Nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm được gỡ, nhờ cơ chế đặc thù
Việc Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, đại diện cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư cho rằng, nhiều dự án giao thông sẽ được 'cởi trói' nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Dự án "chấp chới" vì mỏ vật liệu
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, trong đó, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long dài hơn 12km, qua Đồng Tháp dài hơn 10km. Tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2023. Dự án được triển khai thi công từ tháng 2/2021 và sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2023. Mốc khai thác đặt ra là thế, xong nguy cơ dự án không kịp thông xe vào cuối năm đang hiện hữu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2023_12_02_5_47699159/b270a03aaa7643281a67.jpg)
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, thời điểm hiện tại, các nhà thầu đã đưa về công trường từ nguồn cát hỗ trợ của tỉnh được 756.000m3, góp phần rất lớn để thi công cơ bản hoàn thành tuyến chính. Tuy nhiên, theo tính toán, nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành toàn bộ hệ thống đường gom, cầu vượt ngang hiện vẫn thiếu khoảng 92.000m3. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin, để đủ nguồn vật liệu thi công, Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đã chủ động nhờ sự hỗ trợ nguồn cát từ các địa phương trong khu vực nhưng cũng không thể đáp ứng yêu cầu và vẫn còn thiếu khoảng 44.000m3.
Không chỉ riêng dự án trên, cập nhật về tình hình cung ứng vật liệu cho 4 dự án, Bộ GTVT cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được xác định sử dụng cát từ 79 mỏ đang khai thác và 14 mỏ mở mới. Tính đến cuối tháng 11/2023, các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ. Đất được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác và 74 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ.
Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được gần 17/19 triệu m3. Thực tế, đến nay, nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3. Hiện vẫn còn hơn 2 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp.
Tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực đáp ứng nhu cầu, đã trình 14 mỏ đất, 6 mỏ đá, 1 mỏ cát nhưng chưa được xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác. Với dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, nguồn cung vật liệu trong khu vực đáp ứng nhu cầu. Song, khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có thể gây thiếu hụt về công suất cung cấp đất đắp. Trong khi đó, phục vụ thi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang nhưng mới xác định được nguồn khai thác của 7,5 triệu m3 (55% nhu cầu) và đang hoàn thiện thủ tục khai thác.
Rút ngắn nhiều thủ tục cấp, khai thác mỏ mới
Theo Bộ GTVT, chính sách đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023. Trong quá trình thực hiện có nhiều cách hiểu và quan điểm chưa thống nhất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phải tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện các công việc liên quan về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai chính sách đặc thù.
Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra các dự án, làm việc với các địa phương và ban hành các công điện yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Song, thực tế, nguồn vật liệu vẫn chưa được các địa phương cấp đủ và cần phải tiếp tục xem xét. Như vậy, thời gian 1 tháng (từ nay đến 31/12/2023) sẽ không đủ để hoàn thành các thủ tục cấp các mỏ còn lại. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có các báo cáo đối với 4 dự án đường bộ cao tốc nêu trên.
Bộ GTVT cũng đã có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội, trong đó kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024, hoặc đến khi hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới được Quốc hội thông qua, có 21 dự án nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực).
Với cơ chế thí điểm Quốc hội cho phép áp dụng, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đối với các mỏ vật liệu mới, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản thời gian có thể rút ngắn được khoảng 8-10 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Cụ thể, trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực, nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, nhà thầu chỉ cần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để trình UBND cấp tỉnh nơi có mỏ vật liệu xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và thực hiện đúng các cam kết yêu cầu là hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu.