Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại hàng quán cổng trường

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, công tác quản lý an toàn thực phẩm trước cổng trường học gần đây được các cơ quan chức năng quan tâm chấn chỉnh. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, phụ huynh, học sinh cần nâng cao ý thức tiêu dùng.

Sáng 23/5, có mặt tại khu vực gần cổng Trường Tiểu học Hồng Thái và Trường Mầm non VSCHOOL, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên), chúng tôi thấy có 2 quán bày bán nhiều đồ ăn uống phong phú, màu sắc bắt mắt như: Xúc xích, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga… Ngoài những đồ ăn chế biến sẵn, các thực phẩm khác được đóng gói và in những cái tên hấp dẫn như: Gân gà nóng sốt, snack bà xã, bò miếng; có sản phẩm ghi tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ.

 Một điểm bán đồ ăn gần cổng Trường Trung học cơ sở Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang).

Một điểm bán đồ ăn gần cổng Trường Trung học cơ sở Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang).

Đầu giờ sáng cùng ngày, dạo một vòng quanh các cổng trường trên địa bàn thành phố Bắc Giang nhận thấy nhiều quán bán xôi, bánh mỳ, xúc xích; các điểm bán cơm nắm, trà thái cũng xuất hiện.

Tại đường Lê Lợi, đoạn gần cổng trường Trung học cơ sở Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang), nhiều hàng quán “di động” được bày trên vỉa hè. Đồ ăn sẵn như: Xôi, xúc xích, nem chua rán, tương ớt, tương cà… được đặt ngay trên những thùng xốp, thùng nhựa, thậm chí trên tấm bạt mỏng. Người bán hàng dùng tay trần trực tiếp cầm, nắm thức ăn. Một phụ huynh có con đang học tại đây cho biết dù biết các sản phẩm bày bán đều không rõ nguồn gốc, không an toàn song do cả hai vợ chồng đều phải đi làm sớm nên thường cho con tiền tự mua đồ ăn sáng tại cổng trường.

Hàng quán vỉa hè trước cổng trường học từ lâu đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em bởi tính chất tự phát, bất chấp quy định và các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đằng sau sự tiện lợi là những mối nguy về an toàn vệ sinh thực phẩm mà phụ huynh, học sinh và nhà trường phải cảnh giác.

 Một điểm bán cơm nắm, trà sữa gần cổng Trường Trung học cơ sở Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang).

Một điểm bán cơm nắm, trà sữa gần cổng Trường Trung học cơ sở Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang).

Gần đây, tại một số địa phương trong cả nước xảy ra các vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố gần cổng trường. Ngày 9/4, 12 học sinh tiểu học ở huyện Đô Lương (Nghệ An) có biểu hiện đau bụng, nôn mửa sau khi ăn cơm nắm tại một quán vỉa hè. Trước đó, sau khi tự ăn sáng tại quán ở cổng trường, một học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) bị mệt, ngất xỉu. Dù nhà trường đã sơ cứu, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu song nạn nhân đã tử vong do ngừng tuần hoàn hô hấp.

Tại Bắc Giang, dù những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến nhiều học sinh song nguy cơ luôn thường trực. Ông Phạm Văn Điển, Phó Trưởng Phòng Y tế thành phố Bắc Giang cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện có 312 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung ở các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Dĩnh Kế… Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra, phát hiện 4 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gần các cổng trường vi phạm với các lỗi như: Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn…”.

Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh, hằng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch, yêu cầu cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, người bán hàng rong tại khu vực các cổng trường. Cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.

Cùng đó, đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhắc nhở phụ huynh, học sinh không mua quà vặt, hàng rong trước cổng trường phòng ngừa ngộ độc do ăn phải thực phẩm mất an toàn. Hướng dẫn các em học sinh thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: “Theo quy định, trường hợp trẻ em ăn thực phẩm từ những người bán hàng rong bày bán trước cổng trường và bị ngộ độc thực phẩm, người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thực tế mà người bán hàng rong có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự cố về ngộ độc thực phẩm mà mình gây ra”.

Bài, ảnh: Sơn Quang

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguy-co-mat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tai-hang-quan-cong-truong-postid418759.bbg
Zalo