Nguy cơ ngộ độc rượu và thực phẩm dịp cuối năm

Tết Nguyên đán đang cận kề. Đây cũng là thời điểm các ca ngộ độc rượu và thực phẩm có xu hướng tăng.

Đa phần những ca ngộ độc rượu là do mua phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Đa phần những ca ngộ độc rượu là do mua phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Người dân cần lưu ý để tránh bị ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Dịp “cao điểm”

Lo ngại tình trạng ngộ độc rượu xảy ra vào cuối năm, Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp giám sát rượu kém chất lượng.

Cơ quan này cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công.

Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

Thực tế, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn, đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các bác sĩ, ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ Tết Dương lịch đến sau Tết Nguyên đán. Thời điểm này, bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân đến viện thường ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian dài. Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn cũng là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê, hôn mê sâu.

Chuyên gia này cho biết, không chỉ rượu methanol, mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.

Thông thường, các bệnh nhân hay uống, mua rượu nhưng ít có thói quen truy xuất nguồn gốc rượu. Do đó, đa phần những ca ngộ độc rượu là do mua phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp rao bán trên mạng, hoặc qua giới thiệu từ người quen.

Cẩn trọng thực phẩm không rõ nguồn gốc

Không chỉ rượu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng có thể gây ngộ độc. Trong đó, phổ biến hiện nay là thực phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc được quảng cáo là “nhà làm”.

Thực tế, các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Hầu hết, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Song, đa số người bán đồ ăn đều cam kết đảm bảo về chất lượng.

Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận an toàn thực phẩm, thậm chí là không địa chỉ chính xác. Do đó, việc mua bán thực phẩm “nhà làm” qua mạng xã hội dù khá tiện lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 9 năm nay, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 381 người bị ngộ độc. Trong đó, có 3 người tử vong. Tính chung 9 tháng của năm, cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.356 người bị ngộ độc. Trong đó, có 15 người tử vong.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.

Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và dịp lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn…

Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời. Đồng thời, báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguy-co-ngo-doc-ruou-va-thuc-pham-dip-cuoi-nam-post664409.html
Zalo