Nguồn nhân lực, yếu tố then chốt phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số
Năm 2024, ngành GD&ĐT Đắk Lắk ưu tiên nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó hơn 32% là người dân tộc thiểu số (DTTS) Đắk Lắk có sự đa dạng về văn hóa. Để phát triển bền vững, nguồn nhân lực được coi là yếu tố then chốt, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Tầm quan trọng của nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực trong vùng DTTS không chỉ là lực lượng lao động mà còn là những người giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển đội ngũ này có chất lượng cao sẽ tạo ra những cơ hội mới cho người dân, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cụ thể hóa bằng Nghị quyết 44-NQ/TU (năm 2022 do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn ký) về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Quan điểm chung, Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát triển nguồn nhân lực gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phải hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực để phát huy cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ…”.
Quá trình triển khai, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk cũng coi đây là nhiệm vụ chính quan trọng.
TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ sẽ giúp bảo tồn văn hóa và truyền thống của các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho việc tiếp cận tri thức và công nghệ mới.
“Triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của ngành Giáo dục (Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ - PV), tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025. Trong đó quy hoạch mạng lưới trường lớp phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp THCS có 15 trường, quy mô 2.400 học sinh và 2 trường PTDTNT cấp THPT, quy mô 1.080 học sinh. Điều đó cho thấy, tỉnh rất quan tâm đến phát triển bền vững vùng DTTS, bởi các trường PTDTNT chính là cái nôi tạo nguồn nhân lực chất lượng”, TS Hiệp phân tích.
Nhiều thách thức
Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS vẫn gặp nhiều thách thức.
Theo ông Y Si Thắt, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, thách thức đầu tiên là trình độ học vấn thấp. Ở một số buôn làng vẫn còn nhiều người chưa hoàn thành phổ cập giáo dục, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nghề nghiệp. Kéo theo đó là thiếu kỹ năng nghề do chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp.
“Chúng ta đã có nhiều lần họp bàn, đưa ra nhiều dẫn chứng rồi, nhưng thực tế, tỷ lệ người dân được đào tạo qua trường lớp vẫn còn quá thấp. Một điều nữa, hiện nay nhiều người dân chỉ biết nói tiếng của dân tộc mình nhưng lại không viết được. Nhóm này luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về cơ hội học tập và việc làm. Vì vậy, ngành giáo dục và các địa phương phải sớm vào cuộc, tăng cường dạy tiếng DTTS và tiếng Việt cho học sinh và người dân. Hãy cho họ cần câu chứ đừng cho họ con cá”, ông Y Si Thắt nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk cho hay, vướng mắc lớn nhất là thực hiện chính sách theo Nghị định 81 hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề trung cấp, cao đẳng.
“Ngay trong Nghị định 81 đã có sự chồng chéo về nơi thực hiện chi trả tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng. Thực tế, nhiều học sinh, sinh viên và cơ sở đào tạo hoàn thiện hồ sơ, danh sách. Thêm nữa, việc lập dự toán thường vào cuối năm tài chính, nên rất khó phù hợp thực tế việc cấp kinh phí hỗ trợ”, ông Thuân nói.
Giải pháp
Để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đắk Lắk xác định, thực hiện tốt Nghị quyết số 44 về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề tại Đắk Lắk cũng xây dựng giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bà Trần Thị Thiết - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên cho chia sẻ: “Xuyên suốt từ khi thành lập đến nay (năm 2014 - PV) Trường luôn nhất quán chủ trương đào tạo “Thực học, thực hành, thực nghiệp”. Cam kết về đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, thấu hiểu học sinh. Chương trình đào tạo thực tiễn có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp, thực hành lên đến 80% thời lượng môn học. Nhờ đó, những yêu cầu về nguồn lao động có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập… đã được nhà trường đáp ứng.
Ngoài ra, ngay từ khi nhập học lớp 10 (mô hình 9+, vừa học vừa làm), thầy cô đã tư vấn, định hướng cho các em học sinh tự chọn môn ngoại ngữ yêu thích để học nhằm phục vụ công việc sau khi ra trường hoặc có nhu cầu xuất khẩu lao động, thực tập sinh, du học…”.
Bà Thiết đồng thời khẳng định, đào tạo nghề cho vùng sâu, vùng DTTS là ưu tiên của đơn vị: “Hiện nay đơn vị đã triển khai mô hình 9+ tại 2 huyện là Ea H’Leo và Krông Pắc. Chúng tôi đầu tư phòng học, phòng thực hành hiện đại và đưa nghề nghiệp đến gần với học sinh, những con em nông dân để họ được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại. Giúp các em vững tay nghề, tự tạo cho mình chỗ đứng vững chắc khi ra trường để lập thân, lập nghiệp. Từ đó, góp phần xây dựng buôn làng giàu đẹp, văn minh”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, TS Đỗ Tường Hiệp cho rằng, địa phương cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo nghề. Đồng thời, phát triển các chương trình hỗ trợ như tín dụng, học bổng cho học sinh, sinh viên người DTTS nhằm khuyến khích việc học tập và nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, tăng cường chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào DTTS, từ đó tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ thông qua hợp tác để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong vùng DTTS.
Có thể nói, chỉ khi nguồn nhân lực được phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả, vùng đồng bào DTTS mới có thể vươn lên, phát triển bền vững trong tương lai.
Theo thống kê, Đắk Lắk hiện có dân số hơn 1,9 người, trong đó lao động lao động khu vực nông thôn gồm cả vùng DTTS chiếm tới 75,28%, cơ bản vẫn là tỉnh thuần nông.
Toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn với đó là nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ học tập cho từng đối tượng chính sách, nhiều nhất là con em người DTTS. Tuy nhiên, số lao động khu vực nông thôn được đào tạo giai đoạn 2021-2023 mới chỉ đạt 9.121 người. Vì vậy, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu đào tạo cho nhóm này đạt 64%, trong đó 22,25% được cấp bằng, chứng chỉ.