Nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk và 15 thuộc cấp hầu tòa
Nguyên giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Doãn Hữu Long và 15 nguyên cán bộ, nhân viên ngành y tế đã sai phạm trong đấu thầu thuốc, gây thiệt hại tổng cộng hơn 5,7 tỷ đồng.
Ngày 21/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo, nhân viên ngành y tế tỉnh Đắk Lắk liên quan đến các sai phạm đấu thầu thuốc xảy ra trong giai đoạn 2014-2015 ở địa phương này.
Theo đó, các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Hữu Huyên (SN 1965, Trưởng phòng Kế hoạch-nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Đình Diệm (SN 1969, Phó phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk); Cao Thị Ninh (SN 1967, Phó trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Xuân Hải (SN 1969, nguyên nhân viên Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk), các bị cáo này cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 BLHS năm 2015.
Các bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 gồm: Doãn Hữu Long (SN 1961, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Đình Quân (SN 1975, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Hữu Thông (SN 1960, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk); Lê Thị Thanh Bình (SN 1969, Trưởng Khoa dược, Bệnh viện đa khoa huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Sỹ (SN 1965, kế toán Bệnh viện đa khoa huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk); Tô Thị Hà (SN 1962, nguyên kế toán Bệnh viện đa khoa huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); Lê Na Tơr (SN 1986, Phó trưởng Khoa Dược Trung tâm Y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); Võ Văn Hiến (SN 1969, Trưởng Khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk); Trần Việt Hùng (SN 1982, Phó Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Thị Huyền (SN 1983, kế toán Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Thị Trang (SN 1978, Trưởng Khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) và bị cáo Mai Xuân Vinh (SN 1985, cán bộ Khoa Dược Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên).
Tại phiên tòa sáng nay, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để triệu tập các công ty thẩm định giá, cán bộ điều tra... để làm rõ thêm một số nội dung của vụ án tại phiên tòa.
Một số luật sư khác đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ một số vấn đề. Trước đề nghị trên, HĐXX đã tiến hành hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Trước khi phiên tòa diễn ra, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá một cách khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk: thời điểm xảy ra vụ án đấu thầu thuốc vào năm 2014, có nhiều nguyên nhân khách quan như lần đầu tiên tổ chức đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, các cá nhân tham gia công tác đấu thầu đa số là các công chức, viên chức có trình độ chuyên môn y, dược... nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu thầu, chưa có kinh nghiệm về đấu thầu mua sắm thuốc.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, việc chưa ban hành kịp thời các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền về việc xác định nhóm thuốc tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu gây khó khăn, vướng mắc cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc xác định nhóm thuốc theo phạm vi chứng nhận GMP và dạng bào chế được ghi trên giấy phép lưu hành của sản phẩm. Do đó, việc xác định sai nhóm thuốc đối với 14 mặt hàng sai nhóm của các cá nhân khi tham gia chấm thầu là do lỗi nhận định khách quan.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, sai sót do lỗi nhận định khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xảy ra ở phần lớn các Sở Y tế trên cả nước tại thời điểm đó. Hầu hết Sở Y tế các tỉnh, thành đều phê duyệt kết quả trúng thầu sai nhóm đối với 14 mặt hàng thuốc này như Sở Y tế Đắk Lắk. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng liệt kê danh sách hàng chục tỉnh, thành để dẫn chứng.
Ngày 20/9, Viện Kiểm sát nhân dân Đắk Lắk cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 16 bị can đều nguyên là cán bộ, lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế tỉnh này vì có liên quan đến các sai phạm trong đấu thầu thuốc xảy ra tại giai đoạn 2014-2015. Theo cáo trạng, ngày 19/6/2014, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có tờ trình 166/TTr-SYT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch đầu thầu thuốc năm 2014-2015.
Kèm theo tờ trình nói trên là danh mục gói thầu thuốc theo tên Generic năm 2014 – 2015, trong đó các loại thuốc để tên theo hoạt chất gồm: Calcium gluconolactat+Calcium carbonat 0,3g+2,94g, Cefuroxim 125mg, Meloxicam 15ml, Paracetamol 80mg, Paracetamol 250mg, xếp thuốc nhóm 2; Paracetamol 150mg, Vitamin C 1000mg xếp thuốc nhóm 2 và nhóm 3.
Trên cơ sở tờ trình, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 do Sở Y tế làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 517,9 tỷ đồng.
Để tiến hành hoạt động đấu thầu thuốc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định phân công ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk làm Chủ tịch Hội đồng.
Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã thành lập, phân công ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu và ông Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ Y, Sở Y tế làm Tổ trưởng Tổ Thẩm định đấu thầu. Trong quá trình đấu thầu, Giám đốc Sở Y tế ban hành quyết định thành lập tổ giúp việc cho chủ đầu tư gồm 13 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hữu Huyên là Tổ trưởng, ông Nguyễn Đình Quân là Tổ phó.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều sai phạm.
Cụ thể, từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2015, Nguyễn Hữu Huyên, Cao Thị Ninh (Phó trưởng phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Xuân Hải (nhân viên Phòng Nghiệp vụ Y dược), Nguyễn Đình Diệm (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y dược, cùng thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, thực hiện việc chuyển nhóm mặt hàng thuốc không đúng với nhu cầu sử dụng theo báo cáo của các đơn vị và không đúng quy định về phân nhóm thuốc.
Ngoài ra, các bị can nói trên đã thực hiện chấm thầu không đúng trình tự các bước quy định trong hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt (không thực hiện xét điều kiện tiên quyết về mặt hàng dự thầu) đối với Gói thầu thuốc theo tên Generic. Gây hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng do việc lập kế hoạch đấu thầu, xét duyệt trúng thầu 7 mặt hàng thuốc của nhà thầu sai nhóm (từ nhóm 3 thành nhóm 2, gây ra chênh lệch chi phí giá thuốc cao hơn).
Cùng với đó, 7 mặt hàng Elaria, Medozopen 500mg, Surate gel, Bio- Cerin, Troynoxa, Aclav và Maxocef 200, được kết luận phê duyệt trúng thầu sai nhóm thuốc (thuốc thuộc nhóm 5 được phê duyệt trúng thầu nhóm 1 và 2) gây hậu quả thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 3,9 tỷ đồng (là số tiền chênh lệch giữa giá trị thuốc trúng thầu thuộc nhóm 1 và 2 với thuốc đấu thầu thuộc nhóm 5).
Tổng thiệt hại do xét duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng được xác định là hơn 5,7 tỷ đồng.