Nguy cơ chuỗi cung ứng quốc tế của Việt Nam bị gián đoạn do ảnh hưởng bão
The Washington Post dẫn nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng cơn bão và tình trạng ngập lụt có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế của Việt Nam.
Trong những ngày gần đây, hàng loạt tờ báo lớn và hãng thông tấn nước ngoài đã đưa tin về cơn bão Yagi (bão số 3) và tình hình lũ lụt tại Việt Nam.
Ngoài việc cập nhật liên tục về đời sống xã hội và con số thương vong do tác động từ thiên tai, một số tờ báo đã đề cập tới thiệt hại kinh tế, cũng như những nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất mà các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đóng tại Việt Nam có thể gặp phải.
Tờ The Washington Post (Mỹ) đưa tin bão và mưa lớn sau đó đã làm hư hại các nhà máy ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, nơi có công ty ôtô điện VinFast, các nhà cung cấp linh kiện của hãng công nghệ Apple và các nhà sản xuất điện tử khác.
The Washington Post dẫn nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng cơn bão và tình trạng ngập lụt có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế của Việt Nam.
CSIS cho biết 95% doanh nghiệp ở Hải Phòng đã hoạt động trở lại tính đến ngày 10/9, nhưng "nỗ lực sửa chữa có thể sẽ làm giảm sản lượng trong những tuần và tháng tới."
Báo The Star của Malaysia dẫn phỏng vấn của hãng tin AFP (Pháp) cho biết hơn 250.000ha cây trồng, bao gồm lúa, rau và cây ăn quả, đã bị phá hủy ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Bà Đỗ Hồng Yến, chủ một vườn đào ở Phú Thượng, Tây Hồ, chia sẻ: “Tôi đã mất trắng vụ đào.”
Trang trại của bà Đỗ Hồng Yến trồng hoa đào, một loại hoa thường được người dân Việt Nam mua để bày trong nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Do trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hai thập kỷ vừa qua sau bão Yagi, hiện toàn bộ vườn đào của bà Đỗ Hồng Yến bị ngập trong nước. Bà ước tính con số tổn thất có thể lên tới hơn 45.000 USD.
Tương tự, bà Trần Thị Lý, chủ một khu vườn trồng rau và chuối rộng 500m2 ở Hà Nội, cũng đang phải chứng kiến cảnh nước ngập gây chết hàng loạt cây trồng. Bà chia sẻ: "Chúng tôi đã mất tất cả những gì mà mình đã đầu tư.”
Theo The Star, thống kê sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết tổng cộng 1,5 triệu con gà, vịt và 2.500 con lợn, trâu và bò đã bị chết trong trận lũ lịch sử này.
Chi phí thực phẩm tăng vọt do rau xanh và gia súc bị hủy hoại, giao thông bị tắc nghẽn bởi lũ lụt, làm ảnh hưởng tới nguồn cung.
Trang mạng focustaiwan.tw của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thông tin hơn 100 nhà sản xuất của Đài Loan đóng tại thành phố Hải Phòng ghi nhận bị thiệt hại trong cơn bão Yagi - cơn bão đã quét qua miền Bắc Việt Nam vào cuối tuần trước.
Gần như tất cả 150 thành viên của chi nhánh Hải Phòng thuộc Hội đồng Phòng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam đều báo cáo có hư hại về tài sản sau cơn bão.
Ông Wang Kun-sheng, người đứng đầu chi nhánh Hải Phòng cho biết may mắn là không có trường hợp thương tích hoặc tử vong nào được báo cáo.
Ông Wang (có nhà máy may mặc đóng tại Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết ước tính thiệt hại về tài sản công ty của ông vào khoảng 200.000 USD, đi kèm tình trạng thiếu hụt công nhân và vật liệu xây dựng, trong bối cảnh người dân vẫn đang cố gắng khôi phục lại cuộc sống sau cơn bão.
Sự gián đoạn do bão và lũ lụt có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Việt Nam là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty đa quốc gia, để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các nước phát triển khác.
Hãng Reuters đưa tin, bão Yagi đã gây mất điện hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp, làm ngập đường cao tốc, phá vỡ mạng lưới viễn thông, làm sập một cây cầu cỡ trung và hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, đồng thời khiến hoạt động kinh tế tại nhiều trung tâm công nghiệp bị ngưng trệ.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C dẫn kết quả khảo sát cho biết tại các khu công nghiệp có nhà máy ở Hải Phòng và Quảng Ninh, 20 trong số 150 nhà máy của các nhà đầu tư sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất vài tuần. Dự kiến, mức tiêu thụ điện ở đó sẽ duy trì ở mức thấp hơn 1/3 so với mức bình thường trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, vì nhiều công ty đang bận rộn xây dựng lại các nhà máy bị hư hại.
Ông Calvin Nguyễn, người đứng đầu công ty hậu cần Việt Nam WeDo Forwarding, nói về các sản phẩm dự kiến được giao đến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU): "Nhiều sản phẩm đã mất hoàn toàn do các nhà kho của công ty tại thành phố Hải Phòng đã bị thổi bay mái và vẫn bị ngập.”
"Rất nhiều thiệt hại," ông Hong Sun, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ khi được hỏi về tác động của cơn bão đối với các nhà máy của Hàn Quốc ở các vùng ven biển phía Bắc Việt Nam./.