Nguy hiểm từ rượu không rõ nguồn gốc

Hiện nay nếu có nhu cầu, khách hàng có thể dễ dàng mua được các loại rượu, từ rượu trắng đến các loại rượu màu như rượu sim, rượu ba kích... tại các cửa hàng tạp hóa, các quán ăn...

Người bán luôn quảng cáo đó là “rượu quê” hoặc được sản xuất từ các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng, tuy nhiên, thực tế những loại rượu này thuộc diện “hai không” (không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng). Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, các loại rượu không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là rượu pha từ cồn công nghiệp thường chứa methanol. Đây là hóa chất có độc tính cao, ở hàm lượng thấp có thể gây mờ, mù mắt, tổn thương thần kinh, hàm lượng cao sẽ khiến người uống rượu ngộ độc, tử vong.

Các bệnh nhân ngộ độc Methanol được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: TTXVN

Các bệnh nhân ngộ độc Methanol được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: TTXVN

Thói quen lạm dụng rượu, bia của không ít người, cộng với việc mua bán rượu ở các quán ăn, cửa hàng tạp hóa gần như bị thả nổi, ai cũng có thể dễ dàng mua rượu khiến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng diễn biến phức tạp. Đầu tháng 8 vừa qua, một nhóm sinh viên ở TP Hồ Chí Minh sau khi uống rượu không rõ nguồn gốc đã bị ngộ độc khiến 2 người tử vong, 6 trường hợp nguy kịch là một ví dụ điển hình về thực trạng này. Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc rượu, trước hết mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, chỉ sử dụng các sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, phụ gia, hóa chất không được phép, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu... Đặc biệt, cần siết chặt quản lý thị trường rượu, bao gồm rượu do người dân tự nấu, tự pha chế. Ngày 14-3-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng quy định chặt chẽ về việc quản lý kinh doanh rượu. Chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần loại bỏ rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng khỏi thị trường.

VIỆT PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nguy-hiem-tu-ruou-khong-ro-nguon-goc-703237
Zalo