Nguồn tiết kiệm '2 trong 1' tại dự án Sân bay quốc tế Long Thành
Nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện Dự án thành phần 3 của ACV sẽ góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường băng thứ 2 Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Không chỉ vậy, thêm một 'nguồn tiết kiệm' khi việc đầu tư đường băng thứ 2 'rút gọn' thêm nhiều thứ vì nguồn nhân công, phương tiện vật lực có sẵn.
Ngày 15/11, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư dự án Sân bay quốc tế Long Thành) cho biết, vừa qua Chính phủ đã có Tờ trình số 747/TTr-CP về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Sân bay quốc tế Long Thành, hiện nay Quốc hội đang xem xét tờ trình. Việc điều chỉnh cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong ngành Hàng không và cử tri cả nước.
Lợi ích rõ ràng của đường băng số 2 ngay trong giai đoạn 1
Theo ACV, lý do của việc ủng hộ này là khi đề xuất điều chỉnh được đưa ra, nhiều người đều thấy lợi ích rõ ràng khi có thêm một đường cất hạ cánh ngay trong giai đoạn 1 dự án Sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác. Trước đó, trong nội dung đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội cũng đã nêu rõ, việc đầu tư đường băng thứ 2 ngay giai đoạn 1 sẽ không những không làm tăng chi phí, mà năng lực và hiệu quả khai thác sân bay lại tăng lên nhiều lần, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn dự án.
Theo ACV, việc xây dựng đường băng 2 hai song song và kết nối với đường băng thứ nhất là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến độ của dự án thành phần đồng thời đưa lại nhiều lợi ích trong quá trình vận hành, khai thác sân bay giai đoạn 1. Theo kế hoạch trước đó, Sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác sẽ đạt 152.220 lượt cất, hạ cánh/năm, tương đương công suất thiết kế 25 triệu khách và 1,2 tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, trong trường hợp xảy ra máy bay hư hỏng trên đường băng, hoặc đường băng trong lúc sửa chữa bảo trì, sẽ dẫn một phần hoặc toàn bộ khu bay bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi có thêm đường băng thứ 2 trong giai đoạn này, vấn đề an toàn sân bay và ổn định vận hành sẽ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhìn tương quan, theo quy hoạch, thì Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có thể phục vụ khoảng 50 triệu hành khách/năm. Từ năm 2023, sản lượng khai thác của Tân Sơn Nhất đã đạt trên 41 triệu hành khách. Trong khi đó, dự kiến đến năm 2030 tổng nhu cầu vận tải hàng không của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là khoảng 71 triệu hành khách/năm. Như vậy, trường hợp đường băng thứ 1 của Sân bay quốc tế Long Thành gặp sự cố, nếu chưa có đường băng thứ 2, thì sẽ phải chuyển các chuyến bay sang Tân Sơn Nhất. Khi đó, Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, việc xây dựng ngay đường băng thứ 2 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của Sân bay quốc tế Long Thành, kể cả khi 1 trong 2 đường băng tại đây xảy ra sự cố, đồng thời hỗ trợ tốt cho Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tương tự, cũng theo ACV, việc thi công đường băng thứ 2 trong quá trình xây dựng giai đoạn 1 để sẵn sàng đưa vào khai thác đồng bộ cùng nhà ga hành khách và đường băng thứ nhất, sẽ góp phần tối ưu hóa hoạt động khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế cho tổng thể vận hành sân bay. Chỉ riêng trường hợp, nếu sau khi giai đoạn 1 đưa vào vận hành mới đầu tư xây dựng đường băng thứ 2 sẽ làm gián đoạn việc khai thác sân bay do phải đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật. Ngoài ra, việc thi công xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành, khai thác sân bay...
Tiết kiệm rất nhiều từ mục tiêu “2 trong 1”
Mặt khác, theo ACV, đưa lại lợi ích to lớn và quan trọng không kém là chi phí đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 khi thực hiện ngay cũng được cân đối trọn vẹn trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, trong quá trình thực tiễn triển khai Dự án thành phần 3, ACV đã tiết kiệm được khoảng gần 4.000 tỷ đồng (lớn hơn sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 là khoảng 3.300 tỷ đồng). Trong đó bao gồm tiết kiệm từ chi phí dự phòng (sau khi đã tính đầy đủ chi phí dự phòng cho tất cả các gói thầu đã ký hợp đồng và dự phòng đủ theo quy định cho một số ít các gói thầu còn lại sẽ tiếp tục được đấu thầu trong quý IV/2024 và đầu năm 2025) và đặc biệt là tiết kiệm trong đấu thầu.
Không chỉ vậy, thêm một “nguồn tiết kiệm” khi việc đầu tư đường băng thứ 2 sẽ được “rút gọn” thêm nhiều thứ vì tận dụng được nguồn nhân công, phương tiện đều đã có sẵn.
Phía ACV cho biết, hiện đã bố trí đủ nguồn lực về tài chính, nhân sự và cơ sở hạ tầng để triển khai đường cất hạ cánh thứ 2. Nếu được cơ quan Trung ương chấp thuận, đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ khởi công vào cuối năm 2025.
“Thực tế cho thấy các sân bay quốc tế có công suất lớn tương tự như Sân bay quốc tế Long Thành đều phải khi có đủ hai đường băng song song kết nối với nhau thì mới đảm bảo vận hành tốt về cơ bản”, trong báo cáo trước đó ACV nêu.
“Đường băng thứ 2 sẽ hoàn thành đồng bộ chung theo tiến độ”
Trước đó, ACV cho biết đơn vị này đề xuất xây dựng đường băng số 2 của Sân bay Long Thành, khi thực hiện có thể hoàn thành vào tháng 9/2026. Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 chỉ xây một đường băng, tuy nhiên, theo ACV việc xây ngay đường băng thứ 2 trong giai đoạn 1 sẽ đưa lại nhiều lợi ích và rất cần thiết. Theo đó, về chi phí đầu tư, đường băng thứ 2 thực hiện ngay trong giai đoạn 1 sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục khác. Đồng thời, số vốn đầu tư đường băng này cũng sẽ được cân đối trong tổng thể dự án, trên cơ sở tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục khác, cùng với chi phí dự phòng.
Nếu thực hiện theo phương án này, theo ACV, sẽ không làm tăng mức đầu tư của tổng dự án thành phần. ACV tính toán tổng mức đầu tư cho đường băng thứ 2 dài 4.000m và các đường lăn đồng bộ là khoảng 3.455 tỷ đồng, từ nguồn vốn của ACV. Khi thực hiện, dự kiến đường băng thứ 2 sẽ hoàn thành đồng bộ cùng toàn dự án giai đoạn 1, tháng 9/2026.
Khu vực xây dựng đường băng thứ hai, theo ACV, sẽ nằm trong phạm vi đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810ha, đã được giải phóng mặt bằng, hoàn thành thi công san nền, thoát nước.
Riêng đường băng thứ nhất hiện tại đang được xây dựng đảm bảo tiến độ, dài 4.000m, rộng 45m, hai lề vật liệu rộng 15m, khởi công ngày 31/8/2023, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng. Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm. Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng:
Giai đoạn 1 xây dựng một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.