Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão lũ: Bác sĩ khuyến cáo

Cơn bão số 3 (Yagi) đã qua đi nhưng vẫn còn nguy cơ dịch bệnh trước mắt như các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu và đau mắt đỏ, sốt xuất huyết.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, khi nước rút cũng là thời điểm nguy cơ dịch bệnh lại tăng lên, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau bão lũ vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, da liễu, đau mắt đỏ, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy…

Nguyên nhân do nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật. Người dân thiếu nước sạch sinh hoạt, sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo dễ dẫn đến nhiễm bệnh.

BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) đã qua đi nhưng vẫn còn nguy cơ dịch bệnh trước mắt, do nước bị ô nhiễm và không có đủ nước sạch; do căng thẳng mệt mỏi, ăn ngủ không điều độ giảm sức đề kháng.

Theo BS. Huy Hoàng các bệnh hay gặp sau bão lũ đó là các bệnh về đường tiêu hóa. Trong đó, ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra (rau củ quả ngâm trong nước, dễ bị ôi thiu…).

Thêm nữa là các vấn đề về bệnh da liễu và đau mắt đỏ, theo BS. Huy Hoàng lý do là bởi không có nước sạch, mặc quần áo ướt dễ gây ra các bệnh da liễu. Ngoài ra cũng có nguy cơ bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng, chống dịch bệnh sau bão mũ, BS. Huy Hoàng khuyến cáo điều đầu tiên người dân vùng bị ảnh hưởng cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, sau đó chuẩn bị nguồn nước sạch, thau rửa các bể nước, giếng nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, cần phòng chống các bệnh về rối loạn đường tiêu hóa bằng cách ăn chín, uống sôi, không dùng các loại thực phẩm ôi, thiu hay bị úng ngập.

Đồng thời, lưu ý rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nước bẩn.

Phòng tránh bệnh sốt xuất huyết bằng cách phát quang nhà cửa, loại bỏ những chỗ chứa nước làm nơi cho muỗi sinh sản, khi đi ngủ thì phải mắc màn.

Bên cạnh đó, về các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ BS. Huy Hoàng khuyến cáo vệ sinh sạch sẽ, không mặc quần áo ẩm, ướt, có đồ khô riêng cho từng người, chuẩn bị sẵn thuốc nhỏ mắt.

Cuối cùng là phòng tránh các tai nạn thương tích bằng cách tránh xa những nơi có nguy cơ bị đuối nước, cành cây gãy hoặc bị điện giật.

Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương;

Rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.

Thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó (Ảnh: Hồng Nhung).

Thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó (Ảnh: Hồng Nhung).

Cùng với đó, giao trách nhiệm cho UBND các cấp và các đơn vị liên quan chỉ đạo phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt;

Bộ Y tế yêu cầu thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.

Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt;

Không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn

Về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai... với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.

Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.

Đồng thời, tăng cường bổ sung vitamin, nhất là C và E, từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch. Uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm…

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguy-co-dich-benh-bung-phat-sau-bao-lu-bac-si-khuyen-cao-204240916104740789.htm
Zalo