Nguy cơ Temu triệt tiêu hàng nội?

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, như Temu, Shein tràn vào Việt Nam, đe dọa hàng hóa, doanh nghiệp nội địa.

Temu có nghĩa là hợp tác để giảm giá, là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Temu tuy chưa công bố chính thức vào Việt Nam nhưng từ đầu tháng 10, người tiêu dùng đã có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Trong thời gian đầu, hàng bán trên nền tảng này được quảng cáo rầm rộ, giảm tới 70-90%, vận chuyển vào Việt Nam qua các doanh nghiệp hậu cần của Trung Quốc, là Best Express và Ninja Van. Trước đó, một số nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cảnh báo cơn lốc Temu triệt tiêu hàng nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cảnh báo cơn lốc Temu triệt tiêu hàng nội.

Đề cập đến hình thức mua bán này, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 26-10 tại Kỳ họp thứ tám, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều người dân không trực tiếp đến siêu thị mua hàng nữa mà mua online, trong đó có sàn thương mại điện tử Temu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cảnh báo đây là một nguy cơ rất lớn khi các hàng hóa giá rẻ này sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh cần sớm hành động. “Chắc chúng ta không thể cấm những hoạt động mua hàng xuyên biên giới này được, bởi chúng ta đang mở cửa thương mại; song phải có kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa dưới 1 triệu còn phù hợp không hay phải tính lại? Tiếp theo, cần tăng cường kiểm soát hành chính đối với loại hàng hóa này, thay vì cho nhập khẩu dễ dàng. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực của các sàn thương mại điện tử trong nước.

Dẫn số liệu 9 tháng đầu năm, doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) nói, dữ liệu này cho thấy kinh doanh qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử tiếp tục nở rộ, tăng nhanh.

“Hàng Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong 28 tỷ USD này, nguồn gốc xuất xứ thế nào, hay chúng ta phải trả phần lớn số tiền ấy cho hàng giá rẻ từ nước ngoài”, đại biểu Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, hàng giá rẻ nước ngoài với chi phí logistics thấp, bán trên các sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua hàng giá rẻ, thậm chí siêu rẻ chỉ qua vài click chuột. Ngược lại, mặt tiêu cực là nó "đang khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chết mòn". Lý do là bởi, hàng Việt không thể cạnh tranh về giá, mẫu mã.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Hàng Việt không thể cạnh tranh về giá, mẫu mã với hàng giá rẻ nước ngoài.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Hàng Việt không thể cạnh tranh về giá, mẫu mã với hàng giá rẻ nước ngoài.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) thì nêu quan điểm, không nên cấm các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein. "Tuy vậy, Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để bảo đảm thương mại công bằng", đại biểu nói.

Bởi lẽ, theo đại biểu, cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không. "Cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hoạt động này để có biện pháp phòng vệ thương mại theo luật Việt Nam, quốc tế. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần có giải pháp ngay", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế

Chia sẻ với báo chí, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã nghe và nhận được nhiều phản ánh từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của các đại biểu Quốc hội về sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc).

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, đồng thời yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu đang tiến hành đến bước nào.

 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Sau khi có chỉ đạo với Tổng cục Thuế, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, sàn thương mại điện tử Temu vừa xuất hiện, quảng cáo khá rầm rộ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

"Tổng cục Thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin.

* Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; trong đó đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguy-co-temu-triet-tieu-hang-noi-800484
Zalo