Nguồn điện giá rẻ khan dần, nỗi lo thu hút điện sạch

Đó là nội dung được thảo luận tại tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện', diễn ra ngày 20/8.

Vẫn khó thu hút đầu tư

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng nói, điện là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào nền kinh tế. Khi mất điện cuộc sống bị đảo lộn. Hệ lụy năm 2023 là kiểm chứng rõ nhất về câu chuyện "nếu mất điện xảy ra thì hệ lụy như thế nào?".

Vì thế, vị này cho rằng: "Nếu giá điện điều hành theo hướng đa mục tiêu như hiện nay, thì người bán điện lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN, nhưng EVN chỉ nắm một chút nguồn và phải đi mua điện của nhiều nơi… Nếu giá điện thấp, đầu tiên EVN lỗ, tức là Nhà nước mất vốn. Việc không có lợi nhuận, sẽ không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện… nguy cơ thiếu điện có thể còn xảy ra".

Chuyên gia khẳng định, điện sạch không có giá rẻ. Ảnh: Dự án điện gió Sóc Trăng 7.

Chuyên gia khẳng định, điện sạch không có giá rẻ. Ảnh: Dự án điện gió Sóc Trăng 7.

Việc lỗ của EVN hiện nay, theo ông Hồi, có thể tạo thành hiệu ứng Domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn.

"Trong khi, Quy hoạch điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì tôi cho rằng triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời, ít nhất là rất khó", ông Hồi nói.

Hiện các nguồn điện giá rẻ (thủy điện, điện than) đã hết tiềm năng phát triển, trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi - hai loại hình có giá thành cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn. Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung ứng phó và xử lý.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho hay, nhiệt điện than theo lộ trình Netzero, sẽ tiết giảm đến năm 2030 và dừng ở năm 2050.

Do đó, tới đây, sẽ có chương trình thay đổi nhiên liệu, phối trộn. Tức là, vẫn quay lại câu chuyện về giá, do giá đầu vào của những nguyên liệu đốt thay thế như Biomass, viên nén có thể cao gấp 2-3 lần giá than.

"Mặt khác, nếu dùng điện sạch thì song song đó là đầu tư lưu trữ… chắc chắn hệ thống này giá sẽ không bao giờ rẻ. Đây là vấn đề các chuyên gia cần phải tính toán", ông Tuấn đặt vấn đề cho thu hút đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

4 bất cập về giá điện

Các chuyên gia đều cho rằng, vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện nằm ở "nút thắt" chính là giá điện.

Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, chỉ ra 4 bất cập rất lớn về giá điện. Đầu tiên là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.

Nghĩa là, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá hết. Thế nhưng, giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó.

"Có lúc điều chỉnh quá lâu, có lúc lại điều chỉnh không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên, sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn", ông Thỏa nêu nguyên nhân khiến EVN lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng trong hai năm 2023 và 2024.

Ông Thỏa cũng phân tích nhiệm vụ đa mục tiêu mà giá điện phải gánh. Đó là, chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí, nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát.

"Rất nhiều mục tiêu. Có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không đảm bảo được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Cho nên chúng ta phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn", ông Thỏa nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bất cập này, theo vị chuyên gia, theo Nghị quyết 55 chúng ta phải dùng những biện pháp như là thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá điện để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Một điểm bất cập khác là cơ chế bù chéo giá điện. Hiện đang bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp; bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất; bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao...

Hiện giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội cũng là một bất cập lớn. Ở chỗ, dù đã hỗ trợ tiền mặt đối với người thu nhập thấp, người nghèo. Nhưng trong biểu giá điện đối tượng này vẫn được hưởng giá bán điện chỉ bằng 92-95% so với giá bán lẻ bình quân….

Để giải quyết bài toán minh bạch giá điện, tính đúng tính đủ chi phí, ông Bùi Xuân Hồi kiến nghị luật hóa cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá.

Ông Hồi lập luận, xăng dầu một tuần điều chỉnh một lần theo nghị định. Điện có thể không làm được như vậy, nhưng có thể chuyển từ quyết định của Thủ tướng thành nghị định của Chính phủ, để 3 tháng chúng ta điều chỉnh một lần.

"Đến hẹn lại lên, chúng ta điều chỉnh được không? Như thế, tôi cho rằng ngành sẽ dần dần ổn định và đảm bảo được các mục tiêu Chính phủ đề ra một cách hợp lý nhất", ông Hồi bày tỏ.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguon-dien-gia-re-khan-dan-noi-lo-thu-hut-dien-sach-192240820163720014.htm
Zalo