Nguyên Bình 'oằn mình' chống bão lũ
Nguyên Bình là địa phương của tỉnh Cao Bằng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 3 (bão Yagi). Những ngày qua là những đêm không ngủ của hàng nghìn người dân lo chạy bão lũ, sạt lở đất. Đối với nhiều người, đây là trận lũ kinh hoàng nhất họ từng trải qua trong đời khi nước lũ dâng lên theo từng phút; sạt lở đất, đá xảy ra liên tục khiến nhiều người thương vong; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng; nhiều ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, hư hỏng nặng.
Đêm 8/9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại huyện Nguyên Bình xảy ra mưa to và rất to, gió lốc gây sạt lở đất đá, vùi lấp, hư hỏng nhà ở; cuốn trôi nhà ở và gây thiệt hại lớn về người, tài sản và hoa màu của nhân dân. Mưa to kèm gió lốc làm gãy đổ và ngập úng khoảng 27,15 ha hoa màu, 104,595 ha lúa, 5 ha mía; cuốn trôi 11 ao cá. Nhà văn hóa xóm Thương Thác, xã Tam Kim sạt lở taluy âm, trạm y tế xã sạt lở taluy dương hiện nay đang sạt lở thêm. Kè bờ sông xóm Bản Nùng, xã Thể Dục đoạn mới xây bị gãy và sụt dài khoảng 30 - 40m. Trên địa bàn huyện có 5 xã mất điện hoàn toàn gồm: Yên Lạc, Ca Thành, Thành Công, Mai Long, Triệu Nguyên và một phần của thị trấn Tĩnh Túc, ngành điện đang nỗ lực khắc phục. Đã có 2 vị trí cột điện 35KV đổ và 6 cột đường dây hạ thế bị hư hỏng. Thiên tai làm giao thông bị ách tắc nghiêm trọng, có trên 10 điểm sạt lở các tuyến đường Quốc lộ 34 và các tuyến đường tỉnh lộ và đường liên xóm, một số điểm gây tắc đường xe ô tô không lưu thông được. Sạt lở 14 điểm của 12 tuyến đường với khối lượng khoảng 1.615 m3 trên các tuyến đường liên xóm tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đến giờ, chị Lộc Thị Biên, ở xóm Bản Nùng, xã Thể Dục vẫn chưa hết bàng hoàng về mức độ thiên tai. Trận cuồng phong ập tới khiến phần kè bờ sông bị sạt lở làm một phần móng của ngôi nhà không còn kiên cố, toàn bộ đàn gia cầm và một số tài sản của gia đình đều trôi theo dòng nước lũ. Trong lúc gió thét, mưa gào, mình chị không thể nào xoay xở. Sau đó không lâu, chính quyền đã huy động các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thực hiện các biện pháp ứng cứu, giúp đỡ. Chị Biên chia sẻ: 20 năm nay tôi lại được chứng kiến trận lũ lịch sử thế này, hiện gia đình được chính quyền địa phương bố trí ở tạm tại trụ sở UBND xã. Cảm ơn các cấp chính quyền, người dân trong xóm đã quan tâm giúp đỡ gia đình lúc hoạn nạn, hiện tại ngôi nhà của gia đình không còn an toàn, mong muốn được hỗ trợ để gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Đau thương hơn khi sáng 9/9, tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, sạt lở đất đẩy 3 xe ô tô (1 xe không có người), 10 xe mô tô xuống vực, suối, hiện các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ. Tính đến 11 giờ ngày 11/9, trên địa bàn huyện Nguyên Bình đã ghi nhận 33 người chết, 15 người bị thương, 19 người mất tích. Từ ngày 8 - 10/9, trên địa bàn huyện theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 66 hộ dân bị tốc mái, sạt lở đất, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại về nhà cửa, trong đó, 23 hộ bị thiệt hại hoàn toàn, 50 hộ bị thiệt hại một phần, 51 hộ, 422 nhân khẩu phải sơ tán khẩn cấp.
Là một trong những nạn nhân thoát chết khỏi vụ sạt lở kinh hoàng tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, anh Đặng Tòn San hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh San nghẹn ngào chia sẻ: Vụ sạt lở gia đình anh có 5 người thiệt mạng, hiện đã tìm thấy 4 thi thể, chỉ còn lại duy nhất một mình anh cùng ngôi nhà đã bị đổ sập, vùi lấp hoàn toàn. Trước nỗi đau xót khi các thành viên trong gia đình thiệt mạng, hiện chưa tìm được con gái 13 tuổi, anh San khóc nấc kể: Rạng sáng 9/9, trời đang mưa rất to, tôi và gia đình đang ở trong nhà thì một khối lượng đất đá rất lớn đổ ập xuống nhà, tôi chỉ kịp hô mọi người trong nhà chạy nhưng không kịp. Hy vọng các lực lượng chức năng sẽ sớm tìm được con gái tôi.
Chưa bao giờ người dân huyện Nguyên Bình phải trải qua thời điểm kinh hoàng, chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra như hiện nay. Hầu hết tại các tuyến đường trên địa bàn huyện đều xảy ra sạt lở nặng nề. Vất vả nhất là lực lượng cứu hộ tiếp cận khu vực xảy ra tai nạn, trên các tuyến đường dẫn vào các điểm xảy ra tai nạn còn rất nhiều điểm sạt lở, nhiều thời điểm không thể tiếp cận hiện trường, không có sóng điện thoại để liên lạc.
Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết: Từ sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cấp thiết để ứng phó, khắc phục tình hình thiệt hại. Đồng thời, huy động 81 thành viên các cán bộ các phòng, ban, ngành đoàn thể huyện, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn huyện phối hợp với các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của tỉnh tham gia ứng cứu. Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện huy động 100% lượng trực để thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, lực lượng công an tham gia 100 người, huy động 15 xe ô tô, 40 xe mô tô các loại, 10 cưa lốc; lực lượng quân sự tham gia 145 người; lực lượng ứng cứu tại chỗ khoảng 275 người; huy động 18 máy xúc, 4 xe cứu thương. Chỉ đạo các lực lượng tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tuyến giao thông, cưa cắt cây đổ ra đường, tham gia phân luồng, điều tiết giao thông, cảnh báo khu vực sạt lở, ngập úng; công tác tìm kiếm những người mất tích đang tiếp tục được thực hiện.
Xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ hàng đầu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn đang được triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt, hy vọng những nạn nhân xấu số trong đợt mưa bão này sẽ sớm được đưa về gia đình. Và hơn lúc nào hết, người dân Nguyên Bình đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành và toàn xã hội.