Nguồn vốn cho kinh tế tư nhân không chỉ cần 'nhiều' mà còn phải 'đúng'

Trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, việc khơi thông các nguồn vốn cả ngắn hạn lẫn dài hạn đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Nguồn vốn tín dụng từ lâu được xem là “mạch máu” của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024 do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, hơn 54% doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết, DN là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo thương hiệu Việt sang thị trường Nhật Bản, để đạt được chất lượng gạo đủ tiêu chuẩn quốc tế, DN buộc phải đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến và bảo quản hiện đại điều này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, song lãi suất ngân hàng cho vay hiện nay là thách thức lớn.

“Để đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt vươn ra xuất khẩu hàng hóa, DN cần nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, song mức lãi suất từ 8-10%/năm, quả thực là thách thức. Do đó mong muốn Nhà nước xem xét lãi suất ưu đãi hơn cho ngành nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho chế biến sản xuất và bảo quản sau thu hoạch…”, ông Trương Sỹ Bá bày tỏ.

Nhiều DN cho biết đang rất khát vốn cho nhu cầu vốn trung và dài hạn

Nhiều DN cho biết đang rất khát vốn cho nhu cầu vốn trung và dài hạn

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội phản ánh, các DN công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang rất khát vốn cho nhu cầu vốn trung và dài hạn, song mức lãi suất cho vay còn cao. Do đó bày tỏ mong muốn tới đây sẽ có sự điều tiết linh hoạt của Chính phủ, nhằm góp phần giúp DN giảm bớt một phần gánh nặng, khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

“Mức lãi suất cho vay vẫn còn cao, đều trên 6%-8%, thậm chí hơn 8%/năm. Các DN rất mong muốn tới đây chính sách nguồn vốn sẽ có sự điều tiết của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đi vào thực chất hơn. Cụ thể như cho các Ngân hàng TMCP là đơn vị tiếp nhận nhu cầu của các DNVVN, trong đó có các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu vay để sản xuất được tín chấp, thế chấp bằng chính những hợp đồng của DN, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào Đại dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, ông Nguyễn Vân kỳ vọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lực lượng kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, song để khu vực này phát triển bền vững, vấn đề then chốt hiện nay là phải khơi thông các dòng vốn cả ngắn hạn và dài hạn một cách thực chất và hiệu quả. Bà Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam nêu thực tế, việc huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn.

Khơi thông dòng vốn sẽ là chìa khóa phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân

Khơi thông dòng vốn sẽ là chìa khóa phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân

Cụ thể là thiếu đa dạng về kênh huy động vốn, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tiếp đến là hệ thống pháp lý liên quan đến tài chính và đầu tư tư nhân còn thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân. Cùng với đó, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn; việc thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính, khiến các DN tư nhân khó tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

“Muốn huy động nguồn vốn thể chế, chính sách phải đồng bộ. Để cải thiện môi trường tài chính cho khu vực tư nhân, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính. Do đó, cần phải rà soát lại chính sách về tín dụng đối với hệ thống kinh tế tư nhân, cũng như rà soát hệ thống pháp luật về quản lý tài chính”, bà Thà đề xuất.

Nhìn nhận thị trường vốn phát triển chưa theo kịp với nhu cầu của các DN, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Phạm Tấn Công cho rằng, để có nền kinh tế phát triển cũng như tạo đà cho DN bứt tốc, yêu cầu đặt ra là Nhà nước cần có nhiều kênh tạo vốn để DN có thêm cơ hội tiếp cận.

“Trong thời gian tới cần phải tập trung củng cố phát triển thị trường vốn một cách lành mạnh, hiện đại, gồm nhiều kênh tạo vốn, không chỉ có kênh dựa vào cấp tín dụng của ngân hàng. Theo đó, cần bố trí nguồn vốn trung hạn và dài hạn dưới các hình thức như trái phiếu, các quỹ đầu tư, các hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất vay vốn cho những đối tượng DN được ưu tiên…”, ông Phạm Tấn Công nêu.

Vốn cho kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới

Vốn cho kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới

Theo ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN), tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 16,5 triệu tỷ đồng, đã đạt gần 19% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã được cải thiện. Ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng DN, đặc biệt là khu vực tư nhân trong việc tạo nguồn vốn an toàn và hiệu quả để DN có thể tiếp cận.

Các chuyên gia đều cho rằng, muốn khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, nguồn vốn không chỉ cần “nhiều” mà còn phải “đúng”. Nguồn vốn cần được dẫn dắt vào sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy an sinh xã hội. Nghị quyết 68 đã vạch ra tầm nhìn, lộ trình và giải pháp cụ thể, vấn đề còn lại là cách thực thi đồng bộ từ thể chế, thị trường vốn đến các chính sách tín dụng cụ thể. Chỉ khi đó, khu vực kinh tế tư nhân với vai trò động lực mới thực sự phát triển trong kỷ nguyên mới.

Thúy Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguon-von-cho-kinh-te-tu-nhan-khong-chi-can-nhieu-ma-con-phai-dung-post1214387.vov
Zalo