: Maika Elan.

“Không. Tôi chẳng liên quan gì đến trò chơi của họ. Tôi không bán gì cả. Tôi cũng không cũng không ủng hộ tiền mã hóa”, tài khoản có tick xanh của Nguyễn Hà Đông đăng tải trên X (Twitter).

Đây là bài đăng đầu tiên của cha đẻ Flappy Bird trên mạng xã hội kể từ năm 2017. Nội dung mà ông Đông nhắc đến là sự trở lại của trò chơi nổi tiếng mới được công bố gần đây.

Theo đó, người tạo ra Flappy Bird phủ nhận sự liên quan của bản thân với tổ chức Flappy Bird Foundation và dự án hồi sinh trò chơi.

 Bài đăng đầu tiên của Nguyễn Hà Đông kể từ 2017. Ảnh: @Dongatory.

Bài đăng đầu tiên của Nguyễn Hà Đông kể từ 2017. Ảnh: @Dongatory.

Nhóm tự xưng “những người hâm mộ nhiệt thành của Flappy Bird” cho biết đã mua được bản quyền của trò chơi. Họ khẳng định tựa game huyền thoại sẽ trở lại trên điện thoại Android và iOS vào năm 2025.

Những người đứng sau dự án này cho biết đã sở hữu bản quyền trò chơi từ Gametech. Theo IGN, quỹ này cũng đạt thỏa thuận với nhà phát triển Piou Piou vs. Cactus. Đây vốn là trò chơi có tranh chấp bản quyền, khi ra mắt trước và có lối chơi tương tự Flappy Bird.

Theo VGC, GameTech Holdings đã sở hữu nhãn hiệu Flappy Bird sau khi Nguyễn Hà Đông không gia hạn. Người dẫn dắt dự án mới là Michael Roberts. Ông này cũng được phát hiện còn đứng đầu 1208 Productions, một công ty tự mô tả mình là “tiên phong trong Web3”. Do vậy, nó làm giấy lên lo ngại Flappy Bird sẽ trở thành một game NFT. Đây vốn là thể loại bị lên án bởi người chơi game truyền thống.

 Bản làm mới của Flappy Bird. Ảnh: Flappy Bird.

Bản làm mới của Flappy Bird. Ảnh: Flappy Bird.

“Thật tuyệt khi thấy Piou Piou có sức ảnh hưởng lớn thế nào đến các nhà phát triển và game thủ trong nhiều năm qua. Tôi được làm việc với đội ngũ hâm mộ và sáng tạo tận tụy, những người đam mê và cùng nhau đưa Flappy Bird trở lại, Kek, nhà phát triển Piou Piou vs. Cactus cho biết.

Trong khi đó, Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird lại hoàn toàn không được nhắc đến.

Hiện tại, dự án Flappy Bird làm lại đang nhận phải nhiều nghi vấn từ cộng đồng. Đội ngũ phát triển không nêu rõ được cách họ lấy được bản quyền của trò chơi, khi không được chấp thuận bởi Nguyễn Hà Đông. Mặt khác, Flappy Bird Foundation lại làm việc với Piou Piou vs. Cactus chứ không phải studio gốc.

Sau khi Flappy Bird biến mất hồi 2014, các bản sao chất lượng thấp của nó bắt đầu tràn ngập các cửa hàng ứng dụng. Trong khi những tổ chức khác tìm cách mua lại bản quyền nhãn hiệu trò chơi. Theo The Verge, Nguyễn Hà Đông có ý định đem tựa game trở lại, nhưng quy tắc từ Apple trên App Store ngăn cản kế hoạch.

Cụ thể, nhà phát triển sẽ mất quyền sở hữu tên ứng dụng khi họ xóa nó. Đồng thời, việc khởi chạy lại là bất khả thi khi một đơn vị khác đang dùng nhãn hiệu đó.

Thời kỳ đỉnh cao, Flappy Bird là app được tải nhiều nhất thế giới, dẫn đầu ở 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu download. The Verge ước tính với thành tích này, Nguyễn Hà Đông có thể thu về khoảng 50.000 USD mỗi ngày chỉ từ quảng cáo. Thành công của trò chơi đến từ hiệu ứng lan truyền ở Internet, được đưa lên video của nhiều YouTuber nổi tiếng như PewDiepie, cùng cách chơi “gây nghiện”.

Đến tháng 2/2014, sau thời gian dài chịu đựng sự nổi tiếng quá nhanh, cùng áp lực từ những tác hại của trò chơi, Nguyễn Hà Đông thông báo gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng. “Có thể gọi Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Vậy nên giờ tôi ghét nó”, ông Đông viết trên Twitter (giờ là X).

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguyen-ha-dong-len-tieng-sau-7-nam-post1498147.html
Zalo