Nguồn gốc cuộc thánh chiến rung chuyển châu Âu

Thập tự chinh thứ nhất đánh dấu bước ngoặt cho mối quan hệ giữa Kitô giáo và Islam, từ mâu thuẫn cho đến thù địch, khiến 2 bên phải vật lộn với nhiều cuộc chiến kéo dài sau đó.

Trong cuốn Cuộc Thập tự chinh thứ nhất, xuất phát từ đam mê lâu dài với lịch sử thập tự chinh, với hàng loạt tài liệu được khảo cứu công phu, cộng với hành trình nghiên cứu điền dã vất vả (đi bộ 350 dặm từ Antioch về Jesusalem), TS người Anh Thomas Asbridge - chuyên gia về mảng lịch sử Trung cổ và lịch sử thập tự chinh - đã tái hiện lại Cuộc thập tự chinh lần thứ nhất một cách sống động.

Người phát động Thập tự chinh thứ nhất

Bên cạnh đó, để tăng tính hiện thực cho tác phẩm, tác giả còn lồng ghép cả những ghi chép và nhìn nhận của các chứng nhân đương thời từng tham gia cùng cuộc thập tự chinh, đồng thời lập một bảng danh sách những nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến các sự kiện.

Tác giả sách cũng cố gắng đưa ra những góc nhìn mới về cuộc thánh chiến rung chuyển châu Âu như làm sáng tỏ thêm căn nguyên của thập tự chinh; giải thích rõ ràng điều gì thôi thúc vô số người châu Âu dấn thân vào thử thách này; kể lại câu chuyện về hành trình của những người tham gia; lý giải việc tại sao một cuộc thập tự chinh không có lãnh đạo tập trung, không có kế hoạch từ trước lại giành chiến thắng.

Cuốn sách cũng đánh giá bản chất thực sự của mối quan hệ giữa Kitô giáo và Islam giáo tại thời điểm cuộc thập tự chinh nổ ra và chứng minh nó thay đổi ra sao sau cuộc sau cuộc tấn công vào Thánh địa.

Ngay lời nói đầu của cuốn sách, Thomas Asbridge đã cho biết Thập tự chinh thứ nhất diễn ra vào thế cuối thế kỷ 11 là một trong những giai đoạn đáng chú ý nhất lịch sử châu Âu, khi hàng chục nghìn người dấn thân bước vào cuộc hành trình phi thường qua 3.000 dặm đến Thánh địa, nhân danh Chúa Kitô để chiếm lại Jerusalem từ tay người Islam giáo.

Ảnh hưởng của giai đoạn này sâu sắc đến mức, đối với công chúng ngày nay, hễ nhắc đến thập tự chinh, người ta liền nghĩ ngay đến những cuộc chinh phạt tham lam đánh dấu thời điểm nở rộ rực rỡ đầu tiên của chủ nghĩa thực dân phương Tây, đồng thời là bằng chứng thuyết phục về khung cảnh dã man của châu Âu thời Trung cổ.

 Sách Cuộc thập tự chinh thứ nhất. Ảnh: MC.

Sách Cuộc thập tự chinh thứ nhất. Ảnh: MC.

Cuộc thập tự chinh lần thứ nhất đã đánh dấu một bước ngoặt cho mối quan hệ giữa Kitô giáo và Islam từ mâu thuẫn, căng thẳng đến thù địch và hai bên đã phải vật lộn với những cuộc chiến kéo dài sau đó, với vô số thế hệ bị thôi thúc tham gia.

Người phát động Thập tự chinh thứ nhất là giáo hoàng Urban II. Ông sinh vào khoảng năm 1035 trong một gia đình quý tộc de Lagery, ở thị trấn Châtillon-sur-Marne miền Bắc nước Pháp.

Ông được đặt tên trong lễ rửa tội là Odo và được biết trong biên niên sử dưới một cái tên khác, vì khi bước lên ngôi vị được truyền lại từ thời Thánh Peter ở Rome ở tuổi 50, ông đã tuân theo truyền thống giáo hoàng đoạn tuyệt quá khứ để trở thành Giáo hoàng Urban II.

Nhưng, bất chấp sự thay đổi này, Urban vẫn là một con người của thời đại ông, quá trình trưởng thành và sự nghiệp trước đó của ông để lại dấu ấn không thể tranh cãi trên cương vị giáo hoàng, và có vai trò to lớn trong việc định hình nên cuộc chiến quan trọng làm rung chuyển châu Âu thế kỷ 11.

Mối đe dọa với cộng đồng Kitô giáo Latin

Vào mùa Thu năm 1095, với thế lực của Rome bước đầu đang trong quá trình phục hồi, giáo hoàng Urban II thực hiện một chuyến đi ở Pháp - chuyến hành trình đầu tiên ra bên ngoài phạm vi Italy mà chưa giáo hoàng tiền nhiệm nào từng tiến hành trong nửa thế kỷ trước đó.

Và chính trong chuyến đi cố hương này, Urban đã có bài diễn thuyết phát động cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất. Đối tượng mục tiêu của giáo hoàng chính là tầng lớp quý tộc Pháp, tầng lớp đã sinh ra ông, tầng lớp chiến binh luôn không ngừng chiến đấu để sinh tồn trước sự bành trướng của đế quốc La Mã trong nhiều thế kỷ trước đó.

Urban đã kêu gọi các chiến binh Latin phương Tây trả thù cho những người theo Islam giáo, những kẻ đã gây ra một loạt tội ác chống lại cộng đồng Kitô giáo. Ông cũng kêu gọi các chiến binh Latin hãy tiếp viện cho những người anh em Phương Đông (Đông La Mã - Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) của họ tái chiếm địa điểm linh thiêng nhất trên Trái Đất, Jerusalem.

Lời kêu gọi hành động quân sự của giáo hoàng Urban đã đạt được sự hợp nhất giữa đức tin và bạo lực, cả châu Âu sau đó đã nhiệt tình đáp lại lời kêu gọi ông. Và cũng kể từ bài diễn thuyết này, khái niệm về một cuộc thập tự chinh đã ra đời và ràng buộc Kitô giáo với sự nghiệp quân sự, nói cách khác là bạo lực đã được thánh hóa trở thành biểu hiện của lòng sùng đạo.

 Tác giả Thomas Asbridge. Ảnh: BBC.

Tác giả Thomas Asbridge. Ảnh: BBC.

Theo tác giả Thomas Asbridge, lời kêu gọi hành động quân sự của giáo hoàng Urban có thể bị kích thích bởi một lời kêu gọi viện trợ quân sự của Đông La Mã 8 tháng trước đó, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính yếu.

Vào tháng 3 năm 1095, giáo hoàng Urban đã triệu tập một hội nghị lớn tại thành phố Piacenza, miền Bắc Italy. Chính trong cuộc họp này, như một định mệnh, một đoàn sứ giả đến từ Constantinope (Istanbul ngày nay) thủ đô của đế quốc Kitô giáo Hy Lạp hùng mạnh - đế quốc Đông La Mã đã kêu gọi viện trợ quân sự từ người anh em Kitô giáo của họ ở phương Tây trước sự hung bạo của người Islam giáo ở Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Thực tế, vào thời điểm giáo hoàng tuyên bố phát động cuộc thập tự chinh thứ nhất, cộng đồng Islam giáo và Kitô giáo cùng tồn tại nhiều thế kỷ trong sự bình đẳng. Thánh địa Jerusalem - mục tiêu cuối cùng của Thập tự chinh - cũng đã nằm trong tay người Islam 400 năm.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính để Urban ra kêu gọi thánh chiến chính là sự đe dọa tiềm tàng của Islam giáo. Vào thế kỷ thứ 8, Islam giáo đã xuất hiện ngày càng nhiều ở phía Nam trên bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), khiến cho các Kitô hữu bản địa chỉ còn sinh sống trên một dải đất mỏng ở phía Bắc.

Trong những thập niên trước khi xảy ra thập tự chinh, quan hệ giữa các Kitô hữu người Latin và Islam giáo trở nên thù địch đến mức tàn nhẫn. Bên cạnh đó, lực lượng Islam giáo dàn trải đối lập ở phía Đông dọc theo biên giới châu Á của Đông La Mã đã xuất hiện nhiều thập niên mà không có phản ứng nào từ Rome.

Do đó, Urban II đã quyết định kêu gọi hành động quân sự tại Clermont, với nguyên tắc là hành động và chủ động tấn công, chứ không phản ứng phòng vệ. Các ý tưởng thập tự chinh cũng được đặt ra, trước hết và trên hết, để đáp ứng nhu cầu của giáo hoàng. Với Urban, cuộc phát động thánh chiến còn có ý nghĩa hơn khi nó củng cố sức mạnh của giáo hoàng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Rome.

Vào mùa hè năm 1096, chưa đầy một năm sau bài phát biểu của giáo hoàng Urban II tại Clermont, những chiến binh của cuộc Thập tự chinh đã tiến đến biên giới của đế quốc Đông La Mã và 12 tháng sau họ tràn qua vùng đất này và quét qua vùng Balkan tiến về thủ đô Constantinople và eo biển Bosphorus, một dải nước nhỏ ngăn cách thế giới phương Đông với phương Tây, trải dài tới vùng biên giới của Islam giáo.

Trong gần 3 năm tiếp theo, các thập tự quân đã hành quân băng qua khắp các miền đất, chịu đựng đau khổ khủng khiếp để đến thành phố Kitô giáo thiêng liêng nhất trên Trái Đất, Jerusalem. Trong khoảnh khắc chiến thắng, với tham vọng mộ đạo đã đạt được của mình, họ đã gây ra một làm sóng tàn bạo khủng khiếp trên toàn thành phố này.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-cuoc-thanh-chien-rung-chuyen-chau-au-post1481162.html
Zalo