Nguy kịch do nhiễm uốn ván sau khi lội nước bẩn

Thời gian gần đây, một số bệnh viện liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh uốn ván nặng đòi hỏi các phương pháp điều trị hồi sức tích cực do tiếp xúc với bùn đất bẩn sau mưa bão.

Theo đó, nam bệnh nhân N.V.M (56 tuổi, làm nghề nông ở Hải Dương) nhập viện ngày 27/9/2024 tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng cứng hàm, khó ăn, khó nuốt, không há được miệng, tăng trương lực cơ toàn thân, đau đầu, mệt mỏi.

Trước đó 1 tuần bệnh nhân có nhọt chín mé ở ngón chân cái nhưng chủ quan lội nước bẩn trong đợt mưa bão vừa qua nên vi khuẩn xâm nhập qua vết thương vào cơ thể.

Từ trước tới nay bệnh nhân chưa hề được tiêm phòng uốn ván. Sau hơn 1 tuần được theo dõi và điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển khả quan hơn.

Tuy không phải mở khí quản, thở máy nhưng vẫn còn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tử vong vì có thể xảy ra các biến chứng suy hô hấp, bội nhiễm trên cơ địa nhiều bệnh nền.

Bệnh nhân uốn ván đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Ảnh: BV Bạch Mai).

Bệnh nhân uốn ván đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Ảnh: BV Bạch Mai).

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua cũng tiếp nhận một số trường hợp uốn ván sau mùa mưa bão.

Điển hình, bệnh nhân N.V.K (52 tuổi, ở Hưng Yên) được chuyển tuyến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên với chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân sống tại địa bàn xã Quảng Châu, TP Hưng Yên bị ngập lụt cho bão Yagi.

Trong thời gian cùng những người dân tham gia xây đắp tường phòng lũ, ông bị viên gạch rơi vào chân nhưng xử lý, băng bó vết thương và không tiêm phòng uốn ván.

6 ngày sau, ông K. xuất hiện tình trạng khó há miệng tăng dần, khó nuốt, bụng cứng. Đến ngày 16/9/2024, ông K. vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên khám và điều trị bệnh với chẩn đoán mắc uốn ván.

Tuy nhiên tình trạng bệnh không thuyên giảm, đến ngày 23/9/2024, ông K. được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán mắc bệnh uốn ván trong tình trạng tăng trương lực cơ không kiểm soát, miệng cứng, chỉ há được 1,5cm.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh uốn ván là: Người nông dân, công nhân chưa được tiêm phòng uốn ván và tiếp xúc nhiều với đất, bùn, nước thải, môi trường chăn nuôi gia súc gia cầm...

Về điều trị uốn ván, bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp tại các cơ sở y tế có trung tâm hồi sức tích cực, cần được theo dõi thật sát sao tình trạng hô hấp và dùng thuốc an thần để khống chế cơ giật, cần nhanh chóng xử lý vết thương, kháng huyết thanh trung hòa độc tố, giảm tối đa biến chứng, dùng kháng sinh phổ rộng chống bội nhiễm, hỗ trợ thở máy, chăm sóc dinh dưỡng.....

H.P

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/nguy-kich-do-nhiem-uon-van-sau-khi-loi-nuoc-ban-166099.html
Zalo