Nguyễn Bỉnh Khiêm - tiếng cười chống xa hoa, lãng phí!
Với những đại văn hào gần dân, thương dân, vì dân, viết nhiều về dân, trong sáng tác của họ chữ 'dân' luôn được coi là 'từ khóa' cơ bản. Với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là đúng vậy. Ông có câu thơ chữ Hán (trong bài 'Tòng tây chinh') mang tính tố cáo lớn: 'Đảo huyền dân cửu li hung ngược' (Nhân dân từ lâu đã bị khốn khổ như bị treo ngược bởi bọn hung tàn).
Bọn hung tàn ấy là những kẻ cường quyền thống trị bóc lột. Trong bài thơ “Cảm hứng” ông vạch rõ chân dung những kẻ này: “Buông tuồng tàn độc, tranh nhau vơ vét/ Bạo ngược vô chừng, lại thêm roi vọt/ Bòn rút cả máu mỡ của dân/ Đau đớn thấu đến tận xương tủy dân”.
Sử còn ghi rõ, dưới thời Mạc Hiến Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi vua hạch tội 18 tên lộng thần. Không được chấp nhận, ông từ quan về quê làm nghề dạy học với hiệu Bạch Vân cư sĩ. Có lẽ bài “Tăng thử” (Ghét chuột) nổi tiếng ra đời sau sự kiện này. Ví bọn quan tham như loài chuột lớn, ông lên tiếng phải trị bằng được bọn này để những cây lúa dân lành yên ổn mà kết hạt nuôi người.
Thương dân nghèo, nhà thơ rất ghét loại người hám danh hám lợi, sống trong xa hoa giàu có, vô cảm, tàn nhẫn. Trong “Trung Tân quán bi ký”, bọn này hiện lên thật đáng khinh: “Ở triều thì tranh danh, ở chợ thì tranh lợi. Khoe sự sang quý của mình thì cửa nhà ấm áp, khoe sự giàu có của mình thì lầu tạ múa ca. Thấy người chết đói trên đường thì sẻn tiếc một đồng không giúp đỡ, thấy người ngủ đêm ngoài sương thì không chét cỏ đậy che”.
Dưới cái nhìn nhân đạo ấy, kẻ giàu có mà xa hoa, coi rẻ thành quả lao động của nông dân, khinh thường đồng loại thường mang tính cách hiếu thắng, hèn nhát: “Vì ăn thịt coi thường rau lê hoắc/ Ở của công hầu khinh kẻ mái gianh/ Nhà giàu trăm thứ phải tính toán/ Nhưng việc trị nước thì đáng cười, chẳng biết gì/ Hiếu thắng nên mê muội/ Kiêu căng nên chí cùn/ Khi nói giặc kéo đến/ Hèn yếu đã toan chạy trước/ Bỏ trốn nơi cỏ hoang” (Cảm thời).
Đứng trên quan điểm người dân lao động nghèo, nhà thơ lên án những kẻ sống trong nhung lụa không biết đến nỗi cảnh dân nghèo thống khổ: “Lóa mắt gấm phủ quanh nhà/ Nặng bước chân vì ngọc trang sức trên giày/ Đồ dùng toàn ngọc ngà/ Rèm màn the nõn sặc sỡ/ Cung đỏ bắn bằng đạn vàng/… Nước mía nấu với thịt giải/ Sữa người cho lợn dê uống/ Một cá diếc cá chép vàng làm gỏi…” (Cảm hứng). Một sự vô cảm đến tàn nhẫn của những kẻ ít tính người!
Thời Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, đồng tiền và danh lợi đã bắt đầu có sức mạnh chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ xã hội: “Giàu sang người trọng, khó ai nhìn/ …Thuở khó, dẫu chào, chào cũng lặng/ Khi giàu, chẳng hỏi, hỏi thì quen/ Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng/ Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền” (Bài 5, thơ Nôm). Ở đây là sự mỉa mai lối ứng xử trọng của cải xa lạ với lối trọng tình nghĩa của người Việt. Sự ăn chơi đua đòi quá đáng là biểu hiện của sự tha hóa nhân cách, sự xuống cấp đạo lý: “Đem ngàn vàng mua một tiếng cười/ Đem vạn tiền đổi một tiệc rượu/ Thâu đêm đánh đàn thổi sáo/ Cả ngày uống rượu đánh bạc/ Bị người sỉ nhục, phỉ nhổ vào mặt” (Hữu cảm).
Lên án những kẻ bất liêm, tham lam, phung phí, nhà thơ coi chúng như loài “Chích, Kiểu” bị thiên hạ rủa nguyền: “Lòng không đoái hoài liêm sỉ/ Há có thể nào tiết chế?/… Lòng buông thả phung phí/ Vì tham miếng mồi to/ Chú thỏ bị chim ưng vồ xé/ Tính không khác gì hổ báo/ Làm giống như trộm Chích, Kiểu/ Chẳng cứ ngày hay đêm/ Toàn làm việc ngạo ngược” (Hữu cảm).
Theo điển cố, hai tên trộm Chích và Kiều không chỉ là những tên trộm khét tiếng nước Tần và nước Sở, từng cầm đầu hàng ngàn thủ hạ chuyên đi ăn trộm, còn nổi tiếng gian ác, bất nhân “hàng ngày giết chóc, cắt gan người, ăn thịt người, tàn bạo phóng túng, tụ tập đồ đảng mấy ngàn đứa, hoành hành khắp nơi”. Điển này đi vào ngôn ngữ để có cụm ngữ cố định “phường trộm cắp” chỉ những kẻ trộm có tổ chức, tàn độc, bất nhân, bất nghĩa. Hiểu vậy càng thấy sức tố cáo của ý thơ hướng về những người có quyền mà tham nhũng, xa hoa chẳng khác gì “phường trộm cắp” đồng nghĩa với loài thú ăn thịt!
Những kẻ ăn chơi sa đọa, phung phí cũng thường là háo danh, bị nhà thơ mỉa mai trong “Nguyên đán ngẫu thành 2”: “Tề môn cổ sắt tiếu vương thông/ Sĩ chỉ tùy thì chước thử trung” (Gảy đàn sắt ở cửa nước Tề, cười thay không vào được cửa vua/ Giữ chữ “trung”, ra làm quan hay lui đều nên tùy thời). Mượn điển tích vua nước Tề thích nghe thổi sênh, có kẻ muốn làm quan bèn mang đàn cầm đến cửa cung gảy, ba năm liền vẫn không được vào hầu vua.
Câu chuyện chế giễu cay độc những kẻ hám danh đến mức ngu muội và bán rẻ danh dự của chính mình. Ngu ở chỗ nhà vua thích nghe sênh thì lại đem đàn cầm đến gảy. Bật ra một quy luật: sự hám danh sẽ làm tăm tối, lú lẫn những đầu óc vốn bình thường (biết chơi đàn cầm hẳn không phải kẻ ngu). Hám danh còn dẫn đến sự coi thường chính mình: đứng cửa cung (vua) chơi đàn tới ba năm. Không phải vấn đề kiên trì mà là sự trơ trẽn thảm hại. Còn toát lên một ý: nghệ thuật là địa hạt của sự vô tư trong sáng nhưng vẫn có thể là nơi để kẻ cơ hội lợi dụng (còn đúng với hôm nay?).
Gần dân, hiểu dân, thương dân, nặng tình nặng nghĩa với dân, tiếng cười Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là tiếng cười vì dân. Dễ hiểu nhà thơ cười cả thần thánh nếu thần thánh đó xa dân, quên dân. Một lần qua đền một vị thần ở Từ Liêm, nhà thơ viết bài “Quá Từ Liêm thần tử trách thần”: “Thông minh chính trực vị chi thần/ Để sự dung gian cánh hại dân” (Tai mắt sáng suốt lòng chính trực mới gọi là thần/ Cớ sao lại dung dưỡng kẻ gian làm hại dân).
Câu đầu là quan niệm thông thường: thần là biểu tượng cho sự thông minh chính trực. Nhưng những câu sau lại cho biết vị thần này lại “dung dưỡng kẻ gian làm hại dân”. Tiếng cười hướng tới hai đối tượng: Một là, những kẻ tham gian đang sống nhởn nhơ hưởng lạc trên sự đói khổ của dân đen. Hai là hướng đến những “thần” hại dân. Chống lại thần quyền, thời đó thực sự là dũng cảm vì đi ngược lại cả một quan niệm ăn sâu vào tâm lý dân gian. Thực ra cười “thần” là để cười những kẻ bóc lột tàn hại dân!
Thương dân, căm ghét sâu sắc những kẻ bóc lột dân mà hưởng sự phú quý ích kỷ, Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành tác gia lớn viết về nhiều đối tượng đáng cười đa dạng nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Nhà thơ cười Đường Minh Hoàng cũng là cười chung những kẻ đắm chìm trong tửu sắc: “Kham tiếu Đường hoàng mê quốc sắc/ Lan can túy ỷ bắc Trầm Hương” (Đáng cười vua Đường mê bậc quốc sắc/ Say tựa lan can phía bắc đình Trầm Hương” (Mẫu đơn thi). Vì quá si mê Quý Phi, vua Đường sai dựng đình Trầm Hương, cho trồng hoa mẫu đơn trước cửa, lại sai người mời Lý Bạch làm bài “từ” mới (tức bài "Thanh bình điệu").
Ở bài thơ khác (Lệ chi thi) nhà thơ lên án thói ích kỷ xa hoa của nhà vua mà gây hậu họa cho bao kẻ dân đen, Dương Quý Phi thích ăn quả vải phương Nam. Vua Đường bắt người phương Nam cống nạp: “Phỏng trân kham tiếu Đường thiên tử/ Dịch kỵ hồng trần vị ả nương” (Đáng cười cho vua Đường đi tìm hỏi vật quý khắp nơi/ Những con ngựa lấp bụi hồng chỉ vì một nàng yêu”. Vật cống phải tươi ngon nên người và ngựa phải chạy đêm ngày, tuy theo hình thức ngựa trạm nhưng không tránh khỏi sự quá sức dẫn tới mệt lả, chết đói, chết khát, chết mệt… Đằng sau tiếng cười đả kích mỉa mai ấy là sự cảm thông, là tình thương sâu sắc những số phận cố cùng.
Thời nào cũng vậy, trẻ em là tấm gương phản chiếu văn hóa gia đình. Thời Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, như là hậu quả của xã hội kim tiền nên đã có hiện tượng nhiều thanh niên chơi bời lêu lổng, không tu chí học tập, lao động. Nhà thơ lên tiếng cần sớm ngăn chặn, nếu không sẽ sa vào con đường trộm cướp: “Bề ngoài trang điểm mỹ miều/ Bên trong giấu bọc gian trá/ Đường đường con cái nhà/ Ngày ngày toàn chuyện đùa cợt/ Tụm nhau vui chơi buông tuồng/ Trăm ngón nghề chỉ thích trò hoang toàng ngang ngược” (Hữu cảm). Nhà giáo dục đưa ra triết lý sống tránh xa những kẻ“say sưa rượu chè”: “Ở đời cứng cổ nên ruồng rẫy/ Vì bạn say sưa bạn thốn thê” (Bài 145, thơ Nôm). Những kẻ “cứng cổ” xấu tính, thiếu sự giáo dục, không nghe lời tốt, nanh nọc nên rời bỏ. Cũng như vậy, những kẻ “say sưa” thì không làm chủ được mình, cũng chẳng nên chơi.
Thì ra, thời nào, sự xa hoa, lãng phí cũng đáng lên án, vì đi ngược lại đạo lý làm người là phải có trách nhiệm, sẻ chia với đồng loại.