Nguy cơ xung đột hạt nhân 'ngủ quên' giữa Ấn Độ và Pakistan trỗi dậy sau 6 năm

Ấn Độ và Pakistan đã tăng cường đáng kể năng lực quân sự kể từ sau cuộc đụng độ vào năm 2019, làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng, ngay cả trong những cuộc xung đột quy mô giới hạn, theo chuyên gia nhận định.

 Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ trong triển lãm hàng không "Aero India 2021" tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 3/2/2021. Ảnh: Reuters.

Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ trong triển lãm hàng không "Aero India 2021" tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 3/2/2021. Ảnh: Reuters.

Pakistan cho rằng Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch quân sự sau khi New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau vụ tấn công khiến nhiều du khách thiệt mạng ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng trước. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ trừng phạt những kẻ đứng sau vụ tấn công "vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng".

Pakistan phủ nhận liên quan đến vụ tấn công nhưng cảnh báo sẽ đáp trả nếu bị tấn công trước.

Năm 2019, Ấn Độ tiến hành không kích bên trong lãnh thổ Pakistan sau vụ đánh bom đoàn xe quân sự tại Kashmir và tuyên bố đã phá hủy các "trại khủng bố". Không quân Pakistan sau đó đáp trả bằng một cuộc không kích và bắn rơi một máy bay chiến đấu của Ấn Độ trong chuỗi hành động kéo dài hai ngày.

Hai quốc gia láng giềng này đã trải qua ba cuộc chiến tranh vào các năm 1948, 1965 và 1971, và thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ kể từ khi giành độc lập, chủ yếu liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Kashmir – khu vực mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Sau khi cùng sở hữu vũ khí hạt nhân vào những năm 1990, Kashmir được đánh giá là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới.

Các chuyên gia quân sự nhận định cả hai bên khó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị dồn vào đường cùng, tuy nhiên ngay cả một cuộc xung đột giới hạn cũng tiềm ẩn nguy cơ leo thang rất cao.

Họ cho rằng nếu xung đột xảy ra, nó sẽ chủ yếu diễn ra trên không với sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc UAV – những lĩnh vực mà Ấn Độ và Pakistan có tương quan lực lượng tương đối cân bằng. Tuy nhiên, về lâu dài, lợi thế tài nguyên vượt trội của Ấn Độ có thể phát huy tác dụng.

"Giới lãnh đạo của cả hai quốc gia hiện nay sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn khi quyết định khơi mào hoặc leo thang xung đột so với thời điểm trước năm 2019", Frank O'Donnell, chuyên gia thuộc Trung tâm Stimson ở Washington nhận định. Ông cho rằng việc hai bên từng đụng độ mà không sử dụng vũ khí hạt nhân đã tạo ra một tiền lệ.

“Tuy nhiên, rủi ro leo thang vô tình vẫn hiện hữu nếu hai bên không đạt được sự hiểu biết chung rõ ràng về những hành động có thể vượt ngưỡng chịu đựng”, ông nói thêm.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2019, cả hai bên đã tăng cường trang bị quân sự, mở rộng các lựa chọn tấn công thông thường.

"Mỗi bên đều cho rằng mình đang ở vị thế tốt hơn so với lần trước", Muhammad Faisal, nhà nghiên cứu an ninh Nam Á tại Đại học Công nghệ Sydney nhận định. "Chỉ khi có chiến sự thực sự nổ ra, chúng ta mới biết được thực tế".

Cụ thể, Ấn Độ cho rằng họ đã bị thiệt thòi trong năm 2019 do phụ thuộc chủ yếu vào các máy bay chiến đấu cũ của Nga. Sau đó, nước này đã tiếp nhận 36 tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất – một trong những dòng máy bay chiến đấu hiện đại nhất phương Tây, và tiếp tục đặt hàng cho hải quân.

Để đối phó, Pakistan từ năm 2022 đã tiếp nhận tiêm kích J-10 của Trung Quốc – được đánh giá là đối trọng với Rafale – với ít nhất 20 chiếc, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London.

Cả hai dòng máy bay đều sở hữu khả năng chiến đấu tiên tiến. Rafale của Ấn Độ được trang bị tên lửa không đối không Meteor tầm xa ngoài tầm nhìn, trong khi J-10 của Pakistan sử dụng tên lửa PL-15 có tính năng tương đương, theo một quan chức an ninh Pakistan giấu tên.

Nhằm khắc phục điểm yếu trong hệ thống phòng không từng bộc lộ năm 2019, Ấn Độ đã mua hệ thống tên lửa phòng không cơ động S-400 của Nga – từng được thử nghiệm thực chiến. Pakistan lựa chọn hệ thống HQ-9 do Trung Quốc sản xuất, được phát triển dựa trên S-300 của Nga.

 Người dân chụp ảnh khi máy bay phản lực của Không quân Pakistan (PAF) biểu diễn để kỷ niệm 'Chiến dịch Swift Retort' sau vụ bắn hạ máy bay quân sự Ấn Độ vào ngày 27/2/2019. Ảnh: Reuters.

Người dân chụp ảnh khi máy bay phản lực của Không quân Pakistan (PAF) biểu diễn để kỷ niệm 'Chiến dịch Swift Retort' sau vụ bắn hạ máy bay quân sự Ấn Độ vào ngày 27/2/2019. Ảnh: Reuters.

Hai bên sẵn sàng hành động

"Chắc chắn ở một số khía cạnh, chúng tôi hiện nay mạnh hơn năm 2019", Anil Golani, cựu phó tư lệnh không quân Ấn Độ, hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức mạnh Không quân tại Delhi cho biết.

"Dư luận trong nước đang hối thúc hành động, nhưng theo đánh giá cá nhân tôi, cả Ấn Độ và Pakistan đều không muốn một cuộc chiến toàn diện", ông nói thêm.

Bóng dáng của Trung Quốc – đối thủ chiến lược của Ấn Độ và là đồng minh thân cận kiêm nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan – cũng phủ bóng lên bất kỳ cuộc xung đột nào. Mỹ đã kêu gọi hai nước giảm căng thẳng, đồng thời theo dõi sát diễn biến để đánh giá sức mạnh không quân của Trung Quốc.

Dòng tiêm kích J-10 và tên lửa PL-15 của Trung Quốc chưa từng được thử nghiệm thực chiến.

"Đây có thể là cuộc đối đầu giữa công nghệ phương Tây và công nghệ Trung Quốc", ông Faisal nhận định, đồng thời cho biết Ấn Độ đang đối mặt với bài toán chia lực lượng không quân giữa mặt trận Pakistan và biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ từng xảy ra xung đột biên giới năm 1962 và mới đây nhất là các vụ đụng độ năm 2022 tại vùng núi Himalaya.

Pakistan vẫn sở hữu phi đội F-16 do Mỹ sản xuất từ thời quan hệ hai nước còn gắn bó. F-16 từng được triển khai trong cuộc đối đầu năm 2019, khiến Ấn Độ phản đối với Washington, dù hiện nay New Delhi có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

Để tránh những hệ lụy chính trị và tận dụng ưu thế công nghệ mới, các chuyên gia nhận định lần này Pakistan nhiều khả năng sẽ sử dụng tiêm kích J-10 làm mũi nhọn.

Tuy nhiên, kịch bản tấn công bằng UAV hoặc tên lửa mặt đất được đánh giá là khả thi hơn, vì ít rủi ro hơn so với việc phi công bị bắn rơi.

Ấn Độ đã mua UAV Heron Mark 2 của Israel – loại có khả năng chiến đấu – và đang đặt hàng Predator của Mỹ. Trong khi đó, Pakistan đã mua Bayraktar TB2 và Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ – những dòng UAV được Ukraine sử dụng trong cuộc chiến với Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng, Pakistan hôm thứ Bảy tuần trước đã thử tên lửa đạn đạo đất đối đất với tầm bắn 450 km, nhằm thể hiện lực lượng sẵn sàng bảo vệ an ninh quốc gia trước mọi hành động gây hấn, theo tuyên bố từ quân đội nước này. Pakistan cũng sở hữu nhiều loại tên lửa tầm ngắn và trung bình, có thể được phóng từ đất liền, biển hoặc không trung.

Phía Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về vụ thử này. Năng lực tên lửa của Ấn Độ bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos với tầm bắn khoảng 300 km và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dòng Agni.

Cuộc đụng độ năm 2019 suýt vượt khỏi tầm kiểm soát, khi hai bên đe dọa tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa trước khi Mỹ can thiệp và hạ nhiệt căng thẳng.

Kaiser Tufail, cựu phi công tiêm kích của không quân Pakistan, nhận định Ấn Độ chưa đạt được hiệu ứng răn đe vào năm 2019, nên sẽ tìm cách thực hiện đòn tấn công mạnh mẽ hơn nếu có xung đột lần nữa – điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Sau cuộc đối đầu năm 2019, Thủ tướng Modi từng phát biểu rằng Ấn Độ đã thiếu các tiêm kích Rafale khi đó, và kết quả có thể đã khác nếu có loại máy bay này trong biên chế.

"Nếu vượt qua ngưỡng mà chúng ta từng chứng kiến năm 2019, thì cực kỳ nguy hiểm", ông Tufail cảnh báo. "Việc hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đụng độ trực tiếp là điều không thể xem nhẹ".

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nguy-co-xung-dot-hat-nhan-ngu-quen-giua-an-do-va-pakistan-troi-day-sau-6-nam-post185238.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo