Nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì thuốc lá

Theo nghiên cứu của WHO, khoảng 40 - 50% người hút thuốc lá lâu năm sẽ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong khi đó, ở những người không hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 5 - 10%.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chỉ đứng sau các bệnh tim mạch và ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3 triệu người tử vong do COPD, chiếm khoảng 5% tổng số ca tử vong toàn cầu.

Điều đáng báo động là số đông người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thói quen hút thuốc lá. Thói quen này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn đẩy nhanh tiến triển của bệnh và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng hạn chế luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn. Bệnh này thường phát triển âm thầm trong nhiều năm, các triệu chứng thường chỉ rõ ràng khi bệnh đã tiến triển nặng.

Triệu chứng phổ biến của COPD: Ho kéo dài, ho có đờm. Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức. Cảm giác tức ngực. Thở khò khè.

Các nguyên nhân gây bệnh COPD có thể kể đến: Hút thuốc lá (nguyên nhân hàng đầu); Tiếp xúc lâu dài với khói bụi công nghiệp, ô nhiễm không khí; Di truyền (thiếu hụt alpha-1 antitrypsin); Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát từ nhỏ…

Trong số các nguyên nhân trên, hút thuốc lá chiếm tới 85 - 90% trường hợp mắc bệnh COPD. Ảnh: Văn Minh

Trong số các nguyên nhân trên, hút thuốc lá chiếm tới 85 - 90% trường hợp mắc bệnh COPD. Ảnh: Văn Minh

Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 chất gây ung thư và hàng trăm chất độc hại khác như carbon monoxide, formaldehyde, amoniac, arsenic, cyanide…

Trong đó nicotine được biết đến là chất gây nghiện, có thể làm co thắt đường thở; carbon monoxide làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu; hạt bụi mịn (PM 2.5) có thể gây viêm nhiễm và phá hủy cấu trúc phổi.

Những hóa chất này khi hít vào phổi sẽ kích thích viêm mạn tính, phá hủy phế nang và làm mất tính đàn hồi của phổi, dẫn đến tình trạng hạn chế luồng khí thở ra - dấu hiệu đặc trưng của bệnh COPD.

Theo nghiên cứu của WHO, khoảng 40 - 50% người hút thuốc lá lâu năm sẽ mắc bệnh COPD. Trong khi đó, ở những người không hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 5 - 10%.

Người hút thuốc lá chủ động có nguy cơ mắc COPD cao gấp 13 lần so với người không hút thuốc. Người hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc từ người khác) cũng có nguy cơ mắc bệnh đáng kể.

Ở người hút thuốc lá, bệnh COPD có xu hướng tiến triển nhanh hơn. Các triệu chứng như khó thở, ho kéo dài trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Hơn nữa, họ cũng dễ mắc bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và gây gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh này. Việc cai thuốc lá, tăng cường tuyên truyền giáo dục và kiểm soát môi trường không khói thuốc là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh COPD.

Quang Quân (tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguy-co-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-vi-thuoc-la-2357550.html
Zalo