Nguy hiểm rình rập khi đeo tai nghe chạy xe
Việc sử dụng tai nghe khi đang điều khiển xe máy không những gây mất tập trung, giảm sự chú ý mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.

Một tài xế xe ôm công nghệ sử dụng tai nghe trong khi đang dùng điện thoại (Ảnh minh họa)
Trên đường đi làm về, đang chờ đèn đỏ ở đoạn đường Đống Đa giao với Lý Thường Kiệt (quận Thuận Hóa), một thanh niên đi chiếc xe nhãn hiệu Sirius từ sau tiến đến dừng bên cạnh tôi. Nhìn qua, thấy chân chống xe của anh ta chưa gạt lên, tôi liền nhắc: “Gạt chân chống lên anh ơi”. Nhắc 2 - 3 lần như vậy nhưng anh ta không để ý đến lời của tôi.
Đèn vừa chuyển màu xanh, các phương tiện vừa di chuyển thì anh ta ngã sõng soài. Dắt xe giúp anh vào lề đường và hỏi thăm thì anh ta chỉ bị trầy xước ngoài da. Khi tôi nói, chân chống xe anh quên gạt lên, tôi đã nhắc 2 - 3 lần mà không thấy anh nói gì, thanh niên kia đáp: “Do em cắm cái tai phone vào nghe nhạc nên anh nói em không nghe gì cả”.
Tai nghe là thiết bị âm thanh phổ biến được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người (nhất là các shipper giao hàng và tài xế xe công nghệ) đeo tai nghe mọi lúc, mọi nơi, khi chạy xe máy tham gia giao thông trên đường. Mục đích chủ yếu là để nghe chỉ đường, nghe nhạc hoặc nghe điện thoại cho tiện. Nhưng việc này dẫn đến mất tập trung, giảm sự chú ý, khó nghe được tín hiệu giao thông từ phương tiện khác…
Chị Hòa, một người bạn sống ở chung cư Xuân Phú (quận Thuận Hóa) kể, mỗi ngày tại khu vực chị sống có rất đông shipper giao hàng và grap (xe ôm công nghệ) hoạt động. Dù khu chung cư có nhiều người già, trẻ em, nhưng họ vẫn chạy rất nhanh, mặt thì lúc nào cũng cúi chăm chăm vào cái điện thoại. Có hôm cho con chơi phía dưới chung cư, tôi chứng kiến một anh xe ôm công nghệ, tai thì cắm tai nghe, mặt nhìn vào điện thoại, miệng thì hỏi khách đứng vị trí nào… Đến ngay đoạn cua này có chiếc xe ô tô đi tới, bóp còi cảnh báo rồi mà anh ta vẫn không nghe thấy, thế là anh ta tông ngay vào trước đầu xe. May lúc đó chiếc ô tô đi chậm chứ không mức độ cú va chạm không dừng lại ở mức trầy xước.
“Dẫu biết đó là nghề mưu sinh của họ, nhưng tôi nghĩ bất cứ nghề gì cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tôi mong những người làm nghề giao hàng, hay những xe ôm công nghệ cần thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, chị Hòa nói thêm.
Hay như anh Hải, phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa chia sẻ: “Giờ mỗi khi tham gia giao thông, thấy ai mà vừa đi xe vừa cắm tai nghe là anh cảm thấy ám ảnh và khó chịu”.
Có hôm anh cùng gia đình về thăm quê, ô tô của anh đang di chuyển trên đường, lúc qua ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông, anh đã chủ động bấm còi cảnh báo, thế nhưng tự nhiên nghe cái “đùng”. Dừng lại thì thấy xe mình vừa đụng với xe máy của một nam thanh niên. Hỏi chuyện thì mới biết cậu thanh niên kia đang đeo tai phone nghe nhạc nên không nghe thấy tiếng còi xe của anh. May mắn, vụ va chạm không ảnh hưởng gì nhiều.
Những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do đi xe máy cắm tai nghe, thiếu chú ý quan sát xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, bản thân mỗi người khi tham gia giao thông cần ý thức điều này. Phía cơ quan chức năng cũng cần quan tâm xử lý đối với các trường hợp vi phạm.