Nguồn vốn Nghị định 28 - bệ đỡ vượt khó của người nghèo
Tại Lâm Đồng, nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP trở thành 'đôi cánh', giúp người dân vùng cao, nhất là hộ nghèo vượt khó, vươn lên giữa đại ngàn.

Anh K’Noen (áo thun, ngồi giữa) làm được căn nhà cấp 4 kiên cố thay cho căn nhà tạm trước đây nhờ vay vốn ưu đãi từ Nghị định 28
Vươn lên nhờ hạt giống chính sách
Chiều muộn, ánh nắng cuối ngày còn vương trên mái tôn mới dựng, hắt xuống khoảng sân đất đỏ trước căn nhà của anh K’Noen, dân tộc Mạ ở bon Ka Nur, xã Quảng Khê (Lâm Đồng). Căn nhà xây kiên cố, tường gạch chắc chắn, mái tôn sáng bóng nổi bật bên cạnh căn nhà gỗ cũ kỹ.
Chỉ vài mùa rẫy trước, vợ chồng anh anh K’Noen cùng 3 con vẫn phải sống trong căn chòi lá, đêm mưa lớn phải chạy tìm chỗ khô cho con.
Ước mơ có căn nhà kiên cố đến khi gia đình anh K’Noen được vay 90 triệu đồng theo chính sách tín dụng ưu đãi Nghị định 28. Anh K’Noen vay mượn thêm 40 triệu đồng của người thân, quyết tâm dựng căn nhà mới. “Ngày hoàn thiện, nhìn con cười đùa không còn sợ mưa gió, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt,” anh K’Noen xúc động kể.
Giờ đây, gia đình anh K’Noen yên tâm lao động, trồng cà phê, nuôi gà để trả dần khoản vay, tự tin lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Với anh K’Noen căn nhà không chỉ là mái che mưa nắng, mà còn là biểu tượng cho khởi đầu mới, nơi gieo mầm ước mơ để con trẻ không còn bị ám ảnh bởi cái đói, cái rét hay những đêm trắng lo sợ.
Ở bon Sê rê A, xã Tà Đùng, tiếng máy cày của anh K’Tông đã trở thành âm thanh quen thuộc mỗi buổi sáng. Chiếc xe máy cày nhỏ, lầm lũi leo qua dốc đất đỏ, được anh K’Tông coi như “người bạn thân” không thể thiếu. Cách đây 2 năm, nhờ được vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ Nghị định 28, cộng thêm 20 triệu tiền tích cóp, anh K’Tông sắm được chiếc máy cày mơ ước, thay đổi hoàn toàn cách làm nông của gia đình anh K’Tông.
Trước đây, những chuyến chở phân, thu hoạch cà phê bằng xe máy chỉ được vài bao, vừa mất thời gian, vừa nguy hiểm khi đèo dốc trơn trượt. “Giờ có máy cày, tôi chở một lúc 30 - 40 bao, công việc nhanh hơn, đỡ vất vả,” anh K’Tông nói, nụ cười hiền trên gương mặt rám nắng.
Sau mỗi vụ, anh K’Tông tranh thủ nhận chở thuê cho bà con, kiếm thêm thu nhập để trả nợ. Tiền công gom góp đã giúp anh trả gần một phần ba khoản vay chỉ sau 2 năm. Mỗi lần nhìn con chạy theo chiếc máy cày ra rẫy, anh lại thấy cuộc đời mình như mở ra một con đường mới, không còn lo vay nóng, không sợ thất mùa và có thể ngẩng cao đầu trước khó khăn.
Nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thiết yếu
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26/4/2022, quy định chính sách tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho những hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Nghị định cho phép vay vốn hỗ trợ xây nhà, mua đất, đầu tư sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển vùng trồng dược liệu, xây dựng chuỗi giá trị… với lãi suất chỉ 3 - 3,96%/năm, thời gian vay tối đa đến 15 năm cho nhà ở, 10 năm cho các mục đích khác. Chính sách này đã và đang giúp hàng ngàn gia đình ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo dựng tương lai ấm no ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Câu chuyện về anh K’Noen, anh K’Tông cho thấy rõ, chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ chạm đến nhu cầu thiết thực nhất như chỗ ở an toàn, công cụ sản xuất hiệu quả mà còn khơi dậy ý chí tự lập, giúp bà con chuyển từ trông chờ sang chủ động làm ăn, tính toán trả nợ, đầu tư cho con cái học hành. Chiếc máy cày không chỉ lăn bánh trên đồi dốc, mà còn lăn bánh trên con đường đổi đời. Những mái nhà vững chãi không chỉ chắn gió mưa, mà còn chắn đứng sự cam chịu, giúp trẻ em có tuổi thơ bình yên, được học hành đến nơi đến chốn. Ở khắp buôn làng, tinh thần tự lực tự cường đang lan tỏa. Ai cũng hiểu chỉ cần chăm chỉ, tận dụng cơ hội, sẽ nắm chắc tương lai tươi sáng.