Nguồn vốn chính sách tiếp sức xây dựng nông thôn mới
Các chương trình tín dụng đang được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn.
Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những kênh tài chính ưu đãi giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại quê hương cách mạng Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có điều kiện vươn lên, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, còn giúp các địa phương trong huyện hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Sơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang trước năm 2025.
Theo bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, các chương trình tín dụng đang được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất; hơn 1.600 lao động được tạo thêm việc làm mới; hơn 5.600 hộ nông dân nông thôn được sử dụng nước sạch và các công trình hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội còn thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ 3,32%/năm (từ 21,97% đầu năm 2022 và phấn đấu giảm xuống còn 8,69% cuối năm 2025); giúp 18/30 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới; trong đó. có 3 xã nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Năm 2020, trở về quê hương sau khi tốt nghiệp đại học, anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp.
Anh Bùi Văn Hoàng cho biết, trước đây cây cà gai leo từng được trồng rộng rãi tại nhiều thôn, bản của xã Hợp Hòa. Tuy nhiên, do thị trường gặp nhiều khó khăn, bà con đã phá bỏ loại cây này để chuyển sang cây trồng khác. Nhận thấy đây là dược liệu quý, anh Hoàng đã dùng số vốn vay cùng với vốn liếng của người thân, gia đình mua cây giống, vận động nhân dân trồng lại cây cà gai leo.
Đặc biệt, anh nghiên cứu, thực hành chế biến các sản phẩm trà từ cây cà gai leo. Cụ thể, anh thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa phát triển các sản phẩm như: trà túi lọc cà gai leo. cao cà gai leo, trà khô cà gai leo... Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Bùi Văn Hoàng còn tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho 13 thành viên hợp tác xã và hơn 40 hộ gia đình liên kết trồng cà gai leo trên địa bàn các xã Hợp Hòa, Quyết Thắng, huyện Sơn Dương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho hay, cuối tháng 7/2024, xã Hợp Hòa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, hàng trăm người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thiện nơi ở, tạo việc làm, đảm bảo vệ sinh môi trường... với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt trên 75%; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 10,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,61 triệu đồng/năm...
Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, thông qua Hội Nông dân xã, ông được bình xét cho vay 100 triệu đồng để cải tạo hơn 5 sào ruộng trồng dưa chuột. Ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương chia sẻ, trước đây ngoài vụ trồng lúa, gia đình ông trồng thêm ngô.
Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp thu hoạch xong chủ yếu phục vụ gia đình, buôn bán không được giá. Vay được vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông Thanh mạnh dạn liên kết với các hợp tác xã thu mua dưa chuột. Cây hợp đất cho năng suất cao, có lợi nhuận từ trồng dưa, ông Thanh quyết định đầu tư cải tạo thêm ruộng vườn để chuẩn bị trồng ớt.
Theo bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương, huyện đang thực hiện 19 chương trình tín dụng, duy trì 517 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố, với trên 20.300 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 857 tỷ đồng.
Để phát huy hiệu quả, phòng giao dịch bố trí cán bộ phụ trách theo sát từng chương trình, địa bàn cụ thể, ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, phát triển kinh tế…
Để thực hiện mục tiêu đưa huyện Sơn Dương về đích nông thôn mới, bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện các cơ chế, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt là cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tham mưu cho Ngân hàng Chính sách xã hội cấp trên bổ sung thêm nguồn vốn để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tích cực huy động nguồn vốn, tiền gửi từ dân cư tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tuyên truyền những hộ trả tiền đúng kỳ hạn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.