Nguy cơ từ tự phát buôn bán, gây nuôi các loài động vật ngoại lai

Gần đây, một số loài động vật hoang dã ngoại lai được quảng cáo, buôn bán công khai trên thị trường và mạng xã hội, tiềm ẩn các hệ lụy nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học của nước ta.

Vẻ ngoài bắt mắt của Rồng đất Nam Mỹ là một trong các lý do khiến loài ngoại lai này thu hút người mua - bán ở Việt Nam. Ảnh: ENV

Vẻ ngoài bắt mắt của Rồng đất Nam Mỹ là một trong các lý do khiến loài ngoại lai này thu hút người mua - bán ở Việt Nam. Ảnh: ENV

“Loài rồng Nam Mỹ rực lửa”; “Dân chơi mê mẩn săn lùng”; “Nuôi rồng Nam Mỹ thu 5 triệu đồng mỗi ngày”; “Trào lưu nuôi rùa tai đỏ”…. - Nhan nhản trên mạng xã hội và nhiều hội nhóm, là những thông tin thu hút người quan tâm tới mua bán, nuôi kinh doanh các loài động vật hoang dã ngoại lai. Trên thị trường, cũng có những “sạp di động” bày bán những vật nuôi có hình dáng bắt mắt này.

Dù có vẻ ngoài thu hút và được nhiều “dân chơi” tự hào sưu tập, nhưng hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam là rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ lại nằm trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, rùa tai đỏ được biết đến là một trong những loài xâm hại nhất trên thế giới. Còn rồng đất Nam Mỹ cũng là một loài đáng quan ngại khác khi quần thể rồng đất Nam Mỹ đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài này.

Ngày 17/12/2024, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát đi cảnh báo: Một trong những quan ngại chính với hoạt động buôn bán loài ngoại lai là khả năng hình thành quần thể tự nhiên khi chúng bị thả ra môi trường hoặc trốn thoát. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của các loài bản địa khi chúng cạnh tranh với loài bản địa về nguồn thức ăn, môi trường sống và từ đó phá vỡ cấu trúc cũng như sự cân bằng hệ sinh thái. ENV đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã ngoại lai tại Việt Nam thời gian vừa qua. “Để thị trường buôn bán các loài ĐVHD không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam tồn tại thiếu kiểm soát như hiện nay có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học của đất nước”- Thông báo này nhấn mạnh.

Chỉ tính riêng từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2024, từ thông tin của người dân, ENV đã ghi nhận 471 vụ với 1.759 vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo, buôn bán 45.307 động vật hoang dã ngoại lai. Các loài ngoại lai thường bị buôn bán phổ biến bao gồm: Rùa sul-ca-ta, rùa tai đỏ, thằn lằn, rắn, các loài thú nhỏ và vẹt. Hầu hết các loài này bị nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi không được cấp phép và những người chuyên “chơi” sinh vật cảnh.

Theo dữ liệu của ENV, bò sát chiếm 82% số động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép, với 37.048 cá thể rùa, rắn và thằn lằn ngoại lai bị rao bán. Tỷ lệ này với các loài chim là 9% và các loài thú nhỏ khác chiếm khoảng 4% tổng số động vật ngoại lai bị buôn bán.

Vừa qua, đã có ít nhất một cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép nuôi thương mại rồng đất Nam Mỹ, mặc dù các Cơ quan khoa học CITES Việt Nam chưa xác nhận việc gây nuôi loài này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến các loài bản địa.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, trong một vụ việc mới đây, thay vì chuyển giao 80 cá thể rồng đất Nam Mỹ và 9 cá thể thằn lằn te-gu bị tịch thu đến trung tâm cứu hộ hoặc vườn động vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bán đấu giá những cá thể này cho chính đối tượng bị phát hiện buôn lậu chúng. Hiện đối tượng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký mã số cơ sở nuôi.

Một số hành động trên của các cơ quan chức năng đang phản ánh những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh tình trạng buôn bán trái phép các loài ngoại lai đang gia tăng nhanh chóng. Thiếu các quy định rõ ràng và hệ thống quản lý hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng nhanh chóng của thị trường buôn bán sinh vật cảnh ngoại lai và các cơ sở gây nuôi thương mại những loài này là những vấn đề cấp thiết cần phải xử lý.

“Việc cho phép hoạt động buôn bán và gây nuôi thương mại các loài ngoại lai mà thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ tạo tiền lệ không tốt và gây nhiều khó khăn cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng,” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết.

Rùa tai đỏ là hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam. Ảnh: ENV

Rùa tai đỏ là hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam. Ảnh: ENV

Bà Hà cũng cho rằng việc kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép loài ngoại lai là rất quan trọng nhằm loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã như AIDS, SARS, cúm A/H5N1, Ebola, bệnh dại và nhiều khả năng là COVID-19.

“Những nguy cơ và rủi ro này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc tăng cường công tác quản lý và giám sát để kiểm soát hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang gia tăng “chóng mặt” ở Việt Nam ngay khi hoạt động này vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát. Không ai mong muốn tình trạng này sẽ ngày càng phát triển và trở thành một cuộc khủng hoảng đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết các tác động của chúng đến đa dạng sinh học, rủi ro đối với sức khỏe con người và sự an toàn của các loài nguy cấp trên toàn cầu.” bà Hà kết luận.

ENV kêu gọi người dân không buôn bán, vận chuyển hoặc nuôi nhốt các loài ĐVHD ngoại lai không có nguồn gốc hợp pháp để ngăn chặn các tác động tiêu cực của hoạt động này đến hệ sinh thái, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và tránh những rủi ro pháp lý đáng tiếc. Đồng thời, người dân hãy thông báo các vi phạm về ĐVHD đến cơ quan chức năng địa phương hoặc Đường dây nóng miễn phí 1800-1522.

PV

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguy-co-tu-tu-phat-buon-ban-gay-nuoi-cac-loai-dong-vat-ngoai-lai-20241217103608048.htm
Zalo