Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ giỏ quà Tết

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngày 10-1, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Lập biên bản hơn 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Theo báo cáo, năm 2024 Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra và lập biên bản 15.769 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, 64 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 800 triệu đồng.

Sở An toàn thực phẩm tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP, tiến hành kiểm tra 306 lượt xe. Kết quả, có 9 lượt xe vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền hơn 40 triệu đồng.

 Cơ quan, ban, ngành kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tươi sống tại chợ đầu mối. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cơ quan, ban, ngành kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tươi sống tại chợ đầu mối. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài ra còn xử lý tang vật gồm 190 con heo thịt, 500 kg phụ phẩm heo, 120,6 kg thịt đông lạnh (thịt heo và thịt gà), 850 con vịt sống và 1.959 con gà sống.

Năm 2024, Sở An toàn thực phẩm cũng kiểm tra 5.312 mẫu sản phẩm. Các mặt hàng có kết quả không đạt, Sở sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn trong năm 2025 là các loại nước uống đóng chai (10%), nước đá (10% mẫu nhiễm khuẩn), thủy hải sản tươi sống (20% bị nhiễm khuẩn)…

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng nhìn vào kết quả kiểm tra, số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỉ lệ rất nhỏ (dưới 1%). Điều này nhìn theo hướng lạc quan thì tình hình an toàn thực phẩm có tốt hơn. Tuy nhiên nếu xét kĩ thì số lượng này vẫn ít, chưa bao quát hết.

Nhìn chung, bà Lan cho rằng Sở An toàn thực phẩm chưa có đủ lực lượng, khả năng nhiệm vụ để chặn bắt, phát hiện kịp thời những vi phạm để xử phạt.

 Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2024. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2024. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Quản lý chặt an toàn thực phẩm dịp Tết

Ngoài các thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, hải sản, bà Lan bày tỏ quan ngại, lo lắng về các vấn đề an toàn thực phẩm với các loại thực phẩm đóng gói sẵn để bán trong dịp Tết.

Theo bà Lan, không chỉ có những cơ sở nhỏ lẻ mà ngay cả những thương hiệu lớn cũng có thể vi phạm an toàn thực phẩm. Vừa rồi ở Hà Nội đã phát hiện những cơ sở làm bánh rất nổi tiếng nhưng lại không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Ngoài những bất cập về điều kiện sản xuất và nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra các loại thực phẩm đóng gói sẵn như các loại giỏ quà Tết vì dễ bị trà trộn hàng hết hạn, hàng giả” - bà Lan cho hay.

 TP.HCM sẽ siết chặt kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các loại thực phẩm đóng gói sẵn. Ảnh minh họa: Internet

TP.HCM sẽ siết chặt kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các loại thực phẩm đóng gói sẵn. Ảnh minh họa: Internet

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm cho biết thêm, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 5 vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó có 2 vụ ngộ độc bữa ăn gia đình, 2 vụ ngộ độc hàng rong trước cổng trường, 1 vụ ngộ độc tại khu chế xuất. Không có vụ việc trên 30 người bị ngộ độc thực phẩm.

“Hiện nay chúng ta còn thiếu các quy định về việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Vẫn tồn tại việc kinh doanh không phép (gánh hàng rong, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường…), đặc biệt là xung quanh trường học, bệnh viện, chợ đầu mối, chợ truyền thống, khu vực tập trung đông người. Vẫn còn thực trạng các đối tượng kinh doanh đối phó với các đoàn khi được kiểm tra” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, sắp tới Sở An toàn thực phẩm sẽ tăng cường phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan trong kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc), cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền có kinh doanh thực phẩm chức năng. Ngoài ra sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt việc kinh doanh thực phẩm online (website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…), hàng gian, hàng giả.

Cạnh đó, Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.

Tập trung kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, các điểm tập kết, vận chuyển, mua bán nông, thủy sản, thực phẩm tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm tự phát, hàng rong trước cổng trường…

Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm

Những kết quả đạt được hôm nay là sự tập trung rất lớn từ hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm của TP. Ngành an toàn thực phẩm của TP cần tiếp tục đeo bám, thực hiện nhiệm vụ đề ra để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TP, cố gắng hết sức để không xảy vấn đề liên quan đến ngộ độc thực phẩm.

Có thể không tránh khỏi một số vụ việc nhỏ lẻ liên quan mất an toàn thực phẩm nhưng phải tìm ra gốc rễ của vấn đề để ngăn chặn tái diễn. Tiếp tục kiểm tra giám sát, xử phạt, tìm ra được nguồn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, quan trọng cần phối hợp các đơn vị liên quan để kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào cho TP, giúp đảm bảo chất lượng thực phẩm nhập vào TP. Cạnh đó cần hết sức lưu ý việc sản xuất thực phẩm đạt chất lượng trong TP.

TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-tu-gio-qua-tet-post829472.html
Zalo