Nguồn sinh kế hỗ trợ kịp thời giúp nhiều hộ nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm

Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chiêm Hóa triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trồng mía nguyên liệu trên địa bàn các xã.

Linh Phú là xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Gia đình chị Hà Thị Tập, dân tộc Tày, thôn Khuổi Đấng, vốn thuộc diện hộ nghèo của xã. Quanh năm, dù cần cù lao động nhưng vì chưa có định hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, nguồn vốn eo hẹp, cái nghèo vẫn đeo bám.

Rồi chị dành thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất, cộng với với 50 triệu đồng hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua hội nông dân xã, chị đầu tư vào chăn nuôi tổng hợp. Năm 2024, gia đình chị Tập đón nhiều tin vui khi mô hình chị mạnh dạn lựa chọn cách đây 3 năm đã cho hiệu quả. Gia đình chị có cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi diện hộ nghèo.

Chị Tập là một trong nhiều người dân ở xã Linh Phú được Đảng ủy, UBND xã vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế mới phù hợp với thị trường. Với đặc thù là xã có đại đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Linh Phú đặc biệt quan tâm phát huy vai trò những người có uy tín thực hiện công tác dân vận.

Đến nay, bước đầu tại địa phương đã hình thành được một số chuỗi sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả, điển hình như mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, các mô hình chăn nuôi tổng hợp…

Xã cũng linh hoạt khai thác nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, để hỗ trợ bà con về nhà ở, vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Nguồn sinh kế hỗ trợ kịp thời giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Nguồn sinh kế hỗ trợ kịp thời giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Nguồn sinh kế hỗ trợ kịp thời giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Linh Phú thay đổi cách nghĩ, cách làm trong cơ cấu kinh tế nông hộ. Năm 2023, xã Linh Phú vượt kế hoạch giảm nghèo, giải quyết việc làm vượt trên 173% kế hoạch… Những kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng để xã Linh Phú hoàn thành mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024.

Trên toàn huyện Chiêm Hóa, nếu đầu năm 2022 tổng số hộ nghèo là gần 9.800 hộ thì đến đầu năm 2024, số hộ nghèo chỉ còn hơn 6.200, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 5%.

Đây là huyện có 81,4% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, cùng nhiều dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm...

Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chiêm Hóa triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trồng mía nguyên liệu trên địa bàn các xã.

Ngoài đơn vị chủ trì liên kết, theo yêu cầu của huyện Chiêm Hóa, các đối tượng liên kết là cá nhân, hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Các hộ gia đình phải có đủ cơ sở vật chất tham gia kế hoạch, dự án liên kết, như diện tích đất trồng mía là loại đất ruộng, đất màu đồi, soi bãi, đất trồng cây hàng năm (không trồng trên đất lâm nghiệp) và cam kết thực hiện đúng theo hợp đồng với đơn vị chủ trì liên kết.

Mức hỗ trợ cho các xã cũng khác nhau, đơn cử tại các xã đặc biệt khó khăn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 80% tổng chi phí thực hiện dự án; với xã khó khăn là 70% và 50% trên địa bàn xã khác.

Thời gian qua, Chiêm Hóa tập trung nguồn lực của các chương trình, dự án để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người dân có thêm tư liệu sản xuất, việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững, đa chiều. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thẩm định cho trên 6.600 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là người dân tộc thiểu số với kinh phí trên 350 tỷ đồng.

Bên cạnh quan tâm các mô hình sinh kế, vốn phát triển sản xuất, Chiêm Hóa cũng chú trọng bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các hoạt động can thiệp về giáo dục, y tế mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi năm, Chiêm Hóa đã rà soát, cấp trên 72.400 lượt thẻ khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Huyện cũng thực hiện khám, chữa bệnh cho trên 7.000 lượt người dân tộc thiểu số mỗi năm, tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc.

Huyện thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Chiêm Hóa đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 10%; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 60%.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguon-sinh-ke-ho-tro-kip-thoi-giup-nhieu-ho-ngheo-thay-doi-cach-nghi-cach-lam-2322314.html
Zalo