Nguy hiểm rình rập tại nhiều tuyến đường ở Thanh Hóa sau mưa lũ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, hàng chục điểm sạt lở tại các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn trong việc đi lại, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Những ngày qua, người dân di chuyển qua một số huyện Mường Lát, Quan Hóa... gặp nhiều khó khăn khi lưu thông trên các khu vực bị sạt lở. Một số nơi bùn đất tràn ra lòng đường khiến các phương tiện lưu thông bị trơn trượt, gây mất an toàn giao thông, bùn đất theo bánh xe gây mất vệ sinh môi trường.

Quốc lộ 16 từ Vạn Mai (tỉnh Hòa Bình) lên Mường Lát có nhiều điểm sạt lở chưa được xử lý. Bùn, đất đá tràn ra nửa mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông. Đặc biệt là đối với những phương tiện lưu thông vào ban đêm.

Các điểm sụt lún trên tuyến đường chậm được xử lý.

Các điểm sụt lún trên tuyến đường chậm được xử lý.

Anh Nguyễn Văn Hùng chuyên chạy xe tải từ TP Thanh Hóa lên huyện Mường Lát cho biết, trên tuyến đường này còn nhiều điểm sạt lở chưa được khắc phục. "Một số điểm sạt lở ngổn ngang đất đá, không có đèn cảnh báo, lái xe rất khó xử lý khi đổ đèo. Đặc biệt vào ban đêm càng khó biết để giảm tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Một số điểm có nguy cơ sạt lở tiếp nếu gặp thời tiết xấu", anh Hùng nói.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho thấy, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và đợt không khí lạnh làm sạt lở, gây ách tắc giao thông gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Nhiều điểm sạt lở chưa được xử lý, gây khó khăn khi lưu thông qua.

Nhiều điểm sạt lở chưa được xử lý, gây khó khăn khi lưu thông qua.

Trên tuyến Quốc lộ 15 có 10 vị trí bị sạt lở, khối lượng khoảng 4.100m3. Hiện vẫn còn 2 vị trí tại Km35+950, Km39+580 địa phận thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đất đá còn chiếm dụng phần lớn phần đường.

Tại Quốc lộ 15C, sạt lở tại 140 vị trí, khối lượng khoảng 46.481m3. Theo thống kê, hiện còn lại 4 vị trí qua địa bàn huyện Mường Lát cần được xử lý đưa đất ra khỏi lòng, lề đường.

Mưa bão làm Quốc lộ 47 sạt lở tại 7 vị trí, khối lượng khoảng 2.047m3. Đây là tuyến huyết mạch nên được cơ quan chức năng xử lý khẩn trương. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập mặt đường một số vị trí trên các tuyến quốc lộ, gây tắc đường.

Hiện tại, các tuyến tỉnh lộ vẫn còn các điểm sạt lở. Cơ quan chức năng cắm biển, căng dây cảnh báo nguy hiểm.

Nhiều tảng đá mồ côi lăn xuống đường vào mùa mưa lũ.

Nhiều tảng đá mồ côi lăn xuống đường vào mùa mưa lũ.

Tại các vị trí sạt lở, sụt lún đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, hốt sa bồi, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu... Tổ chức thông báo rộng rãi cho người dân, các phương tiện được biết các điểm sạt. Tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

Do nguồn kinh phí có hạn, nhiều vị trí và số lượng đất, đá sạt lở, sụt lớn chưa thể xử lý kịp. Quy trình, thủ tục cho việc báo cáo, lập hồ sơ, đánh giá mức độ, khảo sát, tư vấn, lập dự án kéo dài và phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-hiem-rinh-rap-tai-nhieu-tuyen-duong-o-thanh-hoa-sau-mua-lu-169241024122737663.htm
Zalo