Nguy cơ môi trường Vịnh Hạ Long bị đe dọa bởi rác thải trôi nổi
Sau khi bão Yagi càn quét qua Quảng Ninh, một lượng lớn rác thải gồm vật liệu nuôi trồng thủy sản, cây gỗ, phao xốp đang trôi dạt trên vịnh Hạ Long đe dọa đến môi trường và cảnh quan.
Ngày 24/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí thường kỳ, trong đó nổi bật là vấn đề rác thải đang "uy hiếp" nghiêm trọng môi trường vịnh Hạ Long sau bão số 3 (Yagi).
Theo đó, từ ngày 20 - 23/9, một lượng rác khổng lồ từ các bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng do bão đã trôi dạt vào khu vực vịnh Hạ Long, khiến bãi tắm, điểm tham quan bị "phủ kín".
Số lượng rác chủ yếu là phao xốp và lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, trôi dạt từ khu vực ven bờ, gây ra tình trạng rác thải nổi trên mặt biển, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan vịnh Hạ Long.
Đặc biệt, khu vực đảo Tuần Châu, đảo Rều và hòn Trống Mái trở thành điểm nóng với "núi rác" bao phủ. Tại bãi tắm Tuần Châu, các bè tre, gỗ trôi dạt đã làm gián đoạn hoạt động tham quan, du lịch của khách du lịch và làm mất cảnh quan, môi trường của vịnh Hạ Long.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng BQL vịnh Hạ Long, cho biết, việc thu gom hàng nghìn tấn rác gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phải thực hiện bằng phương pháp thủ công do rác bị sóng gió đẩy vào các khu vực hiểm trở.
“Số lượng rác không thể đo đếm được. Suốt hơn 10 ngày qua, chúng tôi chỉ tập trung thu dọn tại các điểm tham quan để đón khách và khắc phục thảm họa sau bão”, ông Cường nói.
Đại diện BQL vịnh Hạ Long chia sẻ thêm, từ ngày 14 đến 23/9, Ban đã huy động hơn 1.100 lượt nhân lực và 301 lượt phương tiện để tổ chức liên tục vớt rác phao xốp và bè tre trôi nổi trên vịnh.
Các lực lượng đã nhặt rác phao xốp và bè mảng trôi dạt vào các chân đảo và bãi cát, thu gom được 643m3 rác thải và 94 bè nuôi trồng thủy sản. Sau đợt cao điểm thu gom rác thải, các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ đảm bảo đón tiếp khách du lịch.
Tuy nhiên, Trưởng BQL vịnh Hạ Long thừa nhận lượng rác trôi nổi trên vịnh còn rất lớn, vịnh Hạ Long có diện tích rộng lớn và nhiều đảo đá, cùng với điều kiện khí tượng thủy văn phức tạp, đã gây khó khăn cho công tác thu gom rác thải và làm sạch môi trường. Đặc biệt, phần lớn rác thải trôi dạt đến từ các khu nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, Cẩm Phả, và Quảng Yên. Số lồng bè của ngư dân sau bão gần như đã biến mất, để lại rác thải như bè tre, phao xốp trôi tự do trên biển, uy hiếp di sản thiên nhiên thế giới.
Trước tình trạng này, ông Cường cũng nhấn mạnh việc thu gom rác thải trên biển không dễ dàng, cần nhân lực có sức khỏe và kỹ năng đi biển để đảm bảo an toàn. BQL vịnh Hạ Long đã đề nghị các địa phương lân cận như Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn phối hợp thu gom rác thải ven bờ và mặt nước, ngăn chặn việc phát tán thêm rác thải gây ô nhiễm.
BQL vịnh Hạ Long đã báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ninh và UNESCO để tìm phương án hỗ trợ, đồng thời đề xuất các chiến dịch huy động sự tham gia của du khách và cộng đồng trong công tác dọn dẹp môi trường.
Về lâu dài, BQL kiến nghị UBND tỉnh cần có quy định nghiêm ngặt hơn về vật liệu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và an toàn trước bão.
Cũng tại hội nghị, thông tin thêm về thiệt hại từ bão Yagi, BQL cho biết 33 nhà bè tại hai làng chài nổi tiếng Cửa Vạn và Vung Viêng đã bị chìm hoàn toàn, gây ảnh hưởng nặng nề tới các trung tâm văn hóa nổi và cây xanh tại các điểm tham quan.