Nguy cơ mất an toàn cho du khách khi tham quan đập thủy điện Thác Bà
Du khách tham quan khu vực đập thủy điện Thác Bà (Yên Bái) lo lắng, bất an vì chiều cao của đập hơn 48m, nhưng lan can bảo vệ an toàn lại quá thấp.
Lan can an toàn đập thủy điện Thác Bà (Yên Bái) hiện nay cao ngang thắt lưng người lớn (khoảng 80cm). Trong khi đó, chiều cao nhất của thân đập là hơn 48m, chiều dài đỉnh đập là 657m.
Nhiều du khách đến tham quan khu vực đập thủy điện Thác Bà cảm thấy lo lắng, bất an vì nguy cơ mất an toàn.
Anh Thành Lâm, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đo và ước bằng gang tay, chiều cao lan can bảo vệ an toàn cho người đi bộ trên đập chỉ khoảng 80cm.
Đây là điều rất không an toàn. Đó là đối với người lớn, chưa nói đến trẻ em đi tham quan đập thì mức độ nguy hiểm còn hơn rất nhiều”.

Du khách lo lắng bất an khi lan can an toàn đập thủy điện Thác Bà rất thấp, chưa đến thắt lưng người lớn.
Cũng nêu những nguy hiểm về mức độ thiếu an toàn khi tham quan đập thủy điện Thác Bà, anh Phạm Xuân Quý, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ:
“Tôi cũng rất háo hức khi được đến tham quan thủy điện Thác Bà. Tuy nhiên, khi bước chân lên đập, tôi thấy rất nguy hiểm vì Ban quản lý không thực sự quan tâm đến độ an toàn của hành khách, không làm lại hệ thống lan can cho cao lên nhằm đảm bảo an toàn, nhất là với những du khách là trẻ em còn hiếu động hoặc người cao tuổi”, anh Quý nói.
Trả lời PV Báo Điện tử VTC News, Bà Dương Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà cho biết, hơn 2 năm qua, nhà máy thủy điện Thác Bà tự ý khai thác, thu phí bán vé vào tham quan đập thủy điện nhưng không báo cáo chính quyền địa phương.
“Sau khi nhận được phản ánh, thị trấn cũng liên hệ làm việc với ban lãnh đạo nhà máy về việc thu phí bán vé nhưng không báo cáo địa phương, đại diện nhà máy cho biết, đó là khuôn viên của nhà máy nên chủ động thu phí với giá vé 20.000 đồng/vé, không cần báo cáo với địa phương”, bà Huệ cho biết.
Cũng theo bà Huệ, rất có thể hệ thống lan can an toàn hành lang đập thủy điện được xây dựng nhiều năm nay những chưa được sửa chữa, nâng cấp và rất thấp.
“Vì thế, bằng mắt thường khi vào tham quan nhà máy cảm thấy rất nguy hiểm và nguy cơ mất an toàn rất lớn. Tuy nhiên, rất may mắn nhiều năm nay nơi đây chưa xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào, vì mỗi khi có du khách vào tham quan đều có cán bộ của nhà máy hướng dân chứ người dân không tự ý vào được. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, du khách, chúng tôi đề nghị nhà máy cần có phương án sửa chữa, nâng cấp hệ thống lan can cao hơn, ở mức 1,5-1,8m. Việc nâng cấp lan can này cũng không quá tốn kém”, bà Huệ cho biết.
Liên quan đến sự việc, trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Thác Bà cho biết, lan can trên đập thủy điện trước đây làm rất thấp và chủ yếu để đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên của nhà máy thực hiện nhiệm vụ chứ không phục vụ khách du lịch.
“Vài năm trở lại đây, khi du lịch địa phương từng bước phát triển, nhà máy mới triển khai bán vé cho du khách vào tham quan. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chúng tôi cũng khuyến cáo du khách không nên đi vào khu vực đập thủy điện Thác Bà nếu không có hướng dẫn viên đi cùng. Khu vực này cũng đang sửa máy và xây dựng nên cơ bản không đón khách du lịch”, ông Cường nói.
Về việc có nâng cấp lan can lên cao để đảm bảo an toàn cho du khách, người dân và cán bộ làm việc tại nhà máy thủy điện hay không, sáng 27/4, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhà máy đang có kế hoạch nâng cấp lan can đập khu vực cửa xả của thủy điện Thác Bà.
"Chúng tôi dự kiến nâng cao lên 1,5m để đảm bảo an toàn cho du khách. Thời gian cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin sau", ông Cường nói.

Thủy điện Thác Bà.
Thủy điện Thác Bà nằm trên dòng Sông Chảy, trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; tổng công suất 120 MW. Công trình được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Hiện thủy điện Thác Bà do Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà vận hành, khai thác.
Thủy điện Thác Bà nằm trên địa phận tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 180km về phía Tây Bắc. Thời điểm được xây dựng là thủy điện lớn nhất cả nước, với lòng hồ có thể chứa 3,9 tỷ m3 nước.
Đây là hồ nhân tạo nằm giữa các dãy núi, đồi nhấp nhô. Để xây dựng công trình này, khoảng giữa khe, sông, suối khi xưa đã được chặn lại bằng các đập đất, trở thành các đập phụ cao 62m. Còn đập chính nằm chắn ngang sông Chảy, ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.
Theo thiết kế, đây là hồ đa mục tiêu, cả phòng chống lũ, thủy lợi tưới tiêu, và sản xuất điện năng.
Vào mùa mưa bão, nhất là khi bắt đầu có tin về bão số 3, hồ Thác Bà đã được vận hành tối đa để giảm mực nước xuống sâu, thấp hơn cả mực nước dâng bình thường, sẵn sàng đón lũ.
Nguồn nước đổ vào hồ chủ yếu là sông Chảy, và một số sông ngòi nhỏ như ngòi Hanh, ngòi Cát…
Sông Chảy nhận nước từ rừng núi các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Nước hồ thì theo các tổ máy và cửa xả đập chính đổ xuống sông Chảy, theo dòng đi tiếp rồi hợp lưu với sông Lô ở địa phận huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Từ đây, sông Lô xuôi xuống, cùng sông Đà từ vùng Tây Bắc hợp lưu vào sông Hồng đoạn ngã ba Bạch Hạc, Phú Thọ, cứ thế chảy về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trước khi đổ ra biển.
Vào thời ấy, các chuyên gia Liên Xô đã lấy lũ lịch sử từng có thể ghi nhận trên sông Chảy, lưu lượng hơn 4.000m3/s vào năm 1961, để thiết kế thủy điện Thác Bà. Theo đó, 3 cửa xả mặt cùng với các tổ máy được thiết kế với khả năng xả tối đa hơn 3.000m3/s.