Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo
23 tháng Chạp, các gia đình đều sắm sửa lễ vật cúng ông Công ông Táo nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày này.
Lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp là ngày lễ quan trọng trong mùa Tết Nguyên đán. Đây là ngày mà các vị thần Bếp cưỡi cá chép lên trời để báo với Ngọc hoàng những chuyện tốt, xấu trong gia đình suốt năm qua.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo
Ông Công ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam bao gồm các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp (Táo quân). Bộ ba này được cho là sự Việt hóa của ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ trong Lão giáo Trung Quốc.
Dân gian có nhiều câu chuyện cho biết nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo. Một trong các sự tích này kể rằng, vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không có con. Vì vậy mà dù vốn yêu nhau thắm thiết, Trọng Cao dần dần trở bên cáu gắt khó chịu, thường kiếm chuyện mắng mỏ, dằn vặt vợ.
Một hôm hai vợ chồng cãi nhau, Trọng Cao nổi cơn vũ phu, đánh mắng vợ rồi đuổi đi. Thị Nhi lang thang đến xứ người, gặp và lấy chồng mới là Phạm Lang, người đối xử với cô rất tốt.
Trọng Cao hối hận khi thấy mất vợ, bèn bỏ nhà đi tìm. Ngày tháng trôi qua, vợ không thấy mà tiền cũng hết, anh ta đành phải lần hồi xin ăn. Thế rồi số phận run rủi đưa anh ta đến ăn xin tại nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ngay ra chồng cũ. Nhân lúc chồng mới đi vắng, cô đưa chồng cũ vào thết đãi, sau đó đem anh ta ra giấu ở đống rơm ngoài đồng, định bụng bữa sau sẽ lại đưa cơm ra.
Không ngờ lát sau, Phạm Lang đốt đống rơm ấy để lấy tro bón ruộng, khiến Trọng Cao bị thiêu chết. Hối hận và cảm thấy tội lỗi, cho rằng chồng cũ mất mạng là do mình, Thị Nhi nhảy vào lửa. Phạm Lang xông vào cứu cũng không thoát khỏi cái chết. Ngọc hoàng cảm động trước tình cảm của ba người, cho họ làm thần Bếp.
Còn theo truyện Sự tích ông đầu rau trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi) lại có cách kể khác về nguồn gốc ngày Tết ông Công ông Táo: Có có hai vợ chồng tuy nghèo nhưng rất yêu nhau. Vào năm mất mùa đói kém, họ không được ai thuê mướn, phải đi mò cua bắt ốc, đào củ, hái rau về ăn nhưng vẫn có nguy cơ chết đói. Người chồng bèn dứt áo ra đi kiếm cách khác mưu sinh, dặn vợ nếu sau 3 năm mình không về thì cứ đi lấy chồng khác vì khi đó anh đã bỏ xác quê người.
Sau đó, vợ được nhận làm thuê trong một gia đình khá giả. Nạn đói chấm dứt, cái hẹn 3 năm đã trôi qua nhưng chồng vẫn biệt tăm. Trong khi đó, ông chủ vừa góa vợ đã đem lòng yêu và muốn cưới nàng làm vợ. Chưa hết hy vọng gặp lại chồng, nàng xin để tang 3 năm rồi mới tính chuyện đi bước nữa. Hết 3 năm, tin tức của chồng vẫn biệt tăm, người đàn ông kia thúc giục, nàng lại cố trì hoãn thêm một năm.
Cuối cùng, khi hết năm thứ 7, người đàn bà cho rằng chồng mình thật sự đã chết nên làm mâm cơm cúng rồi chấp nhận gá nghĩa với người mới. Không ngờ 3 tháng sau, người chồng lưu lạc trở về khiến cả ba người lâm vào tình huống trớ trêu, khó xử. Người chồng mới xin trả lại vợ, nhưng anh chồng cũ không nỡ phá hoại hạnh phúc của họ nên từ chối và quyết định ra đi. Thế nhưng tình cảm sâu đậm với vợ khiến anh không thể bước chân ra khỏi làng, quẫn trí treo cổ lên cây đa.
Cái chết của chồng cũ khiến người đàn bà đau đớn, tự cho là lỗi của mình đã không thể chờ thêm vài tháng dù đã đợi đằng đẵng 7 năm. Nàng cảm thấy không có mặt mũi nào sống tiếp nên nhảy xuống ao cạnh nhà. Người chồng mới cũng thấy mình có lỗi, sau khi làm ma cho vợ đã chia hết gia sản cho họ hàng và cúng vào chùa rồi cũng tự tử.
Trước tòa án của Diêm vương, hai người đàn ông đều khai họ rất nặng tình với vợ mình, còn người đàn bà thú thật rằng tình cảm của nàng với cả hai người chồng đều rất sâu đậm. Diêm vương rất cảm động, cho họ hóa thành ba ông đầu rau (3 hòn đất nung chụm lại để thành bếp đun) để được ở gần nhau mãi mãi, và ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Họ cũng được phong làm Táo quân, trong nom từng bếp lửa của từng gia đình.
Ý nghĩa tục cúng ông Công ông Táo
Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân được cho là còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.
Với mong muốn thần Bếp phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, người Việt thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng.
Phong tục cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ thần Bếp chuyên cai quản việc bếp núc. Mâm cơm cúng vừa để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần, vừa là để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Đặc biệt trong lễ cúng ông Công ông Táo, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (thường là 3 con) đựng trong chậu nước. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Sau khi cúng lễ xong, các gia đình đem cá ra sông hay ra ao để thả.
Việc thả cá chép có ngụ ý "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng". Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.