Nguồn cát biển sắp về đến công trường thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu khai thác cát biển tại khu B1.1 và B1.2 tỉnh Sóc Trăng đang trên đường vận chuyển về công trường phục vụ san lấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Các tàu hút cát của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C bơm hút cát biển phục vụ đắp nền cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Trung Hiếu/ TTXVN

Các tàu hút cát của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C bơm hút cát biển phục vụ đắp nền cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Trung Hiếu/ TTXVN

Dự kiến tối ngày 4 đến rạng sáng 5/7, sà lan chở cát biển từ khu B1 tỉnh Sóc Trăng sẽ về đến khu vực thuộc tuyến đường quốc lộ 63 đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, phục vụ thi công đắp nền cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Phương pháp và thiết bị khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng bằng cách sử dụng tàu xén thổi tự hành công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 m3/ngày. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000 - 3.000 m3 vào khu vực tập kết.

Trước đó, ngày 29/6, nhà thầu là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C chính thức khởi công dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát biển) để cung cấp cho dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Địa điểm khu vực biển tại Tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 vùng biển tỉnh Sóc Trăng. Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích gần 100 ha được giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao được phép sử dụng đến 5m tính từ mặt nước biển, được thể hiện chi tiết trên sơ đồ khu vực biển giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C.

Theo ông Đỗ Minh Châu, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, đơn vị thi công chỉ thực hiện khai thác khoáng sản trong thời gian từ 7h đến 17h hàng ngày, không khai thác vào ban đêm. Thời hạn được giao khu vực mỏ cát biển B1.1, B1.2 kể từ khi quyết định giao có hiệu lực thi hành đến hết ngày 21/12/2024.

Việc sử dụng cát biển san lấp đường giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức triển khai dự án thí điểm đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với chiều dài là 300m, dùng thi công cho các lớp cát đắp có độ chặt 95% (K95) có chiều dày lớp đắp cát biển từ 0,5m đến 1m. Kết quả cho thấy, cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo tới các địa phương về kết quả thí điểm sử dụng cát biển.

Trước đó, qua khảo sát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định được thân mỏ khoáng cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng có diện tích 160,3km2. Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp đạt 680 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biển gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi, độ sâu khai thác từ 3-4m.

Theo đo định, chiều sâu hút cát thấp hơn 10m, hút cát đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo tuyến luồng Định An. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000-3.000m3 vào khu vực tập kết. Tổng lượng cát khai thác trong khoảng 100 triệu m3, công suất khai thác khoảng 30.000-50.000 m3/ngày. Thời gian khai thác phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm.

Ngoài mỏ cát biển tại khu vực B1 ngoài khơi khu vực biển Sóc Trăng, từ ngày 30/6/2024, tại khu vực sông Hậu đoạn từ xã An Thạnh 1 đến xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), nhà thầu cũng đang khẩn trương huy động phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ khai thác vận chuyển cát về công trường dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đây là mỏ cát MS05 đã được UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho nhà thầu là Ban điều hành Trường Sơn 12 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) khai thác theo cơ chế đặc thù và là mỏ cát đầu tiên trong 5 mỏ cát (có tổng diện tích hơn 450ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3) trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh này lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, đại diện Ban điều hành Trường Sơn 12 cho biết, ngay sau khi khởi công, đơn vị đã huy động tối đa máy móc, thiết bị và công nhân khai thác, nhằm sớm đưa cát về công trường, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Được giao quyền tổ chức khai thác các mỏ cát trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã nhiều lần cam kết sẽ chia sẻ nguồn cát tại địa bàn cho các tỉnh, thành, địa phương có nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình dự án trọng điểm. Trước đó, tháng 5/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi 29 tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã nhận được văn bản đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của các địa phương, chủ đầu tư với tổng nhu cầu là hơn 24,4 triệu m3.

Trung Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nguon-cat-bien-sap-ve-den-cong-truong-thi-cong-cao-toc-hau-giang-ca-mau-20240703121458679.htm
Zalo